Luật Điện ảnh sửa đổi cần phù hợp trong thời đại công nghệ số

Việc xây dựng Luật Điện ảnh lần này cần được đặt trong bối cảnh mới, với nhận thức mới phù hợp.

Ngày 9/12 tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, ông Lê Quang Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý, sản xuất và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Luật Điện ảnh có nhiều điểm lạc hậu, cần sửa đổi

Theo ông Vi Kiến Thành, trải qua 14 năm thực thi, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đi kèm với đó là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng đang diễn biến phức tạp mà luật chưa quy định cụ thể, chưa có chế tài xử lý.

Thêm vào đó, sau 14 năm thực hiện, với sự thay đổi phương thức thương mại cùng nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, các chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế về việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất. Trong khi đó, xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia mà còn góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”, nghĩa là điện ảnh phim nhựa – như khi điện ảnh ra đời cách đó hơn một thế kỷ (năm 1895). Nhưng đến đầu những năm 2010 thì phim nhựa “bất ngờ” chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ những thay đổi trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim.

“Đến hôm nay, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi cuộc sống cả thế giới mà điện ảnh là ngành thay đổi rất nhiều, rất lớn bởi kỹ thuật số. Mặt khác, do xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng thời một số quy định trong Luật Điện ảnh đã bị các luật khác phủ định, theo đó Luật Điện ảnh có nhiều điểm lạc hậu, cần sửa đổi. Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi cần đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong thời đại công nghệ số”, bà Ngô Phương Lan nói.

Xây dựng Luật Điện ảnh cần được đặt trong bối cảnh mới

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra thảo luận lần này gồm 8 chương, 44 điều, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của điện ảnh thời đại công nghệ số và có tính khả thi.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này là những nội dung bị cấm trong hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim; thẩm quyền, phân cấp về cho các địa phương cấp phép phổ biến và phân loại phim…

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xây dựng Luật Điện ảnh lần này cần được đặt trong bối cảnh mới, với nhận thức mới phù hợp. Ông Tuấn đề xuất 3 yếu tố cần phải được chú trọng trong việc xây dựng Luật Điện ảnh lần này. Thứ nhất là bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Thứ hai là bảo vệ tài sản trí tuệ của nhà làm phim. Thứ ba là tạo hệ sinh thái để các nhà làm phim Việt phát triển.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, điều cản trở lớn nhất đối với sự sáng tạo của người nghệ sĩ chính là cơ chế kiểm duyệt phim. Cơ chế duyệt phim hiện nay đang tỏ ra rất bất cập khi mà các bộ phim chiếu rạp đều phải qua một hội đồng duyệt phim tại Trung ương. Hội đồng này vừa độc quyền duyệt phim, mà tiêu chí kiểm duyệt lại không rõ ràng, mang tính định tính.

Ông Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cũng cho rằng, thẩm định và phân loại phim là hoạt động cần thiết, không thẩm định thì không phân loại được. Vấn đề là làm sao việc này không phải là nút thắt đối với sự phát triển, ngược lại tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh, hài hòa, có hiệu quả xã hội của cả một nền điện ảnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập vấn đề quản lý và phổ biến phim trên môi trường mạng. Theo TS Ngô Phương Lan, trong bối cảnh hiện nay, khi các phim chiếu online thành trào lưu, chúng ta không thể quản lý theo phương thức quản lý phim truyền thống khi vẫn phải phân loại, cấp phép theo từng phim. Khi khối lượng phim nhà cung cấp đưa lên mạng có lúc gấp hàng nghìn, thậm chí chục nghìn lần so với số lượng phim đang lưu hành ở hệ thống rạp, không biết hội đồng nào có thể duyệt xuể. Còn nếu không duyệt, sẽ bất bình đẳng, khi phim trên mạng được phổ biến rộng rãi, len lỏi khắp nơi mà không cần thẩm định cấp phép, còn phim ra rạp, hạn chế trong một vài triệu người thì phải cấp phép một cách chặt chẽ, phải chỉnh sửa, cắt gọt.

TS Ngô Phương Lan cho rằng, cần phải lấy thêm ý kiến của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để quy định về phổ biến phim trên môi trường mạng, vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và khả thi./.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/luat-dien-anh-sua-doi-can-phu-hop-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-823060.vov