Thế Hiển, người nhạc sĩ của những chuyến đi

Người ta biết đến ca nhạc sĩ Thế Hiển như là một nghệ sĩ dấn thân. Rất ít thấy bài hát nào của anh được viết đơn thuần chỉ bằng trí tưởng tượng trong một không gian riêng tư. Hầu hết là các sáng tác gắn liền với những chuyến đi thực tế của anh.

Nhạc sĩ Thế Hiển, Nhạc sĩ của những chuyến đi

Nhạc sĩ Thế Hiển, Nhạc sĩ của những chuyến đi

Trong bối cảnh những năm 80, các tác phẩm âm nhạc của miền Nam trước kia chưa được phép công khai trình diễn thì “Nhánh lan rừng” của Thế Hiển ra đời đã đáp ứng được sự mong đợi của công chúng say mê âm nhạc. “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người trên phố phường đông vui”. Lần đầu tiên sau nhiều năm, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng được khắc họa thật gần gũi, đời thường, lãng mạn mà vẫn toát lên được vẻ hào hùng, tinh thần lạc quan, yêu đời cùng với những mơ ước đơn sơ, giản dị.

Bài hát lập tức được công chúng đón nhận một cách cuồng nhiệt. Không chỉ trên sân khấu, trên các phương tiện truyền thông mà hầu như đó là câu hát nghêu ngao cửa miệng của mọi người không phân biệt trẻ già trai gái vào những năm đó. “Nhánh lan rừng” là một dấu son đã khắc ghi tên tuổi của nhạc sĩ Thế Hiển trong sự nghiệp âm nhạc của ông, trong nền âm nhạc nước nhà và trong lòng công chúng.

Từ “Nhánh lan rừng”, người ta biết đến Thế Hiển như là một nhạc sĩ của những chuyến đi. Rất ít thấy bài hát nào của anh được viết đơn thuần chỉ bằng trí tưởng tượng trong một không gian riêng tư. Hầu hết là các sáng tác gắn liền với những chuyến đi thực tế của anh. Những chuyến đi đã mang đến cho anh cảm hứng sáng tác bằng chính sự cảm nhận rất thật, toát ra từ trái tim biết yêu thương san sẻ, biết trăn trở và cảm thông với con người, vùng đất nơi anh đã đến và trải nghiệm.

Đó là chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận 479 trên đất nước Campuchia. Nơi Thế Hiển đã nhìn thấy những nhánh lan rừng treo chênh vênh bên vách núi ven cánh rừng Siem Reap, đã nghe tâm sự của chàng lính trẻ với ước mơ giản dị sẽ mang nhánh lan rừng về tặng người yêu trong một ngày thành phố vào xuân.

Rừng đã cho anh một “Nhánh lan rừng” sống mãi với thời gian. Nhưng biển đảo mới làm nên nguồn cảm hứng bền bỉ bất tận của Thế Hiển.

Một lần ra đảo, cầm cái vỏ ốc của một anh chiến sĩ Đảo Đá Tây Trường Sa trao tặng, Thế Hiển nâng niu áp nó vào tai. Những âm thanh phát ra từ con ốc biển cùng với cây đàn guitar đã cho ra đời ca khúc “Vỏ ốc biển”: “Trường Sa đảo xa nơi đây anh vẫn cùng đồng đội. Canh giữ biển trời giữa sóng gió trùng khơi. Những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển/ Ôi Tổ quốc thiêng liêng…”

Kể về bài hát “Hát về anh người chiến sĩ biên cương”, nhạc sĩ cho biết, trong một chuyến đi biên giới Quảng Ninh. Trên đường hướng về quân khu Đông Bắc, anh bắt gặp những đoàn quân ra trận. Trong màn bụi đỏ khổng lồ bao trùm, anh vẫn nhận ra những nụ cười lấp lánh, ẩn hiện của các anh lính trẻ. Đêm đó, anh không ngủ được vì lạnh, nhìn người chiến sĩ lặng lẽ đứng gác như đang canh giấc cho mình, anh trở dậy: “Một ba lô, cây súng trên vai. Người chiến sĩ quen với gian lao. Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ. Nặng tình quê hương, canh giữ trên miền đất Mẹ…”, giai điệu bài hát bật ra. Chuyến đi kết thúc, anh trở về vào những ngày giáp tết, “Hát về anh người chiến sĩ biên cương” lập tức phủ sóng khắp các tụ điểm ca nhạc của thành phố và trên làn sóng đài phát thanh.

Nhạc sĩ Thế Hiển với những chuyến đi biển, đảo

Với Thế Hiển, biển đảo như một thứ ma lực hấp dẫn, cuốn hút, thậm chí ám ảnh anh trong những cuộc hành trình. Nhưng những chuyến lên rừng xuống biển vẫn không làm anh quên lãng bao nhiêu mãnh đời bất hạnh, cơ cực quanh mình. Những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ ngày vất vả kiếm ăn trên đường phố, đêm co ro ở một góc vỉa hè đã dội vào trái tim anh lòng trắc ẩn, để cho ra đời ca khúc “Dấu chấm hỏi”. Anh còn thực hiện nhiều chương trình ca nhạc nhằm thực hiện mong muốn đóng góp vào quỹ từ thiện của các tỉnh - thành nơi anh đã đi qua. Ngoài hoạt động âm nhạc, Thế Hiển còn là ủy viên ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM với nhiều hoạt động giúp đỡ thiết thực cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh, sinh viên, trẻ em nghèo…

Ca khúc Về thăm xứ Huế

Về các ca khúc phổ thơ, Thế Hiển cho biết, phổ thơ không phải là “cái tạng” của anh. Nhưng vừa qua, anh đã phá lệ và khá thành công với những giai điệu tình cảm, tha thiết khi phổ nhạc cho bài thơ “Về thăm xứ Huế” của Đ/C Trương Hòa Bình: “Về thăm xứ Huế mộng mơ, sông Hương núi Ngự, Linh Mụ vọng tiếng chuông ngân. Thăm thẳm núi cao đây bạch mã. Xanh xanh điệp trùng kìa Trường Sơn…”. Bài thơ ca ngợi miền đất cố đô, trầm mặc, thơ mộng và kiên cường. Hy vọng khi được phổ biến, “Về thăm xứ Huế” cũng sẽ được công chúng đón nhận, góp vào gia tài âm nhạc của Thế Hiển thêm một ca khúc hay.

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Thế Hiển đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam” của Bộ Tư lệnh Hải quân, danh hiệu NSƯT, Huân Chương Lao động hạng Ba… bên cạnh những tặng thưởng, bằng khen, giấy khen.

Cuối năm 2020, nhạc sĩ Thế Hiển đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh với giải thưởng Hoa tre - Biểu tượng của cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam. Và mới đây, Ngày 26/3 chào mừng 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” (26/3/1931– 26/3/2021), Thế Hiển tiếp tục được trao giải A “Cuộc vận động sáng tác chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS”.

66 tuổi, với nhiều người, đây là thời gian dừng lại, nghỉ ngơi, chiêm nghiệm và hưởng thụ. Nhưng với nhạc sĩ Thế Hiển, những chuyến đi đầy lửa đam mê và nhiệt huyết vẫn còn đang ở phía trước. Anh vẫn sẽ còn ôm đàn ngồi hát, biến những giai điệu thành nhịp cầu nối liền tiền tuyến hậu phương, nối liền những tấm lòng hảo tâm với những số phận không may. “Đó là một cuộc hành trình không có ngày kết thúc”, anh nói.

Ngô Thị Thu Vân

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/the-hien-nguoi-nhac-si-cua-nhung-chuyen-di-79962.html