Thể thao Việt Nam: Còn cơ hội nào đến Tokyo?

Thất bại của đội tuyển bắn súng quốc gia càng khiến cho chỉ tiêu giành 20 vé dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam trở nên không khả thi.

Thể thao Việt Nam hy vọng đội tiếp sức hỗn hợp của điền kinh sẽ làm nên lịch sử ở vòng loại Olympic.

Thể thao Việt Nam hy vọng đội tiếp sức hỗn hợp của điền kinh sẽ làm nên lịch sử ở vòng loại Olympic.

Gian nan lấy vé

Thế vận hội 2020 phải dời sang năm 2021 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể thao Việt Nam. Như môn judo, vào tháng 5/2020, Liên đoàn Judo thế giới trao vé dự Olympic cho 6 VĐV đứng đầu khu vực châu Á, trong đó có Thanh Thủy (hạng 52 kg nữ).

Nhưng Olympic bị hoãn và Thủy không thể tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào nên cô đã bị tụt xuống vị trí thứ 10. VĐV đấu kiếm Vũ Thành An chưa chắc sẽ lên đường tham dự vòng loại Olympic tại Uzbeskitan vào cuối tháng 4 tới.

Môn cử tạ cũng đang hồi hộp chờ đợi phán quyết của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF). Hiện Việt Nam đang tạm có Thạch Kim Tuấn (61 kg nam) đứng thứ 5 thế giới, chỉ cần đứng trong tốp 8 là dự Olympic.

Nhưng Tuấn sẽ rớt hạng nếu như ở vòng loại Olympic vào ngày 15 – 25/4 tới tại Uzbekistan, có những VĐV khác vượt lên, trong khi Tuấn vắng mặt bởi không có chuyến bay thương mại từ Uzbekistan về Việt Nam. Tương tự, Vương Thị Huyền (49 kg, hạng 9 thế giới) và Hoàng Thị Duyên (59 kg, hạng 7 thế giới) cũng không thể đi Uzbekistan.

Vấn đề ở chỗ, cử tạ Việt Nam đang đối mặt nỗi lo bị cấm hoặc cắt giảm số suất tới Olympic Tokyo sau bê bối doping của VĐV trẻ. Cuối năm 2020, IWF công bố danh sách các VĐV dương tính với doping. Cử tạ Việt Nam có 2 trường hợp là Thu Trang (HCB Olympic trẻ 2018; 3 HCV giải cử tạ trẻ thế giới 2019) và Đình Sáng (HCV cử giật 61 kg nam giải cử tạ trẻ thế giới 2019).

Theo án phạt, cả hai đô cử bị cấm thi đấu 4 năm, từ ngày 27/1/2020 đến 26/1/2024. Trước đó, năm 2019, hai VĐV Văn Vinh và Phương Thanh cùng nhận án phạt 5.000 USD, cấm thi đấu 4 năm vì vi phạm tương tự.

Đội tuyển điền kinh cũng chỉ còn duy nhất cơ hội lấy vé dự Olympic ở giải vô địch tiếp sức thế giới diễn ra tại Ba Lan từ ngày 2 – 3/5. Đội tiếp sức 4 x 400 m nam - nữ hỗn hợp gồm: Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Quách Công Lịch (dự bị), Nguyễn Thị Hằng (dự bị) và chuyên gia Simeonov Vladimir Hristov.

Mỗi nội dung tiếp sức, Liên đoàn Điền kinh thế giới lấy tốp 16 dự Thế vận hội và hiện tại đã xác định được tốp 8 nên Việt Nam phải tranh vị trí trong 8 suất còn lại (từ 9 - 16).

Trong số 4 VĐV taekwondo Việt Nam dự vòng loại Olympic tại Jordan vào tháng 5, ngành thể thao đặt hy vọng vào các hạng cân nữ của Trương Thị Kim Tuyền (49 kg), Trần Thị Ánh Tuyết (59 kg). Đội tuyển thể dục dụng cụ dự tranh vé Olympic tại Trung Quốc với 3 VĐV thi đấu nội dung toàn năng và Đinh Phương Thành là niềm hy vọng số 1.

Đội tuyển đua thuyền Việt Nam (nội dung rowing) tham dự vòng loại Olympic tổ chức vào tháng 5 tới tại Nhật Bản. Chúng ta chỉ dám đặt kỳ vọng có thể lấy được 1 suất trong 3 nội dung: Hạng nặng thuyền đơn nữ của Phạm Thị Huệ, hạng nhẹ thuyền đôi nữ Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo, hạng nặng thuyền đơn nam Bùi Văn Hoàng.

Môn cầu lông, Liên đoàn Cầu lông thế giới lấy tốp 32 dự Olympic và VĐV số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đang đứng thứ 28, còn VĐV Nguyễn Thùy Linh đứng thứ 25 nên cánh cửa rất rộng mở. Trong khi đó ở môn quyền anh, Việt Nam cũng đang chờ Liên đoàn Quyền anh thế giới xét đặc cách cho nữ VĐV Nguyễn Thị Tâm (51 kg) - HCV SEA Games 30 nếu như vòng loại Olympic bị hủy bỏ.

Nỗi buồn… bắn súng

Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) chính thức công nhận, giải bơi các nhóm tuổi quốc gia của Việt Nam (khởi tranh vào tháng 5 tại TPHCM) là giải đấu được xét chuẩn dự Olympic. Việt Nam sẽ cử tất cả các tuyển thủ tham dự và hy vọng có thể giành được 1 vé (ngoài suất của Huy Hoàng đã được xác định từ năm 2019).

Nhưng để đạt chuẩn A là cực kỳ khó khăn. Do đó, Việt Nam vẫn chờ FINA xét vé đặc cách dành cho Ánh Viên vì cô đã giành HCB SEA Games 30 nội dung 800 m, vượt chuẩn B Olympic.

4 tháng trước ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, thể thao Việt Nam hiện mới có 5 VĐV gồm Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) giành suất đến Nhật Bản.

Với việc các vận động viên hàng đầu không thể ra nước ngoài thi đấu thì rõ ràng thể thao Việt Nam gần như không thể chạm tới mục tiêu 20 suất tham dự Olympic.

Hy vọng đua tranh huy chương của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic được đặt vào môn bắn súng. Nếu tái lập kỳ tích tại Brazil 4 năm trước, kể cả chỉ là tấm HCB thì thể thao Việt Nam cũng nguôi ngoai thất vọng. Nhưng đội tuyển bắn súng Việt Nam đã không vượt qua vòng loại tại Cúp Bắn súng thế giới 2021.

Trong 3 xạ thủ Việt Nam tham gia tranh tài, Quốc Cường có nhiều cơ hội nhất vì anh hiện đứng thứ 17 thế giới và chỉ cần vượt lên một bậc, đứng thứ 16 là sẽ giành vé dự Olympic. Mặc dù vậy, sau gần một năm không thi đấu cọ xát và vì quá căng thẳng, xạ thủ 47 tuổi không vượt qua chính mình, chỉ giành 569 điểm trong khi 576 điểm mới là điểm vào chung kết. Như vậy, bắn súng Việt Nam sẽ vắng mặt tại Olympic Tokyo.

Với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, sau 4 năm làm nên chiến công vang dội khi giành 1 HCV, 1 HCB, đồng thời thiết lập một kỷ lục Olympic mới tại Olympic Rio 2016, anh đối mặt với gánh nặng tuổi tác, chưa kể quá trình chuẩn bị cùng đồng đội bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên sau cùng, không đạt kết quả như mong muốn.

Xạ thủ quê Quảng Trị thi đấu sa sút ở tất cả giải đấu quốc tế thời gian qua, bao gồm cả việc trắng tay ở SEA Games 2017 và chỉ giành nổi một tấm HCB tại SEA Games 2019. Trượt dài trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF), Hoàng Xuân Vinh chỉ được xếp ở vị trí thứ 25 nội dung 10 m súng ngắn hơi, trong khi chỉ có 16 tay súng có thứ hạng cao nhất mới được quyền tham dự Olympic.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-con-co-hoi-nao-den-tokyo-H8TcTZlGg.html