Thể thao Thủ đô: Cú hích từ những ''sợi chỉ đỏ''

Liên tiếp 18 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games 22 - năm 2003 với Hà Nội là địa phương đăng cai chính, Thủ đô luôn dẫn đầu thể thao nước nhà, là chủ lực góp hơn 30% tổng số Huy chương Vàng (HCV) của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại các kỳ đại hội thể thao khu vực. Làm nên dấu ấn ấn tượng đó phải kể đến cú hích từ các 'sợi chỉ đỏ' là các chỉ thị, quyết định... mang tính định hướng xuyên suốt của thể thao Hà Nội.

VĐV Bùi Thị Thu Thảo.

"Kim chỉ nam" hoạch định con đường tìm "vàng mười"!

Năm 2003 là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á với Hà Nội là địa phương đăng cai chính, đồng thời đóng góp lực lượng chủ lực. Và TTVN đã giành vị trí Nhất toàn đoàn thuyết phục, công tác tổ chức hoàn hảo - các đoàn đều đánh giá cao vai trò của Thủ đô Hà Nội và nước chủ nhà. Một nhân tố quyết định cho chiến tích tuyệt vời đó chính là Chỉ thị 28 của Thành ủy Hà Nội ra đời từ... 9 năm trước đó (năm 1994).

Nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Hoàng Vĩnh Giang nhớ lại: "Chỉ thị 28 đã hoạch định rõ con đường tìm "vàng mười": Thứ nhất, phải dành kinh phí đáng kể cho việc xây dựng lực lượng thể thao hiện đại, tinh nhuệ, tăng cường đưa vận động viên (VĐV) đi tập huấn, thi đấu dài hạn trong nước và nước ngoài. Thứ hai, thực hiện thuê chuyên gia giỏi, bảo đảm công tác tuyển chọn, đào tạo diễn ra bài bản, khoa học. Thứ ba, Thủ đô phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT, bảo đảm điều kiện đăng cai các đại hội thể thao quốc tế lớn, trong đó có SEA Games vào đầu thế kỷ XXI...".

Võ sĩ Phạm Quốc Khánh (HCV).

Kiếm thủ Vũ Thành An (HCV).

Triển khai Chỉ thị 28, Hà Nội đã có gần 10 năm để hình thành dàn lực lượng tinh nhuệ ở hơn 40 bộ môn. Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống thiết chế thể thao hiện đại, bao gồm Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Cung Đua thuyền Hồ Tây, nhà thi đấu các quận, huyện... Hà Nội còn được "hưởng lợi" từ các công trình cấp quốc gia được xây dựng trên địa bàn như Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung Thể thao dưới nước.

Đặc biệt, Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, gọi tắt là Trung tâm) được thành phố xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng quy trình khép kín trong tập luyện, ăn, ở, sinh hoạt, học văn hóa... của hàng nghìn VĐV.

Giám đốc Trung tâm Đào Quốc Thắng nhấn mạnh: "Từ việc triển khai Chỉ thị 28, Thủ đô đã có được hệ thống thiết chế thể thao hiện đại, VĐV được tập huấn, thi đấu dài hạn trong nước và quốc tế. "Sợi chỉ đỏ" đó, cùng các chỉ thị, quyết định... như Chỉ thị 10-CT/TU ngày 9-7-2012 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT Thủ đô đến năm 2020; Quyết định 369/QĐ-UBND ngày 16-1-2014 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch phát triển TDTT thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... chính là nhân tố quan trọng giúp Thể thao Thủ đô duy trì vị thế".

Thực vậy, việc duy trì sách lược đúng đắn đã giúp Thủ đô liên tiếp dẫn đầu 4 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc (tổ chức 4 năm/lần), góp hơn 30% tổng lực lượng hoặc tổng số HCV của Đoàn TTVN tại đấu trường SEA Games và cao hơn là đấu trường châu lục, thế giới...

VĐV Nguyễn Thị Oanh.

"Sợi chỉ đỏ" kỳ vọng làm nên cú hích mới!

Năm 2021, Thủ đô tiếp tục là chủ lực góp sức để Việt Nam lần thứ hai đăng cai thành công SEA Games 31 (sẽ diễn ra từ ngày 21-11 đến 2-12). Hà Nội là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, tổ chức thi đấu 23/36 môn của SEA Games 31 và toàn bộ các hoạt động của Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games 11). Ngay từ ngày 12-11-2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU, trong đó xác định rõ "tinh thần chủ động, phát huy kết quả đã đạt được trong tổ chức đăng cai SEA Games 22 - 2003, đồng thời bảo đảm tốt nhiệm vụ đăng cai SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 tại Thủ đô Hà Nội".

Với "sợi chỉ đỏ" là Chỉ thị số 01-CT/TU, Thành ủy không chỉ yêu cầu "tuyển chọn, đào tạo lực lượng huấn luyện viên, VĐV... có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ tham gia Đoàn TTVN với tỷ lệ cao và đạt thành tích xứng tầm", mà còn nêu rõ nhiệm vụ "tập trung rà soát, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình, tổ hợp thể thao phục vụ đăng cai bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn".

Với nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, các nhà quản lý thể thao Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 30-10-2019 về việc đào tạo lực lượng VĐV, huấn luyện viên giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, xác định các nhóm môn thể thao trọng điểm và là thế mạnh của Hà Nội, tăng cường đầu tư đặc biệt đối với những môn có VĐV mũi nhọn, đưa đi tập huấn dài hạn tại các quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh.

VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt.

Với nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, thực tế cho thấy sau 18 năm vận hành, việc cải tạo các công trình thể thao cùng các công trình phục vụ trực tiếp việc tập luyện, ăn ở và chăm sóc sức khỏe hằng ngày của VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội có ý nghĩa vô cùng cấp thiết, bảo đảm điều kiện tổ chức thi đấu đạt chuẩn quốc tế, khắc phục tình trạng công trình thể thao bị xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn.

Thực tế đã cho thấy các chỉ thị mang giá trị hoạch định đường hướng ở từng giai đoạn chính là các "sợi chỉ đỏ" tạo nên cú hích giúp Thể thao Thủ đô phát triển căn cơ, bền vững. Vì vậy, các nhà quản lý đã và đang thực hiện tốt các công việc được chỉ rõ tại Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12-11-2020, để Hà Nội - Việt Nam đăng cai thành công SEA Games, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng các nước trong khu vực, khẳng định uy tín, quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.

* Tại 4 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc (2006, 2010, 2014, 2018), Hà Nội luôn giành vị trí Nhất toàn đoàn. Gần nhất (năm 2018), Hà Nội đứng đầu trong 63 đơn vị tỉnh, thành, 2 ngành (Công an, Quân đội) với 176 HCV.

* Tại 8 kỳ SEA Games (2 năm/lần, từ 2005 đến 2019), Hà Nội luôn góp hơn 30% tổng số HCV, giúp Đoàn TTVN nằm trong nhóm dẫn đầu. Gần nhất (SEA Games 30 - 2019), các VĐV Hà Nội giành 34 HCV (34,69% tổng số HCV của Đoàn TTVN), giúp Đoàn TTVN giành vị trí Nhì toàn đoàn.

* Tại 4 kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD các năm 2006, 2010, 2014, 2018), Hà Nội luôn lập công lớn. Tại ASIAD 18 - 2018, Hà Nội giành 1 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ (góp 42% tổng số huy chương của Đoàn TTVN).

* Năm 2020, tuy việc tập luyện, thi đấu bị hạn chế do dịch Covid-19 nhưng Thể thao Hà Nội vẫn giành được 2.223 huy chương các loại (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao là 2.063 huy chương). Nổi bật là VĐV Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt (môn Bắn cung) đã giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2021 tại Nhật Bản.

Dương Quang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/990811/the-thao-thu-do-cu-hich-tu-nhung-soi-chi-do