Thể thao Việt Nam: Ai là 'người hùng' của Olympic Tokyo 2020?

Olympic 2016 tại Brazil đã kết thúc. Giờ là lúc thể thao Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác... ăn mừng chiến thắng các tấm huy chương. Dù vậy, guồng quay chuẩn bị cho Olympic 2020 đã bắt đầu. Chúng ta có được ai đủ sức giành huy chương sau đây 4 năm?

1. Ở đây, chúng ta đặt ra vấn đề là giành huy chương tại Olympic 2020 chứ không phải giành HCV. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 - ông Trần Đức Phấn đã khẳng định, về tổng quan, thể thao Việt Nam triển vọng nhất tranh thành tích huy chương tại Olympic vẫn là môn bắn súng và cử tạ. Bắn súng với Hoàng Xuân Vinh làm nên kỳ tích đạt 1 HCV, 1 HCB tại Rio de Janeiro nên từ giờ, áp lực cho VĐV phía sau (nếu giành được suất trực tiếp tới Olympic) sẽ phải đạt được huy chương. Không có huy chương Olympic, đặc biệt là kỳ Olympic 2020 sẽ diễn ra ở Châu Á (Nhật Bản), nhiều xạ thủ khó thoát khỏi chuyện bị so sánh với Hoàng Xuân Vinh của năm 2016. Hướng về Olympic 2020, mọi thứ sẽ thay đổi nhiều. Sự phát triển hơn của mặt bằng kinh tế, xã hội nên rõ ràng đòi hỏi đầu tư cho thể thao sẽ không thể kém hơn các chương trình từng thực hiện cho Olympic 2016 đã qua. “Nhân chúng ta có HCV và HCB Olympic 2016 ở môn bắn súng, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho thể thao thành tích cao. Ở đây là xây dựng kế hoạch cho đấu trường nào phải rõ ràng. Vấn đề quan trọng, huy chương Olympic 2016 của chúng ta khẳng định thực lực là mình có và thêm một phần may mắn thì ngành thể thao sẽ có thêm sự đầu tư đúng đắn, bài bản, hệ thống, khoa học hơn. Bài bản và hệ thống như thế nào, chúng tôi sẽ xây dựng để VĐV tới Olympic tranh tài huy chương. Không như trước đây là tới Olympic thi đấu hoàn toàn không có khái niệm sẽ giành được kết quả huy chương. Vì vậy, phải nói thật, tấm HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 là sự bất ngờ. Trên cơ sở tính toán thì chúng tôi xác định, VĐV tới Olympic tương lai là tranh huy chương còn với Asian Games là tranh HCV”, lời chia sẻ của ông Trần Đức Phấn.

Hoàng Xuân Vinh liệu có lặp lại kỳ tích?
Ảnh: HĐ

2. Cơ sở thành công hay không là yếu tố con người. Từ khi Olympic trẻ thế giới chính thức được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa vào tổ chức từ năm 2010, giải đấu là cơ hội để nhiều nền thể thao thử nghiệm các tài năng triển vọng cho Olympic mùa hè đích thực. Việt Nam cũng vậy. Và, VĐV trẻ lập tức thành công ngay kỳ Olympic mùa hè gần nhất sau đó hay không luôn là dấu hỏi. Lần đầu tại Olympic trẻ 2010 diễn ra tại Singapore (tổ chức năm 2010), chúng ta có Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Vũ Thị Trang (cầu lông), Nguyễn Thanh Thảo, Nguyễn Quốc Cường (Taekwondo) giành huy chương. Đáng tiếc, giải quan trọng Olympic London 2012 ngay sau, cả 4 VĐV trên không giành được suất chính thức tới London (Anh). 6 năm sau, Tuấn và Trang mới lần đầu dự một kỳ Olympic chính thức. Nhưng, họ không để lại nhiều dấu ấn trong khi Thảo và Cường đã biến mất khỏi bản đồ taekwondo Việt Nam.

Olympic trẻ thế giới lần 2 diễn ra năm 2014 tại Trung Quốc. Khi đó, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) xuất sắc giành HCV đầu tiên cho Olympic trẻ Việt Nam. Một cái tên khác là Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ) cũng giành huy chương. Viên tiếp tục thăng tiến kể từ đó và Olympic 2016 mới đây, nữ VĐV này giành được hạng 9 tại cự ly 400m hỗn hợp cá nhân. Anh Tuấn vẫn được xem quá... non kinh nghiệm chưa thể thi đấu Olympic. Lực sĩ này đã bắt đầu được đầu tư nhiều hơn để hướng là mũi nhọn hạng 56kg nam. Olympic trẻ thế giới 2018 tại Argentina sắp tổ chức sau đây 2 năm. Thể thao Việt Nam sẽ trình làng những ai và họ đủ thăng tiến tiếp cho Olympic 2020?

Trong 23 tuyển thủ Việt Nam vừa thi đấu Olympic 2016, một nửa quân số gần như khó có khả năng giành vé Olympic 2020 hoặc còn tiếp tục thi đấu đỉnh cao đến năm 2020. Một vài tuyển thủ như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Nguyễn Tiến Minh, Trần Lê Quốc Toàn, Văn Ngọc Tú, Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Lệ Dung, Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Thị Huyền... đã xem Olympic 2016 là chặng cuối sự nghiệp. Những tuyển thủ trẻ của Olympic 2016 còn khả năng tranh suất Olympic 2020 sẽ được đầu tư mạnh mẽ tiếp tục như Ánh Viên, Vũ Thành An, Đỗ Thị Anh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thành Ngưng. Nhưng ai giành được HCV tại Olympic 2020 thì là bài toán chưa giải được tức thì. Môn Karatedo được đưa vào thi đấu Olympic 2020. Việt Nam hy vọng có kết quả trong môn này tại Nhật Bản sau đây 4 năm. Nhưng, kế hoạch chuẩn bị và con người được đầu tư phải bài bản bắt đầu từ năm 2016 này thì may ra chúng ta có được một VĐV tốt nhất trong nội dung phù hợp đến được Olympic 2020 để tranh chấp huy chương.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/the-thao-viet-nam-ai-la-nguoi-hung-cua-olympic-tokyo-2020-587152.bld