Thế khó của Fed: Giảm tốc độ tăng lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát quay trở lại

Fed được cho là muốn tránh việc nâng lãi suất quá ít khiến lạm phát tăng trở lại, trong khi việc nâng lãi suất quá nhiều có thể khiến nền kinh tế suy thoái không cần thiết.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông không muốn áp dụng một chính sách quá chặt (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông không muốn áp dụng một chính sách quá chặt (Ảnh: Reuters)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất với nhịp độ nhanh nhất kể từ thập kỷ 80, bao gồm 4 cuộc họp liên tục nâng lãi suất với mức 0,75%, để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước nói rằng cơ quan này sẵn sàng giảm tốc độ nâng lãi suất trong cuộc họp tổ chức từ ngày 13 - 14/12/2022.

Mức nâng lãi suất 0,5% sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed.

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng sức ép giá sẽ giảm đáng kể trong năm tới, nhưng đà tăng trưởng lương hoặc lạm phát ở mức cao hơn trong lĩnh vực dịch vụ cần nhiều lao động của nền kinh tế có thể khiến họ phải nâng lãi suất cơ bản lên hơn 5% - mức mà các nhà đầu tư đang kỳ vọng – trong năm 2023.

Fed muốn tránh khỏi việc nâng lãi suất quá ít khiến lạm phát tăng trở lại, hoặc nâng lãi suất quá nhiều và gây ra những đau đớn không cần thiết cho nền kinh tế, theo Wall Street Journal.

Nếu Fed tăng lãi suất thêm 0,5% như dự kiến, mức lãi suất cơ bản sẽ dao động từ 4,25%-4,5%/năm - cao nhất kể từ tháng 12/2007.

Chỉ số mà Fed ưa dùng để đo lạm phát, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đã tăng 6% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của Fed là giảm lạm phát xuống 2%.

Giới chức Fed sẽ tiếp tục nhận được dữ liệu mới về lạm phát vào ngày 13/12, ngày đầu tiên trong cuộc họp 2 ngày của họ, thời điểm mà Bộ Lao động công bố chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của tháng 11. Những tín hiệu về sức ép giá mạnh mẽ có thể khiến nhiều quan chức Fed cân nhắc về việc nâng lãi suất thêm 0,5% trong các cuộc họp liên tiếp trong tháng này và tháng 2 năm sau.

Giới chức Fed có thể đưa ra tín hiệu tăng lãi suất mạnh hơn trong những báo cáo kinh tế theo quý của họ, được công bố sau cuộc họp sắp tới. Điều này có thể cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng lãi suất với mức tăng ít nhất là 1/4 điểm cho đến khi họ nhận được tín hiệu rõ ràng rằng thị trường lao động đã giảm nhiệt.

Hầu hết giới chức Fed hồi tháng 9/2022 đã đưa ra mức lãi suất tối ưu sẽ ở trong khoảng 4,5%-5% trong năm 2023. Song, nhiều người trong số họ đã thay đổi mục tiêu, từ mức 4,75%-5,25%.

“Nhu cầu lao động cao hơn, nhu cầu trong nền kinh tế cao hơn so với tôi từng từng nghĩ, và lạm phát cao hơn cho thấy lãi suất sẽ phải tăng cao hơn so với dự kiến được đưa ra vào tháng 9,” Chủ tịch Fed New York John Williams, cố vấn cấp cao của ông Powell, nói. “Không phải thay đổi quá nhiều, nhưng sẽ cao hơn.”

Giới chức Fed có khả năng sẽ thảo luận về mức nâng lãi suất mà họ sẽ áp dụng trong tháng 2/2023. Nếu lạm phát chậm lại nhưng thị trường lao động vẫn quá khỏe mạnh, họ có thể sẽ bị chia rẽ trong vấn đề này.

Một số quan chức có thể ủng hộ việc tiếp tục áp dụng mức nâng lãi suất nửa điểm trong tháng 2 bởi họ nhận thấy rủi ro lớn hơn, đó là lạm phát không giảm đủ trong năm tới. Không có tín hiệu nhu cầu lao động chậm lại, họ lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại.

Số còn lại coi lạm phát bắt nguồn chủ yếu từ những nút thắt cổ chai nguồn cung và thị trường nhà ở quá “nóng”. Họ cho rằng khi các hoạt động giảm nhiệt và các vấn đề về chuỗi cung ứng được xoa dịu, lạm phát sẽ nhanh chóng giảm và gần đạt mức 2% trong năm tới, và họ có thể muốn áp dụng mức nâng lãi suất 1/4 điểm trong tháng 2.

Ông Powell nói rằng rất khó để đưa ra nhận định về mức nâng lãi suất cần thiết để làm chậm lại nền kinh tế, do những khó khăn trong việc dự báo lạm phát giai đoạn hậu đại dịch, những nút thắt cổ chai cung ứng và sự thay đổi trong nhu cầu.

“Chúng tôi đưa ra nhiều kịch bản có thể xảy ra, nhưng chúng tôi cũng có thể sai,” ông phát biểu tại Viện Brookings trong tuần trước. “Chúng ta phải chờ xem.”

Chủ tịch Fed đưa ra 2 chiến lược có thể áp dụng. Một là nhanh chóng nâng lãi suất cơ bản lên trên 5%, mà phần lớn các thị trường tài chính dự đoán, và sau đó giảm nó ngay lập tức nếu như nhận thấy rằng nó ở mức quá cao. Chiến lược còn lại là “đi chậm hơn và cảm nhận từng chút một xem đó có phải mức mà chúng ta cho là đúng hay không” và sau đó “duy trì ở mức cao lâu hơn mà không nới lỏng quá nhanh.”

Ông Powell cho hay ông muốn áp dụng chiến lược thứ hai hơn. “Chúng tôi sẽ không chỉ nâng lãi suất và cố gắng làm vỡ vụn nền kinh tế, sau đó dọn dẹp hậu quả. Tôi sẽ không theo hướng tiếp cận đó,” ông nói.

Thị trường lao động vẫn là nguồn gây quan ngại lớn, bởi giới chức Fed lo rằng tình trạng giá cả gia tăng sẽ còn tiếp diễn do đà tăng trưởng thu nhập và nhu cầu lao động vẫn cao.

Điều này rất khó giải quyết, bởi kể cả các ông chủ thuê nhân công và người lao động kỳ vọng rằng lạm phát sẽ kéo dài trong vài năm tới, nhưng người lao động vẫn có thể yêu cầu và nhận được mức nâng lương cao hơn, từ đó khiến cho giá cả tăng./.

Theo Wall Street Journal

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/the-kho-cua-fed-giam-toc-do-tang-lai-suat-qua-som-co-the-khien-lam-phat-quay-tro-lai-post162372.html