Thế thời và tạo thế

Những ngày qua đã diễn ra 3 sự kiện liên quan đến bóng đá Việt Nam và cả 3 đều trực tiếp tác động đến HLV Park Hang-seo và các đội tuyển quốc gia và U.22.

Đó là cuộc họp báo của thầy Park trước đợt chuẩn bị cuối cùng của đội tuyển quốc gia cho hai trận đấu gặp Malaysia và Indonesia trong vòng loại thứ hai World Cup 2022; là trận chung kết lượt đi liên khu vực trong khuôn khổ AFC Cup của Hà Nội FC với CLB 25 tháng 4 của CHDCND Triều Tiên và lễ bốc thăm Vòng chung kết U.23 châu Á 2020. Xuyên những sự kiện trên là những khó khăn, thách thức mới, là ngưỡng mới, thời thế mới và khát vọng cùng tư duy, tầm nhìn và sự chủ động của thầy Park đối với chặng đường trước mắt và lâu dài của bóng đá Việt Nam.

Trước hết là trận hòa 2-2 trên sân nhà của Hà Nội FC với CLB 25 tháng 4. Kết quả hòa là bất ngờ và thất lợi, nhưng trận đấu đã đem lại những điều đáng mừng, những bài học cho Hà Nội FC và cho cả các CLB cùng các đội tuyển Việt Nam. Mừng là Hà Nội FC đã có được thế trận lấn lướt rõ rệt, mọi chỉ số trong trận đều ưu thế về phía đội nhà, đặc biệt là số cơ hội ghi bàn. Có thể nói rằng, đội bóng Hà Nội đã có một trong những trận tấn công hay nhất của mình cả trên đấu trường trong nước và quốc tế. Phối hợp gắn bó, ban chuyền chính xác, tấn công đa dạng và tạo nên nhiều cơ hội dứt điểm. Đây là cơ sở để có thể tin rằng trận lượt về, Hà Nội FC sẽ chí ít không bị lép vế trước đội bóng Triều Tiên. Tất nhiên, trận đấu cũng bộc lộ rõ những điểm yếu của đội nhà. Đó là sự phung phí cơ hội đến mức không thể tin nổi cùng sự lỏng lẻo, hớ hênh của thế thủ. Dường như trong tâm lý các cầu thủ đều vừa có sự tự tin thái quá đến chủ quan, vừa có sự nôn nóng.

Ở hàng thủ, tình thế lắp ghép bất khả kháng, chéo giò khiến cho sự phối hợp, bọc lót không ăn ý nhịp nhàng nên việc phán đoán, phản ứng, phản xạ của từng vị trí hậu vệ, tiền vệ và thủ môn đã xảy ra bị động, trục trặc. Hà Nội FC là CLB có lực lượng hùng hậu nhất V.League nhưng với việc các chủ chốt phải thi đấu liên tục trên nhiều đấu trường trong suốt gần hai năm qua đã dẫn đến chấn thương, hao hụt số quân. Bài học đối với đội bóng tham vọng nhiều mặt trận càng vào sâu càng khốc liệt từ CLB của Hà Nội chắc chắn các CLB khác cũng đã hiểu thấu. Trước mắt, trận lượt về, Hà Nội sẽ phải chăm lo phòng thủ chắc chắn hơn gấp bội, bởi ngay khi thế công triển khai đến tưng bừng thì cũng không thể lấy công bù thủ. Đội bóng Triều Tiên từng trải AFC Cup khôn ngoan và già dơ hơn ta tưởng.

Trên trọng trách nắm cùng lúc hai đội tuyển, rõ ràng hơn ai hết, HLV Park Hang-seo quá thấu hiểu bài học về lực lượng và ông đã tìm mọi cách để chuẩn bị một cách chủ động nhất. Ông tuyển khá đông quân cho U.22 qua nhiều vòng, nhiều bước. Có thể nói, phương thức triệu tập nhiều đợt với thời gian ngắn xen giữa lịch đấu V.League là một cách làm độc đáo và hiệu quả khá cao. Hầu như mọi tài năng đều đã không bị bỏ sót và câu chuyện cần đến 5 tuần chuẩn bị cho U.23 tham gia SEA Games đã được rút bớt lại mà không gây khó cho ông và đội tuyển trẻ.

Đến cách tuyển chọn bổ sung tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia của ông cũng thật lạ mà hợp lý, hợp thời. Không ai có thể đoán chắc những tuyển thủ Hà Nội FC phải vắt kiệt sức, chỉ hội quân sát ngày ở tuyển quốc gia lại có đủ thể lực và phong độ ở mức bảo đảm chứ đừng nói là sung mãn. Cũng chẳng thể tin được những tuyển thủ đang đầu quân cho các CLB Âu, Á dễ dàng và nhanh chóng hội nhập trở lại với đội tuyển. Bài học không được ra sân của thủ môn Bùi Tiến Dũng nên mất đi cảm giác ứng phó có khác gì Công Phượng!

Cách nhìn, cách làm rất thực tế của thầy Park đã thuyết phục tất cả. Ông đã thấy tuyển Malaysia mới lên, mạnh lên hơn hồi đá AFF Cup và ông muốn làm mới đội tuyển với cả nhân sự mới, bài vở, miếng đánh mới. Nhớ lại trận đấu với tuyển Thái Lan, chúng ta không thể quên được cục diện lấn lướt của tuyến tiền vệ đông người và rất nhanh nhẹn, mạnh mẽ của đối thủ. Vì thế, việc triệu tập đến 8 cầu thủ để chọn cho hai vị trí tiền vệ trung tâm là xác đáng. Mà mỗi người một vẻ, chắc chắn tuyến này của tuyển quốc gia sẽ mới và mạnh hơn hẳn. Ấy là thời thế mới và cách tạo thế mới.

Với đội U.23, có lẽ tất cả những người theo dõi đều đồng tình theo cách nhìn nhận của thầy Park và những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam, rằng dù đội U.23 đã giành được ngôi Á quân năm 2018 và được xếp là hạt giống của giải tới, song thực lực ta không hơn các đội bạn. Chính vì thế, việc bốc thăm Vòng chung kết châu Á không quá quan trọng bởi với U.23 Việt Nam, “bảng nào cũng là bảng tử thần”. Cách nhìn thực tế này giúp chúng ta tự tin nhưng loại bỏ đi những ảo tưởng xa xôi.

Chúng ta cứ mỗi ngày lại thấy thầy Park có thêm những sáng kiến hay, linh hoạt. Ông không chỉ thể hiện tài năng và kinh nghiệm của mình mà còn cả tấm lòng nhiệt huyết gắn bó với bóng đá trên đất nước hình chữ S bên bờ Biển Đông. Ông nói thẳng chưa thấy được sự chuẩn bị rõ ràng của chúng ta cho ước vọng World Cup. Trước đây, ông từng nói đến việc chăm lo cho các đội tuyển tương lai từ các lứa trẻ em 8-10 tuổi. Mới đây, ông đề cập đến chuyện cần phải có đội ngũ đầy đủ những HLV thể lực, các bác sĩ dinh dưỡng, tâm lý… Rõ ràng, ông đã nhìn thấy sự bất cập trong cách xây dựng các đội tuyển của chúng ta và quan trọng hơn, ông mong muốn được là một thành tố trách nhiệm và tích cực, hiệu quả trong các quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Thầy Park khiêm nhường: Thì tôi cũng mới cùng bóng đá Việt Nam giành được một danh hiệu AFF Cup. Và nữa: Vấn đề tiền trong hợp đồng không quan trọng. Trên nhiều góc độ, ông không chỉ là người thầy của các đội tuyển mà còn của cả nền bóng đá Việt Nam. Phía trước là cuộc vượt ngưỡng của các đội tuyển và của tất cả những người yêu bóng đá nước nhà.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/the-thoi-va-tao-the-592146