'Thế lực' nào đứng sau những lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018?

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, muốn bịt được lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia thì cần phân định rõ giữa trách nhiệm của bộ GD&ĐT và các yếu tố xã hội tác động bên ngoài.

Trước những lùm xùm về tiêu cực trong thi cử nổi lên tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La..., ngày 30/7 vừa qua, nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết về kỳ thi THPT Quốc gia đã được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường đại học, THPT và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo bộ GD&ĐT. Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhận trách nhiệm vì có những sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Cuộc họp ngày 30/7 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và

các chuyên gia về giáo dục.

Là một trong những người có nhiều tâm huyết, trăn trở với ngành Giáo dục cũng đồng thời là đại diện có mặt trực tiếp tại buổi họp, GS.TS Phạm Tất Dong đã có những trao đổi thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin về những lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

Theo quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong: “Lỗ hổng đầu tiên trước hết nằm ở đề thi, năm ngoái thì kêu dễ quá, năm nay lại khó quá. Có thể nói rằng, ngân hàng đề thi vẫn chưa được hoàn thiện và đáp ứng được. Vậy nên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn góp ý với Bộ nên xem xét lại khâu ra đề, không để sang năm mắc lỗi tương tự. Thứ hai, cách thức thi vô tình tạo ra lỗ hổng để kẻ xấu xen vào được, ví dụ người ta chen ngang vào để lấy hồ sơ ra. Mặc dù đã tính toán như Sơn La, khi quét điểm không cẩn thận vẫn bị kẻ khác lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi vi phạm. Theo quan điểm của tôi, bộ GD&ĐT cần phải thấy cái sai của mình để sửa sai và rút kinh nghiệm”.

GS.TS Phạm Tất Dong.

Điều đáng chú ý hơn, gây nguy hiểm hơn mà GS.TS Phạm Tất Dong đề cập là ngoài những sai phạm cần được bộ GD&ĐT nhìn nhận thẳng thắn, làm rõ thế lực bên ngoài tác động lên những người trực tiếp tham gia vào kỳ thi. "Họ có thể làm theo vì một lý do nào đó, vì sự cất nhắc, hoặc là vì quyền uy… Cụ thể như vụ Hà Giang, hà cớ gì một người như ông Lương phải nâng điểm cho hàng trăm học sinh. Cái này chứng tỏ có một “yếu tố xã hội” chen vào nên dù bộ GD&ĐT có cố gắng làm tốt đến đâu nhưng một vài yếu tố chưa nghiêm thì Bộ cũng không thể lường hết được.

Do vậy có thể nói lỗ hổng xảy ra từ hai phía, một là bộ GD&ĐT cố gắng sang năm phải chỉnh đốn nhưng mặt khác người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Nếu người đứng đầu tỉnh không chịu trách nhiệm thì sang năm không thể làm nghiêm được. Nếu xác định không có vùng cấm trong chống tham nhũng thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm", GS.TS Dong bày tỏ quan điểm.

“Để công bằng, một phần Bộ trưởng Nhạ phải nhận khuyết điểm, mặt khác phải tính xem xử lý các “quan tham” như thế nào. Không thể để một vài tỉnh, một số cá nhân làm nhũng nhiễu, mất uy tín một kỳ thi quốc gia như thế. Những bức xúc cứ cộng dồn vào sẽ thành giọt nước tràn ly và bùng nổ”, ông Dong nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về đề nghị nên xem xét lại kỳ thi THPT Quốc gia 2 trong 1, cần phải đưa ra lấy ý kiến một cách dân chủ và cởi mở thì theo GS.TS Phạm Tất Dong: “Thi cử để tốn kém là không nên. Đã là thi phổ thông, các em học sinh cần đạt đến một mặt bằng học vấn phổ thông. Cho nên, học sinh nào đạt ngưỡng đó nên để các em có một chứng nhận đã hoàn thành 12 năm học, còn muốn thi cao hơn vào trường nào, bản thân các em phải tự bươn chải. Không nên thi gộp bởi như thế, những cuộc chạy đua và tiêu cực vẫn sẽ xảy ra”. Ông Dong cũng đề xuất nên giao việc công nhận tốt nghiệp cho nhà trường và địa phương.

Hải Yến - Đỗ Chang

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/the-luc-nao-dung-sau-nhung-lo-hong-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-a380224.html