Thể thao Vĩnh Phúc: Nếu được quan tâm và có cơ chế chính sách kịp thời, hợp lý

Chỉ là một tỉnh nhỏ nếu xét về diện tích cũng như dân số, nhưng những năm gần đây, Vĩnh Phúc nổi lên như một thế lực đáng gờm của thể thao Việt Nam ở hầu hết các môn thi đấu, từ thể thao quần chúng cho đến thể thao thành tích cao. Nhiều năm liên tiếp, Vĩnh Phúc có Huy chương Vàng ở cả cấp độ quốc gia lẫn khu vực. Vậy nhưng, cũng có những môn, vốn tưởng là thế mạnh bởi nhiều yếu tố tiềm năng thì lại bặt tin dài dài, để lại nhiều bâng khuâng, nuối tiếc trong lòng người hâm mộ.

Môn kép co phát triển rộng khắp ở Vĩnh Phúc thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Tự hào thể thao Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc tái lập tỉnh đến nay đã được hơn 20 năm với nhiều thay đổi đột phá về nhiều mặt. Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục cũng đạt được nhiều thành quả to lớn.

Đặc biệt, ngành Thể dục-thể thao để lại nhiều dấu ấn khó phai bởi những thành tích đáng nể trên khắp các đấu trường trong nước và khu vực.

Còn nhớ, năm 2011, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 39 chuyên đề về phát triển thể thao thành tích cao. Nghị quyết ra đời khiến những người đam mê thể thao nói riêng, người dân Vĩnh Phúc nói chung phấn khởi và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp không xa của thể thao tỉnh nhà.

Không nằm ngoài dự đoán, từ chủ trương đúng đắn này, 9 năm qua, thể thao thành tích cao của tỉnh đã giành được nhiều kết quả tích cực.

Giai đoạn 2012 - 2015, các VĐV Vĩnh Phúc tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu các giải thể thao quốc tế đoạt 58 huy chương các loại (25 HCV, 12 HCB, 21 HCĐ), vượt 38 huy chương so với mục tiêu đề ra. Nhiều bộ môn đã trở thành thế mạnh của tỉnh như đua thuyền, võ gậy, bắn súng, karatedo...

Năm 2013, tại Sea games 27 tổ chức tại Myanmar, 3 VĐV của tỉnh thi đấu đạt thành tích xuất sắc, giành 4 huy chương, trong đó có 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ.

Năm 2015, Sea games 28 tổ chức tại Singapore, VĐV Trương Thị Phương xuất sắc giành HCV môn đua thuyền Canoeing, VĐV Phạm Thế Hùng giành HCV môn Pencak Silat.

Giai đoạn 2016 - 2020, VĐV Vĩnh Phúc tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu các giải thể thao quốc tế đoạt 98 huy chương các loại (37 HCV, 32 HCB, 29 HCĐ), vượt 73 huy chương so với mục tiêu đề ra.

Năm 2019, Sea games 31 tổ chức tại Philippines, 4 VĐV của tỉnh đã giành 5 huy chương, trong đó có 3 HCV, 2 HCĐ...

Với các giải thể thao trong nước, từ năm 2012 - 2020, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII, VIII năm 2014, 2018, Vĩnh Phúc đoạt 67 huy chương các loại (19 HCV, 18 HCB, 30 HCĐ); xếp thứ 17/65 tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.

Trong phong trào thể dục-thể thao quần chúng, Vĩnh Phúc cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ khi số người luyện tập thể dục-thể thao thường xuyên tăng theo hướng tự giác, có tổ chức, rộng khắp.

Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, phong trào thể dục-thể thao quần chúng được phát triển sâu rộng tới từng khu dân cư; nhiều nội dung thi đấu, giải thể thao quần chúng được hình thành, phát triển, góp phần nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Đặc biệt, từ các phong trào này, tỉnh đã phát hiện được nhiều tài năng thể thao, làm nhân tố cho thể thao thành tích cao.

Khoảng lặng môn bóng đá

Bóng đá được tôn vinh là môn thể thao vua bởi sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng to lớn của nó đến đông đảo người dân. Nhưng thật lạ là một địa phương yêu thích luyện tập thể dục-thể thao như Vĩnh Phúc, môn thể thao vua lại không có tên trên bản đồ bóng đá đỉnh cao của nước nhà.

Các cầu thủ của CLB Bóng đá Hải Nam Vĩnh Phúc ăn mừng chiến công thăng từ hạng Ba lên hạng Nhì ngay trong lần đầu góp mặt ở sân chơi lớn.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, toàn tỉnh có tới hàng trăm sân vận động lớn nhỏ, từ sân đất, sân cỏ nhân tạo đến sân cỏ thật, các sân chơi bóng đá len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm.

Người hâm mộ Vĩnh Phúc không hề thua kém người hâm mộ cả nước về độ nhiệt tình mỗi khi các đội tuyển quốc gia đi sâu vào các giải quốc tế.

Đặc biệt, tiềm lực kinh tế của tỉnh và khả năng huy động các nguồn lực xã hội để phát triển bóng đá đỉnh cao của tỉnh là rất lớn. Nghĩa là mọi góc độ đều cho thấy, Vĩnh Phúc đủ khả năng và cơ hội để có một nền bóng đá tương xứng với cả nước.

Vậy nhưng thật tiếc, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc chưa có một đội tuyển bóng đá nào thi đấu ở các sân chơi lớn trên toàn quốc.

Xa hơn nữa, kể từ thời Vĩnh Phú còn chưa chia tách, người dân mới được hòa mình cùng bóng đá đỉnh cao là thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đội bóng Công an Vĩnh Phú (về sau là Công nghiệp Việt Trì) thi đấu ở giải bóng đá A1 toàn quốc - hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng chỉ được ít năm, đội tuyển đã phải xuống hạng vì nhiều nguyên nhân khác nhau (1989).

Những năm gần đây, kinh tế-xã hội có nhiều bước phát triển vượt bậc là cơ hội lớn cho thể thao nói chung, bóng đá nói riêng tìm được đất dụng võ.

Nhiều đơn vị, cá nhân có tâm, có tầm và có tài như bầu Đức, bầu Hiển... đã xây dựng nên các trung tâm đào tạo, huấn luyện bóng đá trẻ có tầm cỡ trong nước và khu vực, sản sinh ra nhiều thế hệ các cầu thủ chất lượng cao ngang tầm bóng đá khu vực.

Cũng nhờ những bước đi chuyên nghiệp này, một số địa phương trong cả nước, dù tiềm lực không lớn những vẫn gây dựng cho mình nhiều đội tuyển bóng đá mạnh, đủ sức thi đấu ở nhiều cấp độ quốc gia như Đăk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Nam...

Trong khi đó, Vĩnh Phúc có đầy đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa; có tình yêu bóng đá sâu sắc và nguồn lực xã hội to lớn lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ thì quả là đáng tiếc.

Hướng về sân chơi lớn

Bóng đá Hải Nam Vĩnh Phúc mới chỉ thành lập được 5 tháng

Mới đây, sự kiện CLB Bóng đá Hải Nam Vĩnh Phúc ngay lần đầu tham dự giải bóng đá hạng Ba Quốc gia đã giành quyền thăng hạng Nhì, vượt qua nhiều “ông lớn” như Luxury Hạ Long và Trẻ Viettel đã làm nức lòng người hâm mộ Vĩnh Phúc.

Nói đây là “sự kiện” bởi dù chỉ là giải bóng đá chuyên nghiệp thấp nhất trong hệ thống vô địch giải bóng đá nam trong nước, nhưng sân chơi này có rất nhiều đội mạnh tham gia, được đầu tư lớn và nuôi dưỡng bởi nhiều đơn vị, địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh.

Mục tiêu của sân chơi là tìm kiếm các gương mặt có chất lượng, cung cấp cho các giải đấu cao hơn, đặc biệt là giải vô địch bóng đá quốc gia (V. League).

Chính vì vậy, so với sự chuẩn bị dài hơi và đầu tư tốn kém của các đội tuyển khác trên cả nước, chiến thắng này càng thêm ý nghĩa bởi CLB

Phát biểu ngay sau khi chính thức giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhì quốc gia, Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Nam Vĩnh Phúc, ông Chu Anh Tú cho biết: "Mục tiêu của CLB không phải là giải hạng... Nhì, cũng không phải giải hạng Nhất mà đích đến chính là giải vô địch bóng đá quốc gia.

Tất nhiên, đây là chương trình dài hơi chứ không thể trong ngày một ngày hai, đòi hỏi đơn vị chủ quản phải có chiến lược và kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn cụ thể".

Theo ông Tú, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để phát triển bộ môn bóng đá trở thành phong trào rộng khắp và hướng tới sân chơi chuyên nghiệp.

Từ lòng nhiệt huyết, đam mê đến điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Đặc biệt, với hơn 10.000 doanh nghiệp đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, không ít trong số đó có tiềm năng làm bóng đá theo đúng nghĩa chuyên nghiệp.

Nếu tỉnh và các cấp chính quyền, đơn vị chức năng quan tâm và có những cơ chế chính sách kịp thời, hợp lý, chắc chắn bóng đá Vĩnh Phúc sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, đưa môn thể thao vua này bước sang một trang mới hứa hẹn đầy cảm xúc và sôi động.

Quang Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/the-thao-vinh-phuc-trong-han-hoan-co-ca-nhung-not-tram-80750