'The Shape of Water': Không xuất sắc nhất vẫn lên ngôi tại Oscar

Mùa giải thưởng Hollywood khép lại bằng đêm đăng quang rực rỡ của The shape of water (Người đẹp và thủy quái). Giải Phim hay nhất tiếp tục chứng minh nghịch lý-phim thắng giải không nhất thiết xuất sắc nhất.

“Người đẹp và thủy quái” thắng giải vì nó là lựa chọn an toàn.

KHÔN KHÉO

The shape of water, tựa Việt Người đẹp và thủy quái lấy bối cảnh chiến tranh lạnh những năm 1960. Cô lao công câm Elisa đem lòng yêu thủy quái với dáng dấp người cá - được sĩ quan Richard Strickland lôi về phòng thí nghiệm mật của chính phủ Mỹ.

Đạo diễn chăm chút cho câu chuyện này bằng thứ màu sắc hoài cổ, thứ âm nhạc và những vũ điệu của thời hoàng kim Hollywood. Mấy mùa Oscar gần đây chứng minh những tiểu tiết này dễ lấy được phiếu bầu của các thành viên Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ. Vì thế người ta dễ dàng tha thứ cho sự chểnh mảng về mặt logic, những lỗ hổng kịch bản không nhỏ mà rõ nhất là cuộc giải thoát quá dễ dàng cho chàng quái vật. Diễn xuất của Sally Hawkin được đánh giá không kém cạnh với Oscar Nữ chính xuất sắc Frances McDormand (Three billboards outside Ebbing, Missouri), tuy nhiên nhân vật của cô khá một màu, sự phát triển tâm lý không rõ ràng.

So bó đũa chọn cột cờ, người ta dễ dàng đưa phim này lên đầu bảng ưu tiên cho giải Phim hay nhất, bởi đạo diễn đủ khôn khéo để cài cắm một loạt yếu tố dễ ăn giải trong phim. Trong số các phim cùng tranh giải, Get out vừa là phim kinh dị xuất sắc lại có tiếng nói chống phân biệt chủng tộc mạnh mẽ, Call me by your name là tiếng nói của những người đồng tính, Three billboards có chủ đề xâm hại tình dục. The shape of water lại chứa đựng tất cả vấn đề đó.

Dễ dàng nhặt ra một nhóm người yếm thế trong phim của del Toro: Cô gái câm Elisa từng bị bỏ rơi và bị bạo hành, bị quấy rối nơi công sở; bà lao công da màu Zelda; ông bạn họa sĩ già Giles đồng tính và hứng chịu thất bại ê chề trong nghề nghiệp; một tiến sĩ khoa học người Nga được cài vào tổ chức Mỹ luôn giằng xé giữa nghĩa vụ và lương tâm người làm khoa học thuần túy. Cả nhóm người này trong xã hội xích lại bên nhau để chống lại kẻ phản diện đại diện cho những thứ lạnh lùng và tàn bạo nhất của xã hội. Bởi lẽ đó, dù vấp phải điều tiếng về việc đạo nhái, ảnh hưởng tác phẩm khác, Guillermo del Toro và phim của ông vẫn vững như bàn thạch với tượng vàng trong tay.

HAY NHƯNG RỦI RO

Không được nhiều đề cử nhất nhưng Three billboards outside Ebbing, Missouri (Ba biển quảng cáo ngoài Ebbing, Missouri) thắng giải Phim hay nhất ở nhiều giải thưởng tiền Oscar, thậm chí được đặt cược nhiều nhất ở Oscar. Phẫn uất vì đứa con gái bị hãm hiếp và thiêu cháy trong khi cảnh sát khoanh tay, bà Mildred Hayes (Frances McDormand) bỏ tiền thuê ba tấm biển quảng cáo và dựng lên với nội dung: Bị cưỡng hiếp khi đang hấp hối, Và đến giờ chưa có ai bị bắt, Vậy là thế nào cảnh sát trưởng Willoughby? Ba tấm biển nền đỏ rực không chỉ là lời thách thức dành cho cảnh sát, nó đánh vào cuộc sống tưởng như bình yên nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn ở thị trấn Ebbing.

So sánh với Người đẹp và thủy quái, rõ ràng Ba tấm biển quảng cáo nổi trội hơn hẳn về mặt kịch bản. Cách xây dựng nhân vật từ bà mẹ kiên nghị và có phần dị thường, cảnh sát trưởng Willoughby nhu nhược, sĩ quan Dixon xu hướng đầy bạo lực hết sức chặt chẽ và hợp lý. Không phải ngẫu nhiên phim được giới phê bình ngợi khen, đạt chứng chỉ “tươi” rói trên trang web phê bình phim Cà chua thối-nỗi ám ảnh của các nhà làm phim. Phim không chỉ đặt vấn đề một cách nặng nề, đạo diễn hướng người xem đi về phía nhân văn và hy vọng: Người ta có thể oán trách anh cảnh sát trưởng nhu nhược nhưng rồi lại rưng rưng với hành động hào hiệp của anh khi cận kề cái chết. Bà mẹ ở nhiều tình huống tạo cảm giác khó chịu vì sự kì dị và thô lỗ nhưng ẩn sâu bên trong là trái tim bà mẹ bị tổn thương và đầy dằn vặt, ăn năn. Tay sĩ quan bạo lực, kỳ thị người da màu và đồng tính ra mặt, cuối cùng có bước ngoặt không ngờ.

Sở dĩ Ba biển quảng cáo không được chọn vì nó rủi ro hơn. Dù được lòng giới phê bình, phim vấp phải không ít sự phản đối: Đó là cách nhân vật Dixon thể hiện sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị cộng đồng LGBT một cách thản nhiên, cho nên sự thay đổi tích cực của Dixon không dễ xóa bỏ thái độ này trong phần đầu. Trong một xã hội có phần đen tối, những câu hỏi nhức nhối chưa có lời giải như trong Ba biển quảng cáo sẽ khó được lòng Hollywood bằng bộ phim đậm chất thơ của đạo diễn Mexico.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/the-shape-of-water-khong-xuat-sac-nhat-van-len-ngoi-tai-oscar-1249087.tpo