Thể thao Việt Nam năm 2020: Hướng đến mục tiêu Olympic

Có thể nói thể thao Việt Nam giành được rất nhiều thành công trong năm 2019, trong đó nổi bật là vị trí thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 30 cùng 2 chiếc HCV của bóng đá nam và nữ. Năm tới, khi Thế vận hội mùa hè (Olympic) 2020 được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), đã đến lúc chúng ta hướng tới các mục tiêu tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới.

Thành công tại SEA Games 30 mở ra hy vọng cho thể thao Việt Nam tại Olympic.

Thành công tại SEA Games 30 mở ra hy vọng cho thể thao Việt Nam tại Olympic.

Mục tiêu “giành” vé

Từ năm 1980 đến nay, thể thao Việt Nam thường xuyên có vận động viên tham dự tại các kỳ Thế vận hội và đã ít nhiều có những thành tích nổi bật. Năm 2000, tại Olympic Sidney, nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân giành Huy chương bạc, là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại sân chơi cao nhất. Olympic Bắc Kinh năm 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành 1 Huy chương bạc môn cử tạ. Olympic 2016 tổ chức tại Brazil, vận động viên Hoàng Xuân Vinh đã tạo nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam với 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc ở môn bắn súng.

Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic rất khiêm tốn, nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Thậm chí, ở các nội dung mũi nhọn là điền kinh và thể thao dưới nước, chúng ta chưa một lần nhận huy chương.

Để có mặt tại Tokyo 2020, việc “giành” số vé để đạt chỉ tiêu đề ra đang là vấn đề gian nan. Olympic tại Brazil năm 2016, chúng ta có 23 vận động viên tham dự. Năm 2020, chúng ta đặt mục tiêu 20 vé tham dự Olympic nhưng tính đến nay, mới chỉ có 4 suất chắc chắn của: Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội); Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ); Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).

Lê Thanh Tùng (bên trái) là 1 trong 4 vận động viên Việt Nam giành vé đi Tokyo năm 2020.

Có thể thấy, để giành được các suất tham dự Olympic, các vận động viên phải đạt trình độ dẫn đầu khu vực hay châu lục, trong khi các môn Olympic chúng ta chưa thật sự có nhà vô địch châu Á. Việc giành thêm 16 suất dự Olympic lại càng khó khăn khi thời gian cho chúng ta không còn nhiều vì tất cả các giải đấu sẽ kết thúc vào tháng 6 năm sau. Chưa kể, Việt Nam cũng chỉ có khoảng 60 vận động viên trọng điểm ở 16 môn để chuẩn bị cho Olympic (tính cả những người đã giành vé).

Đáng buồn nhất là trường hợp của kình ngư Ánh Viên. Là hy vọng lớn của thể thao Việt Nam trong việc góp mặt tại Thế vận hội, nhưng ở 2 nội dung tham dự Giải vô địch bơi lội thế giới 2019, Ánh Viên đều đạt thành tích rất thấp và đều không đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020.

Dù biết sẽ rất khó khăn cho mục tiêu Olympic, nhưng có thể nói, với những thành tích khá ấn tượng tại SEA Games 30 vừa diễn ra tại Philippines, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Cụ thể, thể thao Việt Nam giành tới 98 Huy chương vàng (mục tiêu ban đầu chỉ là 65). Ấn tượng hơn, trong 33 môn thể thao olympic (231 nội dung) tại SEA Games 30, Việt Nam giành được 56 Huy chương vàng, hơn Philippines và Thái Lan đến 12 huy chương. Các môn bơi lội và điền kinh, chúng ta có 25 Huy chương vàng.

Kỳ vọng sự góp mặt của bóng đá

Một năm 2019 hết sức thành công với bóng đá Việt Nam, khi chúng ta khẳng định được vị thế đứng đầu tại khu vực với 2 chiếc huy chương vàng SEA Games của cả nam và nữ. Mục tiêu góp mặt tại Olympic 2020 hoàn toàn khả thi.

Với bóng đá nam, Vòng chung kết U23 châu Á năm 2020 đang cận kề. Đây là giải đấu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giành vé dự Olympic. Theo thể lệ của giải đấu, 3 đội xếp vị trí cao nhất (vô địch, á quân, hạng 3) sẽ giành vé dự Olympic. Trường hợp Nhật Bản (nước chủ nhà Olympic) lọt vào vòng bán kết, thì 3 đội tuyển khác góp mặt vào vòng này cũng chắc chắn có mặt tại Thế vận hội.

Như vậy, có thể nói, nhiệm vụ của thầy trò HLV Park Hang-seo là nằm ở nhóm 4 đội mạnh nhất. Đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, bởi tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, U23 Việt Nam thậm chí chơi ở trận chung kết và chỉ thua đội vô địch trong 1 thế trận ngang ngửa.

Hy vọng thành tích của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á sẽ được lặp lại.

Tại vòng bảng giải đấu tới, U23 Việt Nam sẽ gặp các đối thủ được đánh giá vừa tầm là Triều Tiên, Jordan và UAE. Cánh cửa vượt qua vòng bảng đang rộng mở. Tuy nhiên, rất có thể đối thủ tại tứ kết của chúng ta là những đội bóng rất mạnh ở châu Á như Uzbekistan, Hàn Quốc hoặc Iran. Với phong độ trong những năm gần đây của U23 Việt Nam, việc tạo nên một kỳ tích để góp mặt tại bán kết, qua đó tìm đường đến Olympic là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Với đội tuyển nữ, chúng ta đã lọt vào đến vòng loại thứ ba Olympic 2020. Theo bốc thăm chia bảng, Việt Nam ở cùng bảng với Hàn Quốc, Myanmar và CHDCND Triều Tiên, bảng còn lại gồm: Australia, Trung Quốc, Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa. Sau vòng bảng, hai đội nhất - nhì của mỗi bảng vào đá vòng play-off (với thể thức sân nhà, sân khách). Hai đội giành chiến thắng tại vòng đấu này sẽ là những đại diện của châu Á và đội chủ nhà Nhật Bản tham dự Thế vận hội vào mùa hè 2020.

Ngày 24/12 vừa qua, đội nữ Triều Tiên đã quyết định rút lui. Không còn 1 đối thủ mạnh, vì thế cơ hội để các nữ cầu thủ Việt Nam giành 1 trong 2 vị trí đi tiếp tại bảng đấu qua đó giành vé Play-off để tiến gần hơn với Olympic là rất cao.

Hương Khê

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/bong-da/the-thao-viet-nam-nam-2020-huong-den-muc-tieu-olympic/184542.htm