Thể thao Việt Nam dồn lực cho những mục tiêu quan trọng

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID - 19, nên mọi giải đấu, hoạt động thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng Việt Nam buộc phải hoãn hoặc hủy bỏ.

Chính vì thế, ở thời điểm hiện tại, sau khi thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, ngành TDTT đang khẩn trương lên các phương án phát triển, tổ chức và chuẩn bị cho các giải đấu, sự kiện thể thao quan trọng sắp tới.

Ngay từ những ngày đầu tháng 5, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã cho tập trung vận động viên trở lại với không khí hối hả, sôi nổi tập luyện nhằm chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào các cuộc tranh tài tại giải đấu quốc nội, quốc tế khi được tổ chức trở lại. Trong đó, ưu tiên cho mục tiêu lớn là tiếp tục vượt qua vòng loại để giành thêm các tấm vé tham dự Olympic Tokyo. Cùng với đó là sự chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn cho SEA Games 31 vào năm 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Đây chính là 2 nhiệm vụ kép được lãnh đạo ngành TDTT khẳng định trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra gần đây.

Thể thao Việt Nam nỗ lực và đầy quyết tâm tiếp tục giành thêm các tấm vé tham dự Olympic Tokyo. Ảnh: Y Trang

Thể thao Việt Nam nỗ lực và đầy quyết tâm tiếp tục giành thêm các tấm vé tham dự Olympic Tokyo. Ảnh: Y Trang

Hiện tại, Tổng cục TDTT đã xây dựng xong các kế hoạch chuẩn bị tổ chức giải đấu thành tích cao khởi tranh trở lại khi có sự đồng ý của Chính phủ. Chủ yếu các giải đấu thành tích cao được khởi động trở lại bắt đầu từ tháng 6 tới. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế, Tổng cục TDTT đã tính toán sẽ chỉ có các giải đấu chính (nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia) mới được tổ chức. Nói về điều này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: Ngoài giải đấu chính thì các giải còn lại sẽ phải hủy bỏ hoặc gộp lại thi đấu chung. Không thể dồn toàn bộ giải đấu của 6 tháng đầu năm tổ chức hết vào 6 tháng cuối năm được vì còn liên quan đến địa điểm thi đấu, kinh phí của các địa phương và cả việc luyện tập của vận động viên.”

Việc Ban tổ chức Olympic Tokyo quyết định lùi thời gian tổ chức lại 1 năm cũng là những thuận lợi, song cũng ít nhiều tạo nên những thách thức đối với các đội tuyển thể thao quốc gia. Đặc biệt, là đối với vận động viên khi họ đang ở điểm rơi phong độ tốt, sau một năm mọi việc thay đổi rất nhiều, không thể nói trước được điều gì. Thành tích chuyên môn của họ có thể tốt lên, phong độ được duy trì, song cũng có thể thụt lùi. Không những thế, các vận động viên chưa đạt chuẩn gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý do chưa biết lúc nào các giải đấu vòng loại mới được tổ chức và đâu là điểm rơi phong độ cần thiết. Ông Trần Đức Phấn chia sẻ: Tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện và thi đấu của các vận động viên, khiến họ bị mất nhịp, nhất là với những vận động viên có tuổi đời lớn, khó có sự bắt nhịp trở lại dễ như các vận động viên trẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế chuyên môn của các vận động viên cho thấy có nhiều dấu hiệu vui, hiện ở một số môn đội tuyển quốc gia đã có vận động viên giành vé tham dự Olympic Tokyo. Song với sự tiến bộ về chuyên môn và tập luyện nhuần nhuyễn, họ vẫn có nhiều cơ hội khả quan để giành thêm suất tham dự Olympic Tokyo ở các nội dung thi đấu khác. Mặc dù dịch bệnh COVID -19, hiện Việt Nam khống chế khá tốt, song ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp và các hoạt động thể thao chưa biết đến khi nào mới hoạt động trở lại chính thức. Điều quan trọng nhất lúc này của các vận động viên Việt Nam là tập luyện, hoàn thiện kỹ năng chuyên môn nhưng việc đảm bảo giữ gìn sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là khó khăn chung của thế thao thế giới và thể thao Việt Nam không ngoại lệ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tìm cách khắc phục sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thể thao Việt Nam mới chỉ có 5 vận động viên đã giành được vé tham dự Olympic Tokyo là: Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Bắn cung), Nguyễn Văn Đương (Boxing). Như vậy, Thể thao Việt Nam sẽ phải tiếp tục phấn đấu để hoàn thành mục tiêu giành 20 suất tham dự Thế vận hội Olympic 2020. Thời kỳ bình thường mới với muôn vàn khó khăn, nhưng cũng đầy khí thế và quyết tâm của các vận động viên Việt Nam trong hành trình chinh phục những tấm vé tham dự Olympic.

Theo kế hoạch, hai hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á để bàn về công tác chuẩn bị SEA Games 31 sẽ được tổ chức vào tháng 5 và tháng 11 (trước ngày khai mạc 1 năm theo thông lệ của các kỳ SEA Games). Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát nên tới nay Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chưa thể tổ chức được cuộc họp quan trọng trù bị cho đại hội thể thao khu vực diễn ra tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam đang gấp rút các công tác chuẩn bị hướng tới sự kiện quan trọng này. Với việc trở thành chủ nhà của SEA Games 31, bên cạnh các công tác chuẩn bị về lực lượng, cơ sở vật chất, công tác hậu cần, an ninh... Việt Nam sẽ phải chuẩn bị tổ chức 2 hội nghị SEAGF và các hội nghị chuyên đề về phụ nữ với thể thao, doping và chuyên môn kỹ thuật. Hiện, Tổng cục TDTT đã chỉ đạo các bộ môn, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia phối hợp, triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch tập luyện, tập huấn (tạm thời trong nước) cho lực lượng vận động viên đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 31. Tổng cục TDTT, yêu cầu các bộ môn xác định rõ nhóm vận động viên trọng điểm đầu tư hướng tới SEA Games 31 với trình độ chuyên môn tốt nhất và xa hơn là trở thành lực lượng kế cận, sẵn sàng đủ điều kiện trình độ chuyên môn bước sang tranh tài tại các giải đấu lớn như: Asian Games, Olympic, Olympic trẻ... Do đó, ngay từ khâu chọn lọc, định hướng vận động viên bộ môn, liên đoàn, hiệp hội, ban huấn luyện của mỗi bộ môn nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của SEA Games 31 đều có sự tính toán và cân nhắc rất kỹ càng. Đây chính là chiến lược đầu tư dài hạn, đường dài của Thể thao Việt Nam hướng tới trong thời gian tới.

N.Hường

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/the-thao-viet-nam-don-luc-cho-nhung-muc-tieu-quan-trong-n175119.html