Thế nào là thông tin xấu, độc và các mức xử lý hành vi đưa thông tin xấu độc lên mạng

Thực tế thời gian qua cho thấy liên tục xuất hiện một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

Khái niệm thông tin xấu, độc

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định các hành vi bị cấm như sau:

Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Từ quy định trên, chúng ta có thể hiểu thông tin xấu độc trên mạng internet là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.

Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức.

Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức.

Một số thông tin có những ngôn từ thô tục nội dung phản cảm thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, …

Xử lý những trường hợp đưa thông tin xấu độc lên mạng

Hành vi đưa thông tin xấu độc lên mạng đã vi phạm điều cấm của pháp luật (cụ thể là Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP).

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi cấm trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, ví dụ như Khoản 6 Điều 66 có quy định:

“6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam”.

Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý theo các điều luật tương ứng với hành vi của mình, chẳng hạn như:

• Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 Tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (hình phạt cao nhất là phạt tù bảy năm);

• Điều 226b Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (hình phạt cao nhất là tù chung thân).

Tùy vào hành vi đó cấu thành nên tội nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội đó.

Quy trình xử lý

Những thông tin bất cập xuất hiện trên mạng xã hội vừa qua chủ yếu xuất phát từ các trang mạng do tổ chức nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Các trang mạng do các tổ chức, cá nhân trong nước xây dựng đều tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông (BTTTT) vừa ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, đây là cơ sở pháp lý xử lý, buộc các trang mạng xã hội do nước ngoài lập phải tuân thủ đúng chính sách, pháp luật Việt Nam. Theo đó, khi phát hiện thông tin trên mạng vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, BTTTT gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập theo quy trình sau:

– BTTTT gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm cần xử lý.

– Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ BTTTT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

– Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, BTTTT sẽ gửi thông báo lần 2.

– Nếu sau 24 giờ kể từ khi BTTTT gửi thông báo lần 2, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và không phản hồi trở lại, BTTTT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Thu Hoài

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/the-nao-la-thong-tin-xau-doc-va-cac-muc-xu-ly-hanh-vi-dua-thong-tin-xau-doc-len-mang-127221.html