Thế nào là dùng 'hung khí nguy hiểm' trong tội cố ý gây thương tích?

Dùng nước đá đông lạnh gây thương tích có phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm hay không?

Nội dung vụ án:

Lúc 22h ngày 1/5/2019, Nguyễn Văn A, Trần Văn H. và Phan Xuân T. cùng ngồi nhậu tại ghế đá nhà H. Sau khi uống mỗi người 7 lon bia Sài Gòn thì giữa A. và T. có lời qua tiếng lại, cãi vã với nhau. Trong lúc A. đang chặt cục đá đông lạnh để bỏ vào ly bia, vì bực tức T. nên A. cầm cục đá lạnh đập vào đầu T. làm T. ngã gục xuống đất, bất tỉnh. Thấy vậy, H. dưa T. đi bệnh viện huyện C. cấp cứu và điều trị 5 ngày thì xuất viện.

Kết quả giám định tỷ lệ thương tật của A là 10%.

Sau khi có kết quả giám định, thì có 2 quan điểm xử lý vụ việc khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi A. dùng cục đá lạnh đánh vào đầu T., tuy gây thương tích cho T. 10% nhưng không cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS, nên A. chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi đánh người.

Bởi vì, cục đá đông lạnh đã tan, không thu giữ vật chứng được. Do đó, cục đá lạnh không phải là hung khí nguy hiểm, nên hành vi của A. gây thương tích cho T., tỷ lệ tổn thương có thể của T. là 10%, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu là nước ở dạng tinh thể lỏng thì nước không phải là hung khí nguy hiểm nhưng nước khi đã đông lạnh thành cục, có độ rắn chắc và cứng nên lúc nước đã đông cứng thành đá đông lạnh sẽ trở thành hung khí, nếu A. dùng cục đá đông lạnh đánh vào đầu của T. tức là A. dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho T.

Tuy vật chứng không thể thu giữ được nhưng vẫn có đủ căn cứ để chứng minh đó là hung khí, vì khi nước đã đông lạnh thì thành đá và có độ cứng hơn nhiều so với cơ thể con người, nên hành vi A. dùng cục đá đông lạnh đánh vào đầu T. với tỷ lệ tổn thương cơ thể của T. là 10% thì đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS.

Rất mong nhận nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc để tránh xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, nhằm bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất./.

Thanh Nghị

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/the-nao-la-dung-hung-khi-nguy-hiem-trong-toi-co-y-gay-thuong-tich-73656.html