Thế 'lưỡng nan' của Hàn Quốc trong các kịch bản căng thẳng địa chính trị

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thoát khỏi cuộc Chiến tranh Lạnh và hai miền Triều Tiên lại có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến mới - giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thế "lưỡng nan” của Hàn Quốc trong căng thẳng địa chính trị. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Thế "lưỡng nan” của Hàn Quốc trong căng thẳng địa chính trị. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Đã có những cụm từ đang tràn lan trên các phương tiện truyền thông của hai miền Triều Tiên và ở nước ngoài, gợi nhớ đến cuộc cạnh tranh ý thức hệ Đông-Tây đã kết thúc khoảng 3 thập kỷ trước, như "Chiến tranh Lạnh công nghệ", "Bức màn sắt kỹ thuật số" và "hai chuỗi kinh tế trên toàn cầu".
Xung đột trong kinh doanh và chiến tranh thương mại gần như luôn dẫn đến xung đột chính trị và thậm chí là đối đầu quân sự. Mỹ đã thách thức "chính sách một Trung Quốc". Đáp lại, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang nhắc lại "chiến thắng đáng tự hào" của mình trước Mỹ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53). Đông Á - Đài Loan, Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên - đang nổi lên trở thành đấu trường không chỉ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà còn không may mắn và hoàn toàn có thể xảy ra đồng thời một cuộc chiến tranh nóng bỏng khác. Khá lâu rồi các học giả mới bắt đầu đề cập đến chuyện một siêu cường mới nổi đe dọa thay thế một thế lực lâu đời và chiến tranh thường nổ ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang xúc tiến dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” để hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" của mình. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy chính sách "Ấn Độ-Thái Bình Dương" như một phần trong khẩu hiệu đưa ra trong chiến dịch tranh cử của ông là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không thể sánh được với Mỹ về sức mạnh quân sự và văn hóa - đó là chưa nói tới kinh tế - ở khu vực này và các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh kéo dài, thời gian có thể đứng về phía Trung Quốc.
Đối với Hàn Quốc, cựu Ngoại trưởng bị phế truất Yun Byung-se dưới thời Tổng thống Park Geun-hye, đã có phát ngôn nổi tiếng: "Hàn Quốc không thể hạnh phúc hơn khi được G2 tán tỉnh". Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để người Hàn Quốc biết rằng ông Yun đã ngây thơ hay nhầm lẫn ra sao.
Ngay sau khi đưa ra lời nhận xét này, chính quyền của bà Park đã phải cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc. Sau đó, Hàn Quốc đã phải chứng kiến sự trả đũa về kinh tế và những lĩnh vực khác từ phía Trung Quốc, động thái vẫn còn tiếp diễn tới bây giờ.
Mới đây, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói với các nhà báo Hàn Quốc rằng Seoul cần phải "quyết định đúng đắn". Quan chức này tuyên bố tùy thuộc vào quyết định của chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc, "những khó khăn có thể nảy sinh trong mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh".
Tại Seoul, Đại sứ Mỹ Harry Harris đã kêu gọi các công ty công nghệ thông tin của Hàn Quốc tham gia tẩy chay Huawei, người khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Nếu Seoul theo Washington, sự trả đũa của Bắc Kinh sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng. Các công ty công nghệ Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics và SK hynix, phụ thuộc rất nhiều vào các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua chip nhớ và các bộ phận cũng như linh kiện khác.
Nếu các doanh nghiệp này bị Bắc Kinh đưa vào danh sách các công ty và cá nhân "không đáng tin cậy", thì thiệt hại sẽ là không thể bù đắp được. Tuy nhiên, chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc không thể bỏ qua đòi hỏi của Mỹ, nhất là khi Mỹ đóng vai trò đảm bảo an ninh quốc gia cho Hàn Quốc và có những nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Một thập kỷ trước, Seoul có thể phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế và vào Washington về an ninh.
Mô hình thuận tiện và đơn giản này không còn hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh leo thang giữa G2. Vậy Seoul nên làm gì? Điều này dường như không thể tránh khỏi và không có lối thoát dễ dàng. Phần lớn các chuyên gia kêu gọi Hàn Quốc giữ trung lập và không nghiêng về bên nào. Điều này nói dễ hơn làm. Ngay cả việc duy trì sự trung lập cũng khó khăn vì Trung Quốc hay Mỹ đều muốn Hàn Quốc nghiêng về phía mình.
Tuy nhiên, đứng giữa hai nước là cách tốt nhất bây giờ. Hàn Quốc, tất nhiên, không phải một mình bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Các đối tác phụ thuộc vào xuất khẩu khác, như Singapore và EU, cũng đang trong tình trạng khó xử tương tự. Tuy nhiên, đối với họ, áp lực chủ yếu là kinh tế, trong khi Hàn Quốc cũng phải nghĩ đến an ninh quốc gia, bởi Triều Tiên và mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Một vấn đề khác là những nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể bị G2 cho là thứ yếu, tiếp tục trì hoãn giải pháp của mình.
Hiện tại, không thể tránh được mà phải đối phó với các tình huống thay đổi với sự khéo léo và linh hoạt về ngoại giao. Vấn đề là có những nghi ngờ lớn về khả năng ngoại giao của chính quyền ông Moon Jae-in. Tình trạng khó khăn của chính quyền là có thể hiểu được, nhưng nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc "quá im lặng" giữa cơn lốc ngoại giao toàn cầu và khu vực. Nếu chính quyền Hàn Quốc thận trọng và điềm tĩnh, thì có thể ổn. Còn nếu việc thiếu hoạt động là do lạc quan vô căn cứ hoặc suy nghĩ rằng Hàn Quốc không bị ảnh hưởng, thì không gì có thể nghiêm trọng hơn.
Chính quyền ông Moon Jae-in có thể kích hoạt một bộ phận riêng để đối phó với cuộc chiến bá quyền Mỹ-Trung trong Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điều đó có thể là không đủ. Tổng thống cần cải tổ Bộ Ngoại giao bằng cách ra mắt một "đội ngũ trong mơ" gồm các nhà ngoại giao kỳ cựu vượt qua những khác biệt về chính trị và tư tưởng để chấp nhận những người bảo thủ.
Các đảng đối lập bảo thủ cũng cần hợp tác với chính phủ trong các vấn đề sống còn và thịnh vượng quốc gia. Mối thù truyền kiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể kết thúc sớm mà kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, buộc các nước như Hàn Quốc phải có một chiến lược dài hạn và các chiến thuật khác nhau theo tất cả các loại kịch bản có thể tưởng tượng được./.

Mạnh Hùng (TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/the-luong-nan-cua-han-quoc-trong-cac-kich-ban-cang-thang-dia-chinh-tri/125785.html