Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32 (*): Chất chưa theo kịp lượng

Thể thao Việt Nam chia tay SEA Games 32 với 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ - vượt qua quốc gia có nền thể thao rất mạnh trong khu vực là Thái Lan, để lần thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng tổng sắp

Đáng chú ý là mặc dù thành tích đứng nhất toàn đoàn ở môn bóng đá song vẫn còn nhiều điều băn khoăn về diện mạo đội tuyển U22 nam; bên cạnh đó nhóm môn cơ bản Olympic dù đa phần góp mặt trong 3 hạng đầu SEA Games 32 nhưng cũng rất ít thông số tiệm cận thành tích châu lục hay thế giới.

Bóng đá Việt Nam được xếp ở vị trí số 1 đại hội cùng với vật, cử tạ, judo, karatedo, thể dục dụng cụ; số 2 có điền kinh, bơi; trong khi số 3 có bóng bàn, taekwondo, bóng chuyền... chính là sự khẳng định thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng vì tập trung phát triển nhóm môn cơ bản Olympic, bỏ qua giai đoạn "đi tắt đón đầu" một thời thành công với những loại hình thể thao bản địa (võ gậy, pencak silat, kurash...) không đủ sức vươn tầm ra sân chơi châu lục hay Olympic.

Việc giành đến 136 HCV được coi là hoàn thành vượt mức chỉ tiêu khi ban đầu đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) chỉ dè dặt đưa ra định mức phấn đấu trước giờ lên đường chỉ từ 85-120 HCV. Có ý kiến cho rằng vượt rất xa chỉ tiêu như thế liệu có sai số trong công tác dự báo chuyên môn. Theo lý giải của các nhà chuyên môn, thành tích vượt trội tại kỳ đại hội này là do khoảng thời gian giữa 2 kỳ SEA Games 31 và 32 chỉ là 12 tháng, sức mạnh của TTVN vẫn được duy trì như khi dẫn đầu kỳ đại hội trên sân nhà.

Trần Minh Trí giành HCV và phá kỷ lục cử tạ hạng 67 kg nam (Ảnh: NGỌC LINH)

Trần Minh Trí giành HCV và phá kỷ lục cử tạ hạng 67 kg nam (Ảnh: NGỌC LINH)

Bên cạnh đó, TTVN đang trong giai đoạn dồn sức cho việc chuẩn bị tranh tài tại Asian Games Hàng Châu 2023 (Trung Quốc) cũng như tìm chuẩn dự Olympic Paris 2024 (Pháp) nên kết quả tốt ở SEA Games 32 hoàn toàn có thể hiểu được.

Cũng có quan điểm cho rằng việc TTVN chiếm ưu thế là do Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore không đưa lực lượng mạnh nhất đến SEA Games 32, song góc nhìn này khá phiến diện. Cứ nhìn cách các đoàn đua tranh dữ dội ở điền kinh hay bơi mà ngay cả chủ nhà Campuchia lần đầu có HCV điền kinh (800 m nam) cũng đủ thấy tính chất quyết liệt của cuộc chơi.

Điều đáng nói là việc giành được số lượng HCV ở mức cao không phản ánh được thực chất sự tiến bộ vượt bậc của TTVN. Trên 700 VĐV tranh tài ở 30 môn với cả ngàn trận đấu nhưng chỉ 16 lần phá kỷ lục, trong đó có đến 10 kỷ lục ở "mỏ vàng" lặn, rõ ràng chưa thể làm hài lòng giới chuyên môn.

Ngoài 4 lần xô đổ thông số thành tích cũ ở môn cử tạ của Nguyễn Quốc Toàn (hạng 89 kg) và Trần Minh Trí (hạng 67 kg), 2 kỷ lục bơi của Phạm Thanh Bảo ở 100 m ếch và 200 m ếch dù đáng chú ý nhưng thông số thành tích còn kém rất xa nhóm có huy chương Asian Games.

Nguyễn Huy Hoàng có thể là niềm hy vọng hiếm hoi trong việc tranh huy chương cho TTVN tại Asian Games nhưng thành tích giành HCV cự ly 1.500 m với 15 phút 11 giây 24 của Hoàng tại SEA Games 32 không thể so sánh với thông số 15 phút 01 giây 63 từng giúp anh giành HCB tại Asian Games 2018. Tại Asian Games Hàng Châu, các thành viên đoàn TTVN vừa lo thành tích vừa phải tính toán giành chuẩn để được tham dự Olympic 2024, nhiệm vụ kép này không hề dễ dàng.

Nếu có thể dành nhiều lời khen, bộ đôi Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc với tấm HCV đôi nam nữ lịch sử của môn bóng bàn sau 26 năm hay đội thể dục dụng cụ phá thế thống trị của Philippines sau nhiều kỳ đại hội liên tiếp xứng đáng được ghi nhận công sức và nỗ lực tuyệt vời của họ.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5

ĐÀO TÙNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-nhin-tu-sea-games-32-chat-chua-theo-kip-luong-20230521212909539.htm