Thể thao Việt Nam 2020: Nhìn lại và hướng đến tương lai

Bất chấp phần lớn sự kiện chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thể thao Việt Nam trong năm vừa qua vẫn đạt được một số thành tựu ấn tượng.

Đó chính là nền tảng để chúng ta hướng đến năm 2021 với hai mục tiêu lớn: Đấu trường Olympic Tokyo và SEA Games, nơi Việt Nam sẽ là nước chủ nhà.

Vượt khó vì Olympic

Sau tấm huy chương vàng (HCV) lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio, thể thao Việt Nam không ngần ngại đặt mục tiêu lớn tại kỳ Thế vận hội tiếp theo. Chỉ tiêu giành 20 suất dự Olympic được đưa ra như để thách thức các VĐV vượt qua giới hạn bản thân, bù lại, họ cũng được quan tâm và đãi ngộ xứng đáng để thi đấu ở sân chơi quốc tế.

Hàng chục gương mặt vàng được chọn mặt gửi niềm tin. Bên cạnh môn bắn súng, thể thao Việt Nam còn có nhiều VĐV sẵn sàng đem chuông đi đánh xứ người như Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ). Họ đều là những cái tên sáng giá, đủ khả năng tranh chấp huy chương tại Thế vận hội nếu đạt phong độ tốt.

Bên cạnh những VĐV trẻ, một số gương mặt kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Tiến Minh cũng sẵn sàng chiến đấu cho kỳ Olympic có thể là cuối cùng của họ. Những môn thể thao Việt Nam từng có truyền thống góp mặt ở các kỳ Thế vận hội như đua thuyền, thể dục dụng cụ... cũng hứa hẹn mang thêm một vài tấm vé đến Tokyo cho thể thao Việt Nam.

Dịch COVID-19 đã khiến Olympic Tokyo lùi lại 1 năm, qua đó thể thao Việt Nam phải thay đổi kế hoạch ở vòng loại. Tính đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ có 5 VĐV giành suất trực tiếp đến Nhật Bản vào năm tới. Tuy nhiên, cơ hội để chúng ta hoàn thành chỉ tiêu 20 suất vẫn còn rộng mở phía trước. Kỳ tích ở Rio cho thấy các VĐV Việt Nam luôn có thể vượt qua giới hạn bản thân và giờ là lúc họ thể hiện điều đó.

Võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương có lẽ là người hiểu hơn ai hết về tinh thần vượt qua chính mình. 9 tháng trước, ở vòng loại Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương, anh đã bất ngờ giành vé nhờ chiến thắng trước võ sĩ Thái Lan Chatchai-Decha Butdee. Không được đánh giá cao như đối thủ, nhưng Nguyễn Văn Đương lại bất ngờ thắng knock-out chỉ trong 30 giây nhờ hai lần liên tiếp đánh cho đối thủ nằm sân.

Sau 32 năm kể từ Olympic Seoul 1988, Việt Nam mới có thêm một võ sĩ quyền Anh dự Thế vận hội. Kỳ tích tiếp nối kỳ tích, không ít VĐV Việt Nam đang quyết tâm noi theo tấm gương của Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Văn Đương. Đó là tiền đề để chúng ta hy vọng vào một kỳ Olympic thành công, với những thành công ngoài mong đợi tiếp tục diễn ra.

Nguyễn Văn Đương mang về vé dự Olympic quyền Anh đầu tiên cho Việt Nam sau 32 năm.

Nguyễn Văn Đương mang về vé dự Olympic quyền Anh đầu tiên cho Việt Nam sau 32 năm.

Khẳng định mình ở SEA Games

Tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc với 98 tấm HCV, 85 HCB và 105 HCĐ. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan trên bảng xếp hạng và chỉ đứng sau nước chủ nhà Philippines. Với cơ sở đó, chúng ta có quyền hy vọng giành vị trí đứng đầu ở kỳ SEA Games tới, khi các VĐV sẽ có lợi thế thi đấu trên sân nhà.

Trong lịch sử, lần duy nhất Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn một kỳ SEA Games diễn ra vào 17 năm trước. Đó cũng là thời điểm đánh dấu một bước chuyển mình khó tin của thể thao Việt Nam khi chúng ta thể hiện ưu thế tuyệt đối với 158 HCV, nhiều hơn cả 2 đoàn xếp sau cộng lại là Thái Lan (90 HCV) và Indonesia (55 HCV). SEA Games 2021 sẽ là cơ hội tốt để thành tích này được tái diễn.

Xét trên bình diện tổng thể, cơ hội để Đoàn Thể thao Việt Nam tiếp tục vượt mặt người Thái ở đấu trường SEA Games là hoàn toàn khả thi. Ở kỳ đại hội trước, chúng ta đã có thành tích đặc biệt xuất sắc ở những môn như điền kinh, bơi, bóng đá, đua thuyền... Trong số đó, điền kinh thực sự là "mỏ vàng" của Việt Nam với 16 HCV, xếp trên Thái Lan (12 HCV) và Philippines (11 HCV).

Việt Nam có không ít VĐV đang ở độ chín sự nghiệp như Trần Nhật Hoàng, Dương Văn Thái, Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan... Đây đều là những VĐV có thể tham dự ở nhiều nội dung và đủ khả năng tranh chấp HCV khi họ đạt phong độ ổn định. Với những con người như thế, điền kinh Việt Nam có đủ tự tin để tiếp tục thăng hoa trong thời gian tới.

Còn trên đường đua xanh, thành tích của Việt Nam ở đấu trường khu vực hiện chỉ thua Singapore, quốc gia vốn đầu tư rất mạnh vào môn thể thao này trong nhiều năm liền. Nhược điểm của bơi lội Việt Nam là chúng ta chỉ có một vài VĐV thực sự nổi trội như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên hay Nguyễn Thị Ánh Viên. Việc đào tạo lớp VĐV kế cận cho bơi lội thực sự cần thiết nếu chúng ta muốn duy trì vị thế ở khu vực trong những năm tới.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tràn đầy cơ hội dự World Cup 2023.

Giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam

Quãng thời gian 4 năm vừa qua thực sự là những ngày tháng sống trong hạnh phúc của những người yêu bóng đá Việt Nam. Cho đến thời điểm này, chúng ta đã vươn ra thế giới ở giải U20 và bộ môn futsal. Mục tiêu giành vé dự World Cup cho đội tuyển nam đã được vạch lộ trình trong 10 năm tới, nhưng trước đó, đội tuyển nữ có thể mới là những người làm được điều đó trước.

Ít ngày trước, FIFA đã thông báo chính thức về thể thức mới của World Cup nữ 2023. Theo đó, giải đấu này sẽ mở rộng quy mô lên thành 32 đội tuyển góp mặt, trong đó Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) được tăng lên thành 6 suất. Với việc Australia trực tiếp có vé nhờ là nước đồng chủ nhà, cũng như 3 vị trí chắc chắn thuộc về những đội mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; Việt Nam sẽ tranh 1 trong 2 suất còn lại.

Trong trường hợp không thể giành vé trực tiếp dự World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn còn nguyên hy vọng thông qua 2 suất play-off. Trên cương vị của đội tuyển bóng đá nữ mạnh thứ 5 châu Á, cơ hội để các cô gái Việt Nam đến World Cup hoàn toàn rộng cửa. HLV Mai Đức Chung cũng cho biết đâu là cơ hội tốt để các đội tuyển nữ ở châu Á, chứ không riêng ĐT Việt Nam, có cơ hội vươn ra thế giới.

Trong quá khứ, ĐT nữ Việt Nam từng một lần hụt cơ hội tham dự World Cup nữ vào 5 năm trước. Khi đó, chúng ta đã thua Thái Lan ở trận tranh hạng 5 của Asian Cup nữ 2015. Món nợ ngày đó vừa được các cô gái vàng Việt Nam "đòi cả vốn lẫn lãi" khi chúng ta soán ngôi người Thái ở AFF Cup nữ và SEA Games. Viễn cảnh giành vé dự World Cup với một chiến thắng trước Thái Lan thực sự là điều chúng ta có thể mơ đến.

Còn về phần đội tuyển nam, lúc này HLV Park Hang Seo và các học trò vẫn đang nắm giữ lợi thế lớn ở vòng loại thứ 2 khu vực châu Á. Với vị trí đầu bảng ở thời điểm hiện tại, ĐT Việt Nam đang rộng cửa bước vào vòng loại cuối cùng.

Tấm huy chương Olympic buồn vui lẫn lộn của Trần Lê Quốc Toàn

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2020 là VĐV Trần Lê Quốc Toàn được trao HCĐ Olympic bộ môn cử tạ. Tại kỳ Thế vận hội London 2012, lực sĩ Việt Nam tranh tài ở hạng cân 56kg và giành vị trí thứ 4 chung cuộc. Tuy nhiên mới đây, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết VĐV xếp hạng 3 dương tính với doping, vì thế Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ.

Bất ngờ trở thành chủ nhân của một tấm huy chương Olympic nhưng Trần Lê Quốc Toàn không thể hưởng niềm vui trọn vẹn như Hoàng Anh Tuấn hay Hoàng Xuân Vinh. Nếu tấm HCĐ được trao cho anh ở thời điểm 8 năm trước, VĐV này sẽ được đãi ngộ đặc biệt cùng nguồn thu không nhỏ từ các bản hợp đồng thương mại. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Quốc Toàn đã nghỉ thi đấu, và anh cũng chỉ có thể nhận tiền thưởng theo quy định của nhà nước.

Sau 8 năm, Trần Lê Quốc Toàn bất ngờ nhận HCĐ Olympic.

Xét trên bình diện bộ môn cử tạ, đây là một trong những môn thể thao liên tục phát hiện ra trường hợp các VĐV sử dụng doping. Để ngăn chặn tình trạng gian lận tiếp tục diễn ra với tần suất ngày một dày đặc, IOC đã đưa ra rất nhiều chế tài khắt khe. Một trong số đó là việc các cán bộ của IOC có thể lấy mẫu thử xét nghiệm bất cứ lúc nào, ngay cả trong thời điểm VĐV không thi đấu. VĐV Trịnh Văn Vinh của ĐT Việt Nam từng phải nhận án phạt vì dương tính với doping trong một lần kiểm tra như vậy.

Ngoài ra, các quốc gia để xảy ra liên tiếp trường hợp VĐV cử tạ bị phát hiện dương tính với doping có thể bị cấm thi đấu quốc tế trong một vài năm. Không hề nói suông, IOC đã tuyên phạt đội tuyển Thái Lan, qua đó khiến người Thái không thể cử VĐV tranh tài ở bộ môn cử tạ SEA Games 2019. Bên cạnh Thái Lan, không ít ĐT cử tạ khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu trong một vài năm. Đó sẽ là cú đánh chí mạng vào nền thể thao thành tích cao ở những quốc gia coi cử tạ là môn thế mạnh.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/the-thao-viet-nam-2020-nhin-lai-va-huong-den-tuong-lai-625612/