Thế nào là một Đô thị thông minh? Và một số cách tiếp cận

Đó có lẽ là một câu hỏi chính đáng, tưởng dễ trả lời và hầu như ai cũng có ý niệm về nó. Tuy nhiên, sự việc cũng không đơn giản như thế.

Theo như một giai thoại mà TS. Nguyễn Trọng, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, cố vấn Hội Tin học TP. HCM kể trong Hội thảo Smart Cities 360 - Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh ngày 19/09/2017 tại TP. Hồ Chí Minh thì trong một buổi họp của Hội Tin học TP. HCM, một lãnh đạo cấp cao thành phố nay công tác ở trung ương cũng nói: “Người ta nói nhiều về thành phố thông minh mà tôi không hiểu nó là gì?”.

Gần đây, từ trung ương và địa phương đã nói về xây dựng các “Đô Thị Thông Minh” (ĐTTM) hoặc “Thành phố Thông minh “ (TPTM). Chúng ta sẽ sử dụng 2 thuật ngữ ĐTTM và TPTM như 2 thuật ngữ tương đương. Giới học giả, lãnh đạo vài quốc gia và một số thành phố trên thế giới thì bắt đầu nói về các ĐTTM từ khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, chúng ta thấy khá nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng đề án ĐTTM/TPTM, đó là Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, TP. HCM, Cần Thơ, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc, Lâm Đồng (TP. Đà Lạt), Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, …

Tuy nhiên, cách hiểu và cách tiếp cận của giới học giả, chuyên gia, các hãng tư vấn công nghệ, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ khác nhau và dẫn đến sự hoang mang cho người đọc và cả những lãnh đạo ra quyết định.

ĐTTM là gì?Cụ thể hơn là: Cấu trúc cơ bản của một ĐTTM gồm những gì? Để tạo nên cấu trúc đó thì chúng ta phải làm những việc gì, làm như thế nào, tốn kém ra sao, và cuối cùng thì người dân được gì trong những ĐTTM ấy? Phải chăng người dân TP. HCM sẽ hết lo ngập úng, hết lo ách tắc giao thông, hết lo nạn thực phẩm bẩn.

Có hàng trăm định nghĩa về ĐTTM trên thế giới và theo như dự thảo đề án xây dựng TP. HCM thành ĐTTM, nhóm tư vấn viết rằng: “Một ĐTTM bền vững là một thành phố sáng tạo, sử dụng các CNTT và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ đô thị, và năng lực cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.”

Và định nghĩa của Washburn, D., trong “Helping CIOs Understand Smart City” (Trợ giúp các Giám đốc thông tin hiểu về TPTM) cho rằng “Thành phố thông minh là sử dụng các công nghệ máy tính thông minh để tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt và dịch vụ của một thành phố - bao gồm quản trị thành phố, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh cộng đồng, xây dựng, giao thông và các tiện ích khác… một cách thông minh, thông suốt và hiệu quả”. Định nghĩa TPTM này của Washburn giúp ta một cách tiếp cận đến cấu trúc cụ thể của một TPTM khi nhấn mạnh 2 ý quan trọng: “sử dụng các công nghệ máy tính thông minh” và “tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt”.

Trên thế giới đã hình thành hàng vạn đô thị, trong đó có hàng ngàn các đô thị hiện đại đủ mọi quy mô.

Mọi đô thị dù là hiện đại hay chưa, dù là thông minh hay chưa thì đều phải có hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ bao gồm 6 nhóm chủ yếu sau: (1) Quy hoạch bền vững; (2) Hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện; (3) Điện - năng lượng - chiếu sáng, cấp - thoát nước đầy đủ và ổn định; (4) Viễn thông - thông tin liên lạc thông suốt; (5) Hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh, hiệu quả và (6) Hệ thống sử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm.

TS. Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận của TS. Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM nói về sự cần thiết phải xây dựng một TPTM và những thách thức mà Đảng bộ và nhân dân TP.HCM gặp phải trong quá trình xây dựng dự án quan trọng này. Trong thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, điển hình như ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT chuyên ngành trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực... Tuy nhiên, bản chất của việc ứng dụng CNTT này vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong công tác điều hành của chính quyền và phục vụ người dân, và đặc biệt, chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo phát triển cho thành phố.

Do đó, cần tận dụng thời cơ này để bắt đầu triển khai xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh nhằm phát huy các thế mạnh của Thành phố, hỗ trợ tốt cho 07 chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và định hướng cho Thành phố phát triển một cách khoa học, chính xác.

7 chương trình đột phá và quan hệ với ĐTTM của TP.HCM

Ông Cường cũng trình bày 7 nhóm giải pháp cho một TPTM (ĐTTM) của TP. HCM:

1/ Xây dựng Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

2/ Đề xuất Khung công nghệ tổng quan.

3/ Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở thành phố.

4/ Thành lập Trung tâm an toàn an ninh thông tin thành phố.

5. Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM.

6/ Các lĩnh vực ưu tiên: Chính quyền điện tử; Giao thông; chống ngập; môi trường; Y tế; an toàn thực phẩm; an ninh trật tư; chỉnh trang đô thị (bám sát 7 Chương trình đột phá ĐH Đảng bộ TP lần thứ X và những vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống người dân);

7/ Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tài chính; giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; giải pháp về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng mang đến hội thảo một đóng góp quan trọng. Đó là kinh nghiệm của Đà Nẵng, một thành phố đi đầu trong cả nước về Ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử và bây giờ là xây dựng ĐTTM.

Đà Nẵng tham khảo kinh nghiệm triển khai của nhiều thành phố: Barcelona, Valencia, Amdalusia (Tây Ban Nha); Yokohama, Keihanna, Kitatyushu, Kashiwa-no-ha (Nhật Bản); Seoul, Songdo, Pangyo, Anyang, Busan, Dongtan (Hàn Quốc); London (Anh), Dubai, Singapore.

Đà Nẵng đã ban hành “Đề án xây dựng TPTM hơn tại Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 với sự tư vấn của Đoàn chuyên gia của Tập đoàn IBM, tập trung vào 5 lĩnh vực: Giao thông thông minh, Cấp nước thông minh; Thoát nước thông minh; Kiểm soát vệ sinh An toàn thực phẩm và Xây dựng thành phố kết nối.

Mô hình ĐTTM của Đà Nẵng

TS. Nguyễn Quang Thanh cũng nêu rõ: “Công nghệ là chưa đủ và ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến đô thị tốt hơn là CHƯA CÓ CƠ SỞ.”

Đà Nẵng chọn cách tiếp cận Nền tảng là Chính quyền điện tử với Khung kiến trúc TPTM:

Khung tham chiếu ĐTTM của Đà Nẵng

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đã soạn thảo Đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025; đồng thời cũng khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực đóng góp ý kiến và phản biện cho lãnh đạo thành phố. Hội thảo Smart City 360o được tổ chức lần này chính là để thiết lập một diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giới thiệu và trao đổi giải pháp, thảo luận, đóng góp cho thành phố; cũng như tạo cơ hội kết nối các cơ quan chính quyền trong và ngoài TP.HCM, các doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, các trường Đại học - Viện nghiên cứu.

Các bài tham luận khác tại Hội thảo cũng giới thiệu các giải pháp chung cho ĐTTM với nhiều hướng tiếp cận khác nhau giúp các đại biểu có thêm cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ đã và đang được nghiên cứu và triển khai, và tiếp cận một hệ sinh thái công nghệ nhiều tiềm năng và cơ hội. Hy vọng qua Hội thảo Smart Cities 360 lần này sẽ có nhiều hợp tác của tất cả các đơn vị, các cấp quản lý và các doanh nghiệp, tạo nên một nền tảng vững chắc để cùng phát triển các ĐTTM trên cả nước.

Đào Trung Thành

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/tieng-noi-ictpress/the-nao-la-mot-do-thi-thong-minh-va-mot-so-cach-tiep-can