Thể thao Thanh Hóa khẳng định vị thế hàng đầu

Giai đoạn 2015-2020 được xem là khoảng thời gian ghi dấu ấn đậm nét về sự phát triển mạnh mẽ, những cuộc bứt phá ngoạn mục, xuất sắc của thể thao thành tích cao Thanh Hóa ở đấu trường quốc gia, quốc tế.

Hai VĐV bộ môn điền kinh Quách Công Lịch và Quách Thị Lan là những gương mặt xuất sắc nhất, có nhiều đóng góp lớn cho thành tích của thể thao Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước cả về phong trào thể dục – thể thao (TDTT) quần chúng và thể thao thành tích cao ở bình diện quốc gia và quốc tế. Điều này đã được khẳng định với thành tích phá kỷ lục thế giới môn bắn súng của cố xạ thủ Trần Oanh vào tháng 7-1962 tại Plzen (Tiệp Khắc cũ). Ông đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam vào năm 2000. Thành tích của ông chính là cơ sở, nền móng quan trọng để thể thao Thanh Hóa phát triển, lớn mạnh cùng thể thao nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, thể thao Thanh Hóa luôn giữ được vị thế, truyền thống của mình.

Trong đó, giai đoạn 2015-2020 chính là khoảng thời gian ghi dấu ấn đậm nét, ấn tượng về sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao của tỉnh Thanh Hóa. Trong giai đoạn này, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ từ cơ sở cho tới cấp tỉnh. Cùng với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát triển phong trào thể thao học đường, thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho hoạt động TDTT đã góp phần làm phong phú, sôi động phong trào trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ điều kiện, tình hình thực tế đã có những cách làm hay, phù hợp để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển. Nếu như tỷ lệ người thường xuyên luyện tập TDTT toàn tỉnh năm 2015 là 35,5% dân số thì tới năm 2020 ước đạt trên 43%. Số gia đình thể thao năm 2015 đạt 25,5% tổng số hộ thì tới năm 2020 ước đạt 30%. Số câu lạc bộ (CLB) TDTT năm 2015 là 3.270 thì tới năm 2020 ước đạt gần 3.500 CLB. Hàng năm tổ chức được từ 10-15 giải thể thao cấp tỉnh, từ 250 đến 280 giải thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố, ngành; 1.800 đến 2.000 giải thể thao cấp phường, xã, thị trấn... Sự phát triển sôi động và theo hướng liên tục nâng cao chất lượng là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, trong đó phải kể đến Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII với sự tham gia của hơn 3.000 VĐV xuất sắc của 29 đoàn trong toàn tỉnh, cùng 22 môn thi đấu. Đây thực sự là ngày hội thể thao lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2015-2020. Kết quả của đại hội là lời khẳng định về sự phát triển của phong trào TDTT trong tỉnh. Thanh Hóa cũng liên tục nhiều năm được Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố có phong trào TDTT quần chúng phát triển nằm trong top đầu toàn quốc. Phong trào TDTT học đường cũng có bước phát triển mạnh với việc tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ X – năm 2019 và chuẩn bị lực lượng tốt nhất cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X – năm 2021 với mục tiêu giữ vững vị trí thứ 3 toàn đoàn. Công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc, truyền thống được ngành và các địa phương quan tâm. Các kỳ hội thi thể thao dân tộc toàn tỉnh (2 năm tổ chức 1 lần) được tổ chức thành công, chất lượng luôn được nâng cao. Các địa phương trong tỉnh đều dành sự quan tâm, chú trọng đầu tư các môn thể thao truyền thống, dân tộc, xem đó như là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển.

Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, với chỉ trên dưới 700 VĐV, 100 huấn luyện viên (HLV) của 28 bộ môn, “quân số” của Thanh Hóa khá khiêm tốn nếu so với các thành phố lớn, các trung tâm mạnh của cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quân đội... Tuy nhiên, các VĐV xứ Thanh đã chứng tỏ tài năng của mình ở nhiều bộ môn, song song với đó là tinh thần, ý chí vượt khó ở bất cứ thời điểm nào cũng đều được thể hiện đậm nét. Điều này đã được minh chứng bằng thành tích luôn nằm trong tốp đầu tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia của nhiều bộ môn thế mạnh có truyền thống như: điền kinh, karate, pencak silat, vovinam, taekwondo, vật, bắn súng, cử tạ, cầu mây, bơi lội, đua thuyền... Chưa dừng lại ở đó, nhiều bộ môn mới hoặc mới khôi phục lại như: muay, wushu, kick-boxing, quyền anh (boxing), khiêu vũ thể thao, xe đạp, đấu kiếm, cờ vua... cũng đã có sự tiến bộ rất nhanh, thường xuyên giành được những huy chương, thứ hạng toàn đoàn tốt ở đấu trường quốc gia.

Sự lớn mạnh của các bộ môn đã góp phần giúp cải thiện thứ hạng của đoàn Thanh Hóa tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc. Nếu như ở kỳ Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VI – năm 2010, Thanh Hóa chỉ xếp thứ 6 toàn đoàn, thì đến kỳ Đại hội lần thứ VII – năm 2014, sự bứt phá mạnh mẽ của các VĐV đã giúp Thanh Hóa vượt qua Hải Phòng, Đà Nẵng để vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng tổng sắp huy chương. Đến kỳ Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII – năm 2018, Thanh Hóa tiếp tục củng cố vị trí thứ 4 một cách vững chắc, khoảng cách về huy chương với 3 đoàn phía trên là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội đã dần được thu hẹp. Thành công từ 2 kỳ đại hội thể thao toàn quốc đó chính là động lực quan trọng để các VĐV Thanh Hóa chinh phục những cột mốc thành tích mới trên đấu trường quốc tế. Nổi bật nhất và có nhiều bứt phá ấn tượng chính là VĐV Quách Thị Lan ở bộ môn điền kinh với tấm HCV ASIAD năm 2018 ở cự ly chạy 400m vượt rào - đóng góp lịch sử, cột mốc quan trọng của thể thao Việt Nam (HCV ASIAD 2018) trên đấu trường quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, Quách Thị Lan liên tục giành được ít nhất 2 HCV tại các giải vô địch điền kinh châu Á. Tại SEA Games 30 – năm 2019, nữ VĐV tài năng này còn giành được 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ.

Ngoài Quách Thị Lan, trong sự bứt phá ấn tượng trên đấu trường quốc tế, Thanh Hóa còn có nhiều cái tên khác như: Quách Công Lịch, Lê Văn Thao (điền kinh), Nguyễn Duy Tuyến, Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat), Trần Hoàng Yến Phượng, Lê Thị Thùy (karate), Trần Anh Tuấn (vovinam), Phùng Lê Huyên, Nguyễn Thành Đạt (bắn súng), Nguyễn Thị Vinh (vật), Phạm Thị Vân (bơi), Phạm Tuấn Anh, Trần Xuân Dũng (cử tạ), Hoàng Thị Tình (judo, kurash)... Đây là những gương mặt VĐV xuất sắc, tiêu biểu nhất của thể thao Thanh Hóa những năm qua, thường xuyên gặt hái được nhiều HCV tại các giải thể thao thế giới, châu lục, khu vực và quốc gia. Năm 2019, thể thao Thanh Hóa có sự bứt phá mạnh mẽ về thành tích thi đấu quốc tế, trong đó phải kể đến thành tích giành 6 HCV, 5 HCB và 4 HCĐ tại SEA Games 30 - thành tích tốt nhất mà thể thao Thanh Hóa đã giành được trong nhiều kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á trở lại đây. CLB bóng đá Thanh Hóa đã 2 lần giành vị trí á quân (năm 2017, 2018), 2 lần xếp thứ 3 (năm 2014, 2015) tại giải vô địch bóng đá quốc gia V.League. Đội U17 Thanh Hóa giành chức vô địch U17 bóng đá quốc gia năm 2019. Đội U15 Thanh Hóa giành vị trí á quân tại giải U15 quốc gia. Đội U11 Thanh Hóa liên tiếp góp mặt tại vòng chung kết và đã giành được HCV tại giải bóng đá nhi đồng quốc gia, cũng như Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa liên tục nhiều năm nằm trong top 4 tại giải vô địch bóng chuyền quốc gia.

Không chỉ vậy, thể thao Thanh Hóa cũng ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt trong công tác đào tạo VĐV trẻ, đầu tư có trọng điểm cho các VĐV tài năng, năng khiếu. Nhiều bộ môn đã trình làng lứa VĐV trẻ kế cận rất triển vọng, bước đầu đều giành được thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế. Tính đến tháng 9-2020, thể thao Thanh Hóa đã đóng góp trên 70 VĐV cho các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế lớn trong năm 2020 và những năm tiếp theo, nhất là SEA Games 31 – năm 2021 được tổ chức trên sân nhà.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Giai đoạn 2021-2025, thể thao Thanh Hóa sẽ phấn đấu giữ vững vị thế nằm trong tốp đầu toàn quốc cả về phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ngành và các địa phương tập trung đầu tư, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, cũng như tổ chức các hoạt động TDTT đáp ứng nhu cầu của người dân. Thực hiện có hiệu quả các đề án, cuộc vận động, phong trào TDTT trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển sự nghiệp TDTT. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển phong trào TDTT trên địa bàn toàn tỉnh; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động TDTT, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Về thể thao thành tích cao, Thanh Hóa phấn đấu giữ vững vị trí thứ 4 tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, tiếp tục nỗ lực chinh phục những cột mốc thành tích mới trên đấu trường quốc tế. Không chỉ khẳng định thành tích tại các giải khu vực như SEA Games, thể thao Thanh Hóa hướng tới những mục tiêu lớn hơn tại đấu trường châu lục như ASIAD, từng bước phấn đấu tiếp cận Olympic. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành thể thao tỉnh ta sẽ tiếp tục đầu tư có trọng điểm, phát huy tối đa các môn thể thao thế mạnh, tạo điều kiện để các VĐV, HLV được tập huấn trong và ngoài nước, cũng như tham gia thi đấu tại các giải quốc gia, quốc tế. Công tác đào tạo VĐV trẻ sẽ được đổi mới với những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất. Ngành cũng sẽ chủ động và có những đề xuất, kiến nghị tỉnh hỗ trợ nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác huấn luyện, tập luyện. Công tác thi đua, khen thưởng, đãi ngộ cho các HLV, VĐV giành thành tích cao, có nhiều đóng góp được thực hiện đúng, đủ, kịp thời và có những phần thưởng dành cho các VĐV giành thành tích nổi trội, đặc biệt xuất sắc. Việc cải thiện, nâng cao điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cho các VĐV được quan tâm thường xuyên, từng bước có sự hỗ trợ để các VĐV yên tâm gắn bó, cống hiến cho thể thao tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-trong-tinh/the-thao-thanh-hoa-khang-dinh-vi-the-hang-dau/126354.htm