The Irishman: Tuyệt phẩm của những huyền thoại, át chủ bài của Netflix trên đường đua Oscar 2020

The Irishman do Netflix sản xuất là một câu chuyện thăng trầm về đời người, một nước Mỹ đầy biến động theo dòng chảy thời gian.

The Irishman (Người đàn ông Ireland) được đánh giá là con át chủ bài của Netflixtrên đường đua Oscar 2020, có điểm IMDb là 8.7, đạt 96% trên Rotten Tomatoes; khán giả và giới chuyên môn đều hết lời khen ngợi tác phẩm tâm huyết của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese. Bối cảnh phim mang tính lịch sử về Hoa Kỳ những năm cuối thế kỷ 20, tái hiện cuộc chiến chính trị khốc liệt, vũ đài của những “ông lớn” từ khắp mọi miền trên thế giới tụ tập tại nước Mỹ để thực hiện giấc mơ và chôn vùi nó nơi đỉnh cao danh vọng cùng nỗi cô đơn.

Từ câu chuyện anh thợ “sơn nhà” đến thế giới ngầm của hội quý ông

Kịch bản được xây dựng dựa theo cuốn tiểu thuyết I Heard You Paint Houses (Nghe nói anh sơn nhà) do Charles Brandt sáng tác với nội dung xoay quanh lời kể của anh thợ “sơn nhà” Frank Sheeran, có mật danh The Irishman. Frank cũng như bao người đàn ông khác làm việc để kiếm tiền mưu sinh, nuôi gia đình nhưng cái nghề của ông rất đặc biệt, đó là “thợ sơn”, một thuật ngữ chỉ về hành động giết người mà máu nạn nhân sẽ bắn trên tường loang lổ một màu đỏ quỷ dị.

Frank làm việc cho băng đảng Buffalino với ông trùm Russell khét tiếng; hai anh tài cùng hợp tác với nhau, dấn thân vào đấu trường chính trị để “hô mưa gọi gió” và làm nên lịch sử. Cuộc đời của Frank Sheeran diễn ra trong hơn 210 phút, lắng đọng, đầy ám ảnh với những phi vụ sát hại; toan tính, mưu mô cùng đau thương, mất mát để đổi lấy tiền tài, danh vọng và chút bình yên nhỏ nhoi đến lúc cuối đời.

The Irishman (2019)

Xã hội Mỹ những năm thập niên 60 và 70 là nơi những kẻ “tai to mặt lớn” bàn chuyện theo đuổi đam mê, giấc mơ Mỹ; các băng đảng thanh trừng lẫn nhau, chính trị gia thì bày mưu tính kế. Cuộc sống của phái mạnh chính là bạo lực, thể hiện uy quyền và truy sát đối thủ; trong thế sự hỗn loạn đó người chiến thắng chưa chắc được tồn tại, sống sốt lâu dài trên ngai vàng. Dòng đời biến đổi và các “anh lớn” không biết mình sẽ bị ám sát, chết bất cứ lúc nào như cố tổng thống Kennedy hay ông Jimmy Hoffa.

The Irishman có thời lượng rất dài, bàn về chính trị, tâm lý xã hội nên rất kén người xem, phải là những người từng trải mới thấu hiểu được sự đời đầy thâm thúy sâu cay mà phim muốn truyền tải. Phim tựa như một cuốn phim tài liệu có lối kể chậm rãi, êm đềm và nhè nhẹ đi sâu vào lòng người, “ám” khán giả qua các tình tiết kịch tính, giật gân về thế giới ngầm, góc khuất trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên phim không u ám hay nặng nề mà bình yên, gần gũi và có chút gì đó hài hước một cách kỳ lạ để những ai thưởng thức “món ăn tinh thần” của đầu bếp Martin Scorsese sẽ cảm thấy ám ảnh, day dứt về hương vị độc đáo, khác biệt, cay nồng “vị đời” trong The Irishman.

Nhân vật, sự kiện lịch sử có thật đã sống lại trong những thước phim nghệ thuật

Hầu hết các nhân vật trong phim đều được xây dựng dựa trên hình mẫu những người nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ. Tình tiết được khai thác theo các sự kiện đã từng xảy ra như: vụ ám sát tổng thống John Fitzgerald Kennedy, sự biến mất khó hiểu của nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Jimmy Hoffa…

Nhân vật chính Frank Sheeran ngoài đời là một tay giang hồ lão luyện có biệt danh The Irishman, đã từng là tài xế xe tải sau đó làm việc cho băng đảng tội phạm Bufalino và quan chức của liên đoàn lao động Mỹ. Năm 1980, Frank bị kết án tù 32 năm do tội tham nhũng, sau đó mức án giảm xuống còn 13 năm tù.

Frank Sheeran

Russell Bufalino

Jimmy Hoffa

Tri kỷ hợp tác kiêm “sếp” của Frank là Russell Bufalino, còn gọi là McGee hay Ông già; một trùm mafia người Mỹ gốc Ý, chủ gia đình tội phạm Bufalino, cai quản vùng Đông Bắc Pennsylvania. Còn Jimmy Hoffa đã từng làm lãnh đạo liên đoàn lao động, chủ tịch Teamster ở Mỹ từ 1957 đến 1971. Jimmy bị bắt vì có liên quan đến tội lừa đảo, hối lộ với mức án 13 năm tù, rồi chạy án và được thả sau 4 năm giam giữ. Trong thời kỳ hoạt động, Jimmy từng dính líu đến các băng đảng xã hội đen và được cho là bị tổ chức tội phạm trừ khử, dẫn đến sự mất tích bí ẩn vào tháng 7/1975. Năm 1982, Jimmy được tuyên bố đã chết dù không tìm thấy xác.

Họ là những con người có thật, gây nên phong ba bão táp cho nền chính trị, kinh tế Mỹ. Từ chính đến phụ, mỗi nhân vật đều được phác họa đúng với lịch sử đan xen với sự hư cấu, hai yếu tố đó hài hòa với nhau một cách tài tình, hợp lý để tạo nên phong cách, đặc trưng riêng đầy mê hoặc. Chất Mỹ, sự hoang dã, tự do thấm nhuần trong suy nghĩ, hành động, trong từng bộ trang phục, lời thoại của mỗi nhân vật. Màu phim lạnh nhưng không gợi lên sự đen tối, hoang sơ đìu hiu từ những kiếp người tồn tại trong tội ác và quyền lực; không gợi lên sự sợ hãi ghê rợn với phân cảnh bạo lực đẫm máu mà sự nguy hiểm ẩn hiện trong biểu cảm, suy tính của hội tay sai sát thủ và uy quyền, tham vọng của “ông trùm”.

The Irishman mang đậm chất điện ảnh cổ điển, mang hồi ức lịch sử hòa theo bài ca du dương, da diết về mảnh đất có chiếc xe cổ, bộ vest lịch lãm đang mải mê theo đuổi hành trình danh vọng để biến giấc mộng thành hiện thực. Trong chất tự sự, cuộc đối thoại dài bất tận là nỗi băn khoăn, khao khát thể hiện cái tôi vĩ đại của cánh mày râu, dẫu thành công phải đánh đổi, trả một cái giá đắt đỏ, hy sinh hạnh phúc cá nhân, thậm chí là mất mạng.

Như Frank Sheeran, cuộc đời ông nếm trủ đủ đắng cay, có chông gai và hoa hồng đỏ rực trên bước đường vinh quang nhưng ông đã đánh mất gia đình, tình yêu thương của cô con gái Peggy, mất đi cảm xúc đơn thuần của con người, đó là đau đớn, là hối tiếc, ân hận để lúc cuối đời ông chỉ là một cái bóng lẻ loi, cô đơn nhìn bằng hữu vì bệnh tật mà chết dần chết mòn trong tù.

Bộ phim của những huyền thoại, của những tên tuổi vĩ đại

Trong kỷ nguyên thống trị của kỹ xảo, các siêu anh hùng thì Martin Scorsese vẫn miệt mài, kiên trì theo đuổi dòng phim chính kịch đậm chất hoài cổ. Phim của ông không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần mà còn ẩn chứa giá trị điện ảnh ý nghĩa, mang tính hàn lâm với những triết lý về thời đại và con người. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong The Irishman, đánh dấu những tiền bối, tên tuổi lão làng điện ảnh thế giới đã trở lại.

Martin Scorsese đã làm một điều không tưởng khi tập hợp ba ngôi sao lão làng là: Robert de Niro, Al Pacino và Joe Pesci. Ba cụ già đã ngấp nghé ở tuổi 80 nhưng đã thể hiện được sức mạnh, sự dày dặn kinh nghiệm diễn xuất khi lột tả xuất sắc, “thổi hồn” cho mỗi nhân vật. Đó là một Frank Sheeran lạnh lùng, quyết đoán của Robert de Niro, Russell Bufalino thâm sâu, khôn khéo của Joe Pesci và Jimmy Hoffa nóng giận, quỷ quyệt của Al Pacino; diễn xuất của ba “bố già” đã lay động lòng người, họ thể hiện được sự từng trải, thấu hiểu cảm nhận mọi ngóc ngách trong tâm lý con người từ khi trưởng thành đến lúc ra đi, từ biệt cõi đời.

Trong kỹ thuật CGI, trẻ hóa các ông già và góc quay cắt cảnh tốc độ cao là lối diễn bằng mắt cùng biểu cảm gương mặt đa dạng, tự nhiên mà ma mị của Robert de Niro, Joe Pesci và Al Pacino để miêu tả đầy chân thực chiều sâu tâm lý nhân vật.

Họ cùng với đạo diễn Martin Scorsese và dàn diễn viên chất lượng đã cùng nhau kết hợp ăn ý để tạo nên một siêu phẩm mang tên The Irishman. Một bộ phim mà bạn có thể sẽ ngại xem nhưng khi đã chìm đắm trong thế giới của các “bố già” bạn sẽ bị “câu dẫn” và sống chậm lại để nhìn nhận về cuộc đời dài đằng đẵng này.

Trailer The Irishman

Vô Diện

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/the-irishman-at-chu-bai-cua-netflix-tren-duong-dua-oscar-2020-6556411.html