Thể hiện rõ tính chất của 'lực lượng tham gia hỗ trợ'!

Bộ Công an đang đề xuất xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách hiện nay.

Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện

Theo cơ quan soạn thảo, bảo vệ dân phố, dân phòng, CA xã bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn.

Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Hiện, trong cả nước đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên; 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên. Toàn quốc cũng có 126.084 CA xã, thị trấn không phải là CA chính quy đã kết thúc vụ CA xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã.

Tờ trình của Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 6 chương, 36 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, có chức năng triển khai các yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự theo chỉ đạo, hướng dẫn của CQCA có thẩm quyền.

Về tiêu chuẩn, Dự luật qui định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ các tiêu chuẩn dưới đây thì được xem xét, tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nơi mình cư trú: Có trình độ học vấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an; Bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú; Có đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; Có nơi cư trú ổn định tại địa bàn nơi tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự; không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính; Có đơn tự nguyện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thể hiện rõ là “lực lượng tham gia hỗ trợ”!

Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn chịu sự lãnh đạo, điều hành, quản lý về tổ chức và chỉ đạo chung về công tác của Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự và tham gia phối hợp cùng CA xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng và lực lượng bảo vệ cơ quan, DN đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn: Phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn theo chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, phường, thị trấn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, CA xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của CA xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền địa phương.

Theo Dự luật, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, CA xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thống nhất thành 1 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự và được bố trí ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn.

Việc bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân. Cụ thể, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có chức năng triển khai các yêu cầu công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự theo chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra của CQCA có thẩm quyền.

(Theo Điều 3, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/the-hien-ro-tinh-chat-cua-luc-luong-tham-gia-ho-tro-208206.html