Thế khó

Những 'đòn' trừng phạt đầu tiên đã được Mỹ áp đặt với đồng minh A-rập Xê-út liên quan vụ nhà báo J.Khashoggi bị giết hại. Vụ việc diễn biến ngày càng nghiêm trọng đe dọa quan hệ giữa Mỹ với đồng minh chủ chốt ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, những lợi ích chiến lược ở khu vực Trung Đông khiến Mỹ khó có thể mạnh tay với A-rập Xê-út, trong khi Washington cũng đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giữa lúc A-rập Xê-út nằm trong tâm bão chỉ trích đến từ nhiều quốc gia, Mỹ không thể không lên tiếng về vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết ngay tại Lãnh sự quán A-rập Xê-út ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ D.Trump đã mạnh mẽ nói rằng, đây là “một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử”. Để chứng tỏ nói là làm, Tổng thống Mỹ quyết định sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức A-rập Xê-út liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Đây là động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay của Washington đối với quốc gia đồng minh thân cận. Phía Mỹ cũng khẳng định, những biện pháp trừng phạt này sẽ không phải “lời cuối” của Washington trong vấn đề này.

Vụ việc mới phát sinh trong quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út gây tổn hại mối quan hệ đồng minh và đẩy Washington vào thế khó xử. Tổng thống D.Trump đứng trước sức ép trong nước, sau khi một nhóm gồm 21 nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ do Hạ nghị sĩ Jim McGovern thuộc đảng Dân chủ, đại diện cho bang Massachusetts đứng đầu, đã đệ trình dự luật ngừng ngay lập tức tất cả các thương vụ bán vũ khí cho A-rập Xê-út. Ông McGovern cho rằng, với cái chết của nhà báo Khashoggi, đã đến lúc Mỹ ngừng tất cả các thương vụ vũ khí và viện trợ quân sự cho A-rập Xê-út.

Tuy nhiên, dư luận hoài nghi về khả năng Mỹ có thể thực hiện những biện pháp trừng phạt với đồng minh như đã tuyên bố. Rất có thể sẽ là “giơ cao đánh khẽ”, bởi những lợi ích chiến lược ràng buộc giữa hai bên. Việc ngừng các thương vụ vũ khí có thể để lại hậu quả tiêu cực cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, vốn coi A-rập Xê-út là thị trường nước ngoài béo bở. Lo ngại hợp đồng vũ khí trị giá 110 tỷ USD mà Mỹ và A-rập Xê-út ký kết đổ bể, Washington đang tìm cách không để vụ việc hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận này. Ở phía sau hậu trường, một nhóm các công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ đã vận động nhằm cứu vãn các hợp đồng vũ khí của Mỹ với đồng minh. Các công ty này hy vọng có thể bảo vệ các hợp đồng với A-rập Xê-út khi thời hạn chuyển giao đang tới gần, dự kiến bắt đầu từ năm 2019. Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ (AIA) cũng đã gửi thư nhắc nhở các nhà thầu quốc phòng rằng việc dừng các hợp đồng vũ khí có thể sẽ khiến Mỹ giảm dần khả năng gây ảnh hưởng của Washington. Hơn nữa, Mỹ vẫn cần A-rập Xê-út trong việc kiềm chế vai trò và ảnh hưởng của Iran ở khu vực. Mỹ muốn sử dụng nguồn cung từ “ông vua dầu mỏ” nhằm gây sức ép đối với Iran trên thị trường “vàng đen”.

Trong lúc quan hệ đồng minh Mỹ - A-rập Xê-út đang được “thử lửa” thì giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại có những bước hâm nóng quan hệ nguội lạnh giữa hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Washington đã áp đặt đối với Ankara sau khi nước này thả mục sư người Mỹ A.Brunson. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo tuyên bố, Washington đang cân nhắc và sẽ sớm có quyết định về việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Ankara, nhằm thể hiện thiện chí của Mỹ trước động thái nhượng bộ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nút thắt trong quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO, vốn xấu đi nghiêm trọng kể từ sau những tranh cãi liên quan vụ bắt giữ mục sư Brunson đã được cởi bỏ và mở ra thời kỳ hợp tác mới cho hai nước. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí sẽ phối hợp trong việc điều tra vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra chung ở khu vực miền bắc Syria, nơi Washington và Ankara từng có nhiều khúc mắc liên quan vấn đề người Kurd.

Trong bối cảnh mọi chỉ trích quốc tế đang đổ dồn về A-rập Xê-út liên quan vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại, Mỹ đang phải thận trọng cân nhắc và có những tính toán kỹ lưỡng trong việc ứng xử với các đồng minh ở khu vực, trong đó có A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Washington đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và phải chật vật tìm cách gỡ “mớ bòng bong” nhằm bảo đảm những lợi ích chiến lược của mình ở khu vực Trung Đông vốn có vị trí địa - chính trị quan trọng.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38038002-the-kho.html