Thể thao Việt Nam năm Canh Tý 2020: Giấc mơ lên đỉnh Olympic

Năm 2019 và thành công vang dội tại SEA Games 30 đã ở lại phía sau, Thể thao Việt Nam bước vào năm Canh Tý 2020 với cuộc chinh phục đỉnh cao Olympic, đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh, nơi không chỉ có kỳ tích mà còn cả những giấc mơ lớn...

1. Thể thao Việt Nam đứng đâu trên bản đồ thể thao thế giới? Đó là câu hỏi day dứt với rất nhiều thế hệ những người làm thể thao nước nhà và chẳng dễ để trả lời!

Từ năm 1989, thông qua SEA Games lần thứ 15 tại Malaysia, từ những bước đi đầu tiên để kiếm tìm thành tích, đến nay Thể thao Việt Nam đã xác định được vị thế cho mình trên đấu trường quốc tế. Đó là vị trí vững chắc trong tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực Đông Nam Á mà SEA Games 30 vừa khép lại tại Philippines vừa qua là minh chứng (giành 98 huy chương Vàng - 85 huy chương Bạc - 105 huy chương Đồng, xếp thứ 2 toàn đoàn). Còn tại châu lục, nếu lấy kỳ Đại hội thể thao châu Á ASIAD năm 2018 ở Indonesia là thước đo, thì tương ứng là vị trí trong nhóm 20 đoàn thể thao hàng đầu (5 huy chương Vàng - 15 huy chương Bạc - 18 huy chương Đồng, xếp hạng 16 toàn đoàn).

Nhưng đó là khu vực và châu lục, nhưng sân chơi còn khoảng cách xa, nếu không nói là rất xa về chuyên môn so với Olympic, đấu trường thể thao số 1 hành tinh. Điều khá thú vị là Olympic lại chính là sân chơi quốc tế đầu tiên mà thể thao Việt Nam góp mặt sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đó là Thế vận hội Olympic Moscow (Nga) năm 1980 với sự trợ giúp của Liên Xô cũ.

Tất nhiên, ở lần góp mặt đầu tiên đó, việc có mặt cũng đã là thành công lớn khi cả đất nước nói chung và thể thao nói riêng còn đang gặp quá nhiều khó khăn của thời hậu chiến. Mãi tới Olympic 1998 tại Seoul (Hàn Quốc), với vai trò Ủy ban Olympic quốc gia thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế, Thể thao Việt Nam bắt đầu tham gia đầy đủ các kỳ Thế vận hội mùa Hè được tổ chức 4 năm/1 lần cho đến hôm nay.

Không phủ nhận những bước tiến của thể thao nước nhà, nhưng rõ ràng khi mà cái tầm và mục tiêu vẫn dừng ở mức khu vực và châu lục, thì Olympic vẫn là cái đích còn quá xa so với năng lực chinh phục của nền thể thao quốc gia.

Không giống như SEA Games, hay ASIAD, những đấu trường mà Thể thao Việt Nam có thể đặt mục tiêu giành bao nhiêu tấm huy chương, thậm chí là cả huy chương Vàng, thì Olympic, có mặt đã là thành công, bởi để có mặt chính thức tại Thế vận hội, các tuyển thủ phải trải qua những vòng đấu tuyển chọn cực kỳ khắc nghiệt ở nhiều cấp độ. Vì thế, mục tiêu đầu tiên của thể thao nước nhà tại Olympic là giành nhiều nhất suất tham dự chính thức thay vì vé mời, sau đó mới nghĩ đến việc cạnh tranh huy chương. Gần nhất, tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil), đã có 23 vận động viên Việt Nam thuộc 10 môn "đi bằng cửa chính" đến Thế vận hội - một con số kỷ lục tới lúc này.

2. Dù vậy, chính ở đấu trường lớn nhất, cạnh tranh khắc nghiệt ấy, Thể thao Việt Nam có riêng cho mình những kỳ tích để xác lập chỗ đứng trên đỉnh Olympia huyền thoại.

Đó là năm 2000, khi nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân đi một mạch đến trận chung kết hạng dưới 57kg nữ và dù để thua Jung Jae Eun của Hàn Quốc, nhưng cô gái người Phú Yên đã chính thức ghi danh vào lịch sử thể thao nước nhà với tấm huy chương thế vận hội đầu tiên. 8 năm sau, tại Olympic Bắc Kinh, thêm lần nữa, Thể thao Việt Nam lại có tấm huy chương Bạc Thế vận hội khi lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn thi đấu hạng cân dưới 56kg nam và đạt tổng thành tích 290 kg ở hai nội dung cử đẩy và cử giật, chỉ kém VĐV Long Qingquan giành HCV 2 kg.

Nhưng kỳ tích lớn nhất phải là Olympic Rio de Janeiro 2016, kỳ tích mà ngay những người mơ mộng nhất cũng không dám mơ. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bất ngờ vượt mọi thử thách để là người mang về tấm huy chương Bạc đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội từ nội dung 10m súng ngắn hơi với tổng điểm 202,5 điểm cùng 1 kỷ lục Olympic mới. Chưa dừng lại ở đó, ở nội dung 50m súng ngắn, nam xạ thủ Quân đội còn giành thêm 1 tấm huy chương Bạc với thành tích 191,3 điểm, để trở thành vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử thể thao nước nhà, tính đến thời điểm này.

Và chính thành công của Hoàng Xuân Vinh đã giúp Thể thao Việt Nam tìm được vị thế mới trên bản đồ thể thao thế giới. Tại Olympic Sydney 2000, võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành 1 huy chương Vàng, giúp Việt Nam xếp hạng 64 chung cuộc. Tới Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng có ngôi á quân và đoàn Thể thao Việt Nam xếp thứ 70. Nhưng với 1 huy chương Vàng, 1 huy chương từ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Thể thao Việt Nam đã lần đầu tiên vươn lên Top 50 thế giới (hạng 48/206 quốc gia).

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/the-thao-viet-nam-nam-canh-ty-2020-giac-mo-len-dinh-olympic-118720.html