Thế nào được gọi là bệnh nhân 'siêu lây nhiễm'?

Một số chuyên gia cho rằng 'siêu lây nhiễm' không phải là một thuật ngữ khoa học và có nhiều yếu tố khiến một người trở thành người dễ lây lan virus cho người khác.

Trên thực tế, các ca "siêu lây nhiễm" từng xuất hiện trong các dịch bệnh trước đây như SARS và MERS. Trong đại dịch Covid-19, cụm từ này thường xuyên được nhắc tới.

Điển hình như một nhà kinh doanh ở Anh lây nhiễm cho 11 người, một bệnh nhân ở Hàn Quốc lây lan virus cho ít nhất 40 người, một VĐV điền kinh Italy khiến 13 người nhiễm bệnh.

Ở Việt Nam, bệnh nhân thứ 34 cũng thường được gọi là "ca siêu lây nhiễm" khi có tới 10 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan bệnh nhân này.

Các chuyên gia khẳng định "siêu lây nhiễm" không phải là thuật ngữ khoa học. (Ảnh: Straits Times)

Các chuyên gia khẳng định "siêu lây nhiễm" không phải là thuật ngữ khoa học. (Ảnh: Straits Times)

Tuy nhiên, theo chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện Amesh Adalja, "siêu lây nhiễm" không phải là thuật ngữ khoa học. Cũng không có mức chuẩn nào về số lượng người bị lây nhiễm để xác định một bệnh nhân có phải là ca siêu lây nhiễm hay không.

Cũng có một số nhân tố ảnh hưởng tới "khả năng" lan truyền virus của bệnh nhân như việc họ tiếp xúc với bao nhiêu người, tốc độ lây lan virus và mức độ tiếp xúc xa gần của họ.

Theo các thống kê hiện nay, một người trung bình sẽ chỉ lây nhiễm virus cho 2-3 người.

"Có thể tồn tại cái mà chúng ta gọi là ca siêu lây nhiễm, những người bệnh không chỉ lây nhiễm cho 2-3 người mà lan truyền virus cho hàng chục người", ông Eric Caumes, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Pitíe-Salpêtrìere ở Paris (Pháp) nhận định.

"Vấn đề là chúng ta không phát hiện ra họ", ông nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia Cristl Donnelly tới từ Đại học Oxford (Anh) cho rằng mỗi người có một hệ miễn dịch khác biệt, hành vi và những nơi đến của mỗi cá nhân cũng không giống nhau. Do đó mức lây nhiễm với từng người là khác biệt.

Bharat Pankhania, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter (Anh) lại cho rằng nhân tố quan trọng quyết định mức độ lây nhiễm là môi trường.

"Các đám đông, không gian chật hẹp với hệ thống thông khí kém, kiểm soát lây nhiễm không tốt. Nhiều bề mặt cứng có thể khiến virus tồn tại lâu hơn, độ ẩm thuận lợi và người nhiễm bệnh thường ở giai đoạn đầu của bệnh khi virus vẫn chưa phát tác", ông cho hay.

Bộ trưởng Y tế Pháp không khuyến khích sử dụng thuật ngữ "siêu lây nhiễm" vì cho rằng nó gây ra sự kỳ thị với các ca bệnh.

Video: Những 'vùng đất câm lặng' trên khắp thế giới trong mùa dịch

Song Hy (Nguồn: Straits Times)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc/the-nao-duoc-goi-la-benh-nhan-sieu-lay-nhiem-ar533347.html