Thế mạnh và những thử thách của thể thao Thanh Hóa tại SEA Games 30

Đến hẹn lại lên, thể thao Thanh Hóa chuẩn bị bước vào ngày hội lớn Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 tại Philippines vào cuối năm nay với mục tiêu chinh phục những thành tích, cột mốc mới để khẳng định sự lớn mạnh, phát triển. Các vận động viên (VĐV) đã sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tranh tài đỉnh cao.

Vận động viên Quách Thị Lan.

Ngay từ khi nước chủ nhà của SEA Games 30 là Philippines công bố các môn, nội dung thi đấu, thể thao Thanh Hóa đã mất nhiều nội dung, bộ môn thế mạnh, vốn đã thường xuyên giành được những huy chương ở đấu trường khu vực những năm qua. Các bộ môn võ thuật là chịu thiệt thòi nhất khi nhiều hạng cân đối kháng của karate, taekwondo, pencak silat... vốn là thế mạnh của Thanh Hóa, đặc biệt là các hạng cân nặng đã bị nước chủ nhà cắt bỏ. Thay vào đó, nước chủ nhà tăng các nội dung biểu diễn quyền mà kết quả được xác định bởi chấm điểm khá cảm tính của các trọng tài và chỉ chọn một số hạng cân nhẹ, thế mạnh của họ. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà vô địch, những VĐV tiêu biểu tại các đấu trường Đông Nam Á, châu Á, ASIAD thậm chí là thế giới của Thanh Hóa ở các bộ môn pencak silat, karate, taekwondo, vật, cử tạ, judo... đã không có dịp được tranh tài tại SEA Games như: Trần Xuân Dũng (cử tạ), Nguyễn Thị Vinh, Đặng Thị Linh (vật), Hoàng Thị Hòa (cầu mây)... Thậm chí, ở bộ môn pencak silat, do nước chủ nhà Philippines cắt bỏ nhiều hạng cân nên Thanh Hóa chỉ có 1 VĐV duy nhất là Nguyễn Ngọc Toàn tham gia. Các VĐV pencak silat khác như Vũ Văn Kiên, Lê Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Hương đã phải chuyển sang thi đấu môn võ gậy (Arnis) – bộ môn đặc sản của nước chủ nhà. VĐV judo Hoàng Thị Tình cũng chuyển sang tham gia môn kurash – môn thi đấu có luật gần giống vật và judo, cũng là môn võ của Philippines. Ngay cả bộ môn Olympic như điền kinh cũng bị cắt bỏ nhiều nội dung do nước chủ nhà không có thế mạnh. Trong khi đó, đây đều là những nội dung thế mạnh có khả năng tranh chấp Huy chương Vàng (HCV) của thể thao Việt Nam nói chung, thể thao Thanh Hóa nói riêng.

Theo tính toán, Thanh Hóa sẽ mất khá nhiều HCV trong khi các VĐV được tham gia tranh tài còn phải đối mặt với khó khăn khác đó là tính chất “ao làng” trong “cuộc phân bổ huy chương”, sự thiếu chính xác, thiên vị từ trọng tài... vấn đề vốn diễn ra thường xuyên, trở thành cố hữu ở mỗi kỳ SEA Games. Dù đã có sự chuẩn bị về tâm lý, chuyên môn, thi đấu với quyết tâm cao nhưng các VĐV vẫn phải đối mặt với những tồn tại nói trên của SEA Games. Ông Nguyễn Văn Hùng, HLV trưởng đội tuyển pencak silat Việt Nam, đồng thời là trưởng bộ môn pencak silat Thanh Hóa cho biết: Ngay cả các hạng cân đối kháng, đôi khi vẫn có những trận đấu mà VĐV của Việt Nam thi đấu áp đảo, hoàn toàn vượt trội nhưng cuối cùng vẫn bị xử ép thua cuộc. Trường hợp của Nguyễn Duy Tuyến ở SEA Games cách đây 2 năm là một ví dụ điển hình. Là nhà vô địch thế giới, thi đấu hoàn toàn áp đảo nhưng vẫn bị xử thua. Những trường hợp tương tự cũng không hiếm với các VĐV Thanh Hóa ở các kỳ SEA Games. Chính vì vậy, không chỉ các VĐV pencak silat mà tất cả các VĐV ở các bộ môn võ thuật khác đều xác định phải giành chiến thắng tuyệt đối, cách biệt, nhất là trước các VĐV nước chủ nhà thì mới có thể giành được huy chương.

Những khó khăn, thử thách là không nhỏ nhưng thể thao Thanh Hóa vẫn có được nhiều tín hiệu đáng mừng tại SEA Games 30. Điền kinh vẫn là bộ môn có nhiều hy vọng đem về những tấm HCV. Với sự góp mặt của 4 gương mặt xuất sắc nhất hiện tại như: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Hà Văn Nhật, được xem là chủ lực của thể thao Thanh Hóa tại kỳ SEA Games năm nay. Một Quách Thị Lan đang tiếp tục khẳng định đẳng cấp của mình không chỉ ở sân chơi trong nước mà còn xác lập vị thế vững vàng tại đấu trường cấp châu lục với những thành tích nổi bật tại giải vô địch và giải điền kinh Grand Prix châu Á năm nay. Các nội dung mà nữ VĐV này tham gia đều có hy vọng giành HCV như 400m, 400m vượt rào, các cự ly chạy tiếp sức nữ. Người anh trai của Quách Thị Lan là Quách Công Lịch cũng đã có sự trở lại ấn tượng sau thời gian dài chấn thương với tấm HCV tại giải vô địch quốc gia vừa qua. Hai gương mặt còn lại của điền kinh Thanh Hóa là Lương Văn Thao và Hà Văn Nhật đều là những VĐV đầy triển vọng của đội tuyển quốc gia.

Một điểm sáng của thể thao Thanh Hóa chuẩn bị SEA Games 30 đó chính là sự xuất hiện của kình ngư Hoàng Thị Trang trong thành phần đội tuyển bơi. Đã rất lâu rồi, Thanh Hóa mới có VĐV bơi tham gia SEA Games và Hoàng Thị Trang đem tới nhiều hy vọng có huy chương. Nữ VĐV trẻ tài năng này vừa giành 2 HCV tại giải vô địch quốc gia và 6 HCV tại giải bơi – lặn vô địch các câu lạc bộ quốc gia năm 2019, cùng thành tích nổi bật tại các giải trẻ quốc gia và tấm Huy chương Bạc ở cự ly 200m bơi ngửa tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018. Đây chính là hành trang mà VĐV Hoàng Thị Trang đã chuẩn bị để sẵn sàng chinh phục SEA Games 30. Ngoài ra, thể thao Thanh Hóa còn nhiều hy vọng vàng khác như Phạm Tuấn Anh (cử tạ), Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat). Đây là 2 VĐV đã có thành tích thi đấu nổi bật tại các giải quốc tế trong 2 năm gần đây và khẳng định được vị thế số 1 ở đấu trường trong nước. Sự xuất hiện khá thú vị nữa trong đoàn thể thao Việt Nam đó là VĐV kỳ cựu Hà Thế Long ở bộ môn xe đạp địa hình. Cơ hội giành huy chương của Hà Thế Long là rất khả quan, theo đánh giá của ban huấn luyện đội tuyển xe đạp Việt Nam.

Mục tiêu của thể thao Thanh Hóa tại SEA Games 30 chính là phải vượt lên chính mình, vượt qua thành tích 4 HCV đã tồn tại trong 2 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 và 29 trước kia.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/the-manh-va-nhung-thu-thach-cua-the-thao-thanh-hoa-tai-sea-games-30/109483.htm