Thế khó của Nga

Sự cố xảy ra với chiếc máy bay do thám Il-20 của Nga hồi đầu tuần này phần nào hé lộ thế khó của Nga tại Syria, một phần do cục diện phức tạp tại khu vực, một phần do chính tính toán của Nga.

Chiếc Il-20 bị Phòng không Syria bắn hạ ở vị trí cách bờ biển nước này 35 km, khiến tất cả 15 thành viên phi hành đoàn tử nạn. Bộ Quốc phòng Nga nặng lời tố Israel có "hành động thù địch" bởi lúc xảy ra sự cố, Phòng không Syria đang đáp trả các cuộc không kích của Israel.

Tuy nhiên, không lâu sau đe dọa đáp trả của bộ này, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng xoa dịu căng thẳng và cho rằng đó là "hậu quả của một chuỗi tình huống bi kịch". Ông chủ Điện Kremlin không quên nhắc lại vụ máy bay Nga bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào cuối năm 2015, kèm theo giải thích: "Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khai hỏa".

Theo kênh Al Jazeera, phát biểu của ông Putin cho thấy ông không muốn tình hình leo thang thêm nữa. Bà Margarete Klein, chuyên gia về Nga tại Viện Các vấn đề an ninh quốc tế (Đức), nhận định với đài DW rằng ông Putin tháo ngòi nổ vì "muốn duy trì vị trí độc nhất vô nhị của Nga, tức có khả năng đàm phán với gần như tất cả các bên đối lập trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, Israel và Iran". Đó là chưa kể Moscow và Tel Aviv có cùng lợi ích trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.

Phái đoàn quân sự Israel họp với phía Nga ở Moscow hôm 20-9 về vụ máy bay Nga bị bắn rơi Ảnh: IDF

Phái đoàn quân sự Israel họp với phía Nga ở Moscow hôm 20-9 về vụ máy bay Nga bị bắn rơi Ảnh: IDF

Dù cùng nhau hỗ trợ chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad song Nga xem Iran là một mối đe dọa. "Đó là lý do Nga không chỉ trích hay ngăn cản các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria" - bà Klein nhấn mạnh.

Ông Putin không muốn làm xấu đi quan hệ với Israel nhưng "nếu binh lính Nga chịu thiệt hại trong các cuộc không kích của Israel, Moscow sẽ không bỏ qua", theo ông Yossi Mekelberg, chuyên gia về Israel tại Trường ĐH Regents (Anh). Điều này có thể đồng nghĩa với việc Israel không còn có thể thoải mái ra vào không phận Syria không kích - như họ từng thực hiện khoảng 200 cuộc như thế trong 2 năm gần đây (thông tin cho chính giới chức Israel công bố hồi đầu tháng 9).

Theo báo Haaretz, Nga có thể yêu cầu Israel thông báo sớm hơn trước khi không kích hoặc lập vùng cấm bay đối với nước này gần các căn cứ của Nga ở phía Bắc Syria. Một biện pháp khác là cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại hơn cho quân đội của ông Assad. Nhưng làm vậy, theo ông Mekelberg, sẽ khiến Israel "khó chịu" và hệ quả mà Nga không mong muốn là tình hình sẽ căng thẳng hơn.

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/the-kho-cua-nga-20180922222106196.htm