Thể thao Việt Nam cần tăng tốc

Sau ngày thi đấu chính thức thứ 14, thể thao Việt Nam đã hoàn tất nhiệm vụ tại ASIAD 18 khi số lượng HCV tăng lên đáng kể so với cách đây 4 năm và số môn có huy chương cũng gia tăng mạnh mẽ

Theo phân tích của chuyên gia Lâm Quang Thành, điểm nhấn của thể thao Việt Nam tại Á vận hội (ASIAD) 2018 vẫn là sự vươn lên của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, với 8/13 môn có huy chương. Từng đảm trách cương vị trưởng đoàn tham dự các sự kiện thể thao lớn như Asian Beach Games hay ASIAD, ông Thành đặc biệt hài lòng với các HCV nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo và của đội tuyển rowing, 2 HCB cử tạ của Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh, HCB quý như vàng ở môn bơi lội của Nguyễn Huy Hoàng…

Ở nhóm môn tranh chấp tầm khu vực, 2 ngôi vô địch cùng 7 ngôi á quân của pencak silat cũng là một dấu ấn thú vị khi lần đầu môn thể thao này xuất hiện ở ASIAD theo đề nghị của chủ nhà Indonesia, qua đó trở thành "quả đấm thép" giúp Việt Nam hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thành tích đề ra. Cầu mây hay wushu vẫn duy trì được phần nào thế mạnh so với các quốc gia khối Đông Nam Á. Trong bối cảnh chung đó, việc đội tuyển bóng đá nữ vào đến tứ kết trong khi đội tuyển Olympic nam tiến bộ vượt bậc với việc góp mặt trong 4 hạng đầu châu lục chắc chắn phải được ghi nhận trân trọng với tư cách là môn thể thao được đông đảo quần chúng hâm mộ, động viên.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD với lực lượng hùng hậu, những môn có khả năng tranh chấp huy chương đều được cử góp mặt. Thực tế cho thấy bàng bạc khắp chuyến đi này chính là tinh thần Olympic - vốn được lãnh đạo ngành quan tâm, chuyển hướng đầu tư kể từ Thế vận hội London 2012. Sáu năm qua, nhóm môn cơ bản Olympic được đầu tư mạnh mẽ đã thể hiện được vai trò chủ lực, gặt hái nhiều thành tích rất đáng ghi nhận ở đấu trường quốc tế như bắn súng, bơi lội hay điền kinh…

Bùi Thị Thu Thảo (giữa) trên bục nhận HCV môn nhảy xa nữ Ảnh: REUTERS

Trong thể thao, yếu tố con người là vô cùng quan trọng và những yếu tố tác động trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích sau cùng. Thất bại của những niềm hy vọng, cá nhân có Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) hay tập thể như các đội tuyển thể dục dụng cụ, xe đạp, đấu kiếm… là những ví dụ cụ thể.

Theo đánh giá của chuyên gia Lâm Quang Thành, việc đầu tư vào nhóm môn trọng điểm hay những VĐV tài năng ngày một nhiều hơn nhưng xem ra thể thao Việt Nam vẫn còn khá nhiều việc phải làm, chí ít để bắt kịp ngay cả các nước láng giềng Đông Nam Á trên phương diện ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào huấn luyện và thi đấu. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng theo hướng đặc biệt và lâu dài cũng cần được thay đổi theo hướng quyết liệt hơn thay vì cứ "đến hẹn lại lên", bổ sung cấp tập tiền ăn, thuốc bổ chỉ ít tháng trước ngày tranh tài.

Tính trên mặt bằng khu vực, đoàn thể thao Việt Nam cũng cho thấy sự ganh đua quyết liệt với các nước láng giềng ở bảng tổng sắp huy chương. Ngoài Indonesia góp mặt trong tốp 4 một phần nhờ lợi thế chủ nhà khi chủ động đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn mới, Thái Lan giảm sút số môn Olympic có HCV (5 môn), Malaysia có 3 môn còn Singapore thậm chí chỉ còn 2… Thứ hạng chung cuộc ở đấu trường lớn châu lục rõ ràng còn là vấn đề lớn đối với các quốc gia Đông Nam Á dù tất cả đã nỗ lực định hướng phát triển từ lâu cho các môn thể thao cơ bản này.

Cũng như tại Incheon 4 năm trước, dư luận người hâm mộ trong nước giờ đây không còn quá khắc khoải với việc thứ hạng, màu của tấm huy chương mà thực sự quan tâm đến môn thi ấy, nội dung ấy có được thế giới, bạn bè xung quanh tập luyện, tranh tài hay không. Võ thuật một thời là "mỏ vàng", gánh trọng trách cho cả nền thể thao, nay nép mình lại khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một giai đoạn lịch sử.

Đấu trường ASIAD có lẽ cũng sẽ là bước ngoặt quan trọng để thể thao Việt Nam và thể thao Đông Nam Á nhìn lại mình, chú trọng đầu tư những môn chính thống để có thể thoát khỏi cảnh níu chân nhau trong "ao làng"….

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-can-tang-toc-20180901220534722.htm