Thể hiện không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, Đảng viên

Ban Bí thư vừa thi hành kỷ luật với ông Phạm Văn Vọng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng do có nhiều vi phạm, khuyết điểm.

Ông Nguyễn Túc. Ảnh: XUÂN HẢI

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 18.12 về vấn đề này, ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam - nhấn mạnh: Việc Trung ương cương quyết xử lý cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, làm mạnh từ Trung ương và bắt đầu làm mạnh tới các địa phương, thể hiện không có vùng cấm trong xử lý cán bộ đảng viên vi phạm đã lấy được niềm tin của dân vào Đảng.

Có nơi ông bí thư như “ông vua con”

Tôi mới đi một số địa phương và thấy rằng nhân dân rất đồng tình với đảng trong việc quyết liệt xử lý cán bộ đảng viên vi phạm, cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Từ đó, người dân bắt đầu phục hồi lại niềm tin vào đảng, người dân rất đồng tình, hoan nghênh và ủng hộ việc làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Qua sự việc trên tôi thấy rằng, trong một thời gian chúng ta nói là phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm vừa qua chúng ta còn coi nhẹ. Mà cơ chế thị trường dễ khiến người cán bộ “lung lay” một cách ghê gớm. Do vậy, tôi đề nghị Trung ương quan tâm hơn nữa tới định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình chỉ đạo.

Bên cạnh đó, việc sinh hoạt nội bộ đảng trong thời gian vừa qua tôi cho rằng có vấn đề cần nhìn nhận lại. Đó là việc sinh hoạt chi bộ đảng còn nặng về tâng bốc nhau, nhẹ về phần kiểm điểm, góp ý phê bình. Ngoài ra, vấn đề tập trung dân chủ trong đảng, trong sinh hoạt đảng không được thực hiện tốt, nên ở một số nơi ông bí thư giống như một “ông vua con”, thành ra những anh em khác, tuy trong thường vụ nhưng đôi khi cũng không dám phát biểu ý kiến của mình. Từ đó, dẫn tới việc đấu tranh trong đảng chưa được mạnh.

- Có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua có nhiều cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật nguyên nhân có thể là do công tác tổ chức cán bộ chưa tốt thưa ông?

Đúng vậy. Thời xưa khi chúng tôi được đảng giao nhiệm vụ là để cống hiến, nhưng bây giờ không ít cán bộ có chức quyền có tư tưởng lệch lạc, chưa cống hiến đã đòi hưởng thụ. Tuy nhiên, vừa rồi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã uốn nắn việc này và được nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, đối với công tác tổ chức cán bộ tôi vẫn đề nghị với Trung ương, khi bổ nhiệm cán bộ cần phải xác định, thẩm tra đến nơi, đến chốn khi giao trách nhiệm cho một đồng chí nào đó.

Thời gian qua công tác tổ chức cán bộ của chúng ta có sự buông lỏng, dẫn đến tình hình tham nhũng lúc đầu chỉ là “một số” rồi lên tới “một bộ phận” rồi lên tới “một phận không nhỏ” như ngày nay. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần phải kiên trì, kiên quyết và làm tới nơi, tới chốn. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh hệ thống chính trị của chúng ta thời gian vừa đứng đầu là Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp đến là bên Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội… vào cuộc khá nhịp nhàng tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự gắn kết của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tôi nhấn mạnh, cuộc đấu tranh này còn hết sức gay go và phức tạp do đó không thể bị buông lỏng. Tôi thấy rằng, vừa rồi Trung ương cương quyết xử lý cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, làm mạnh từ Trung ương và bắt đầu làm mạnh tới các địa phương, thể hiện không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, do vậy đã lấy được niềm tin của dân vào đảng, có dân là có tất cả.

Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng không đúng phẩm chất đạo đức

- Vậy theo ông làm sao để lựa chọn cán bộ được tốt hơn?

Về công tác tổ chức cán bộ, ngày xưa Bác Hồ đã viết trong cuốn Sửa đổi lối làm việc là phải thẩm tra qua dân, hỏi dân, xin ý kiến nhân dân. Vừa rồi công tác tổ chức cán bộ tôi thấy chúng ta chỉ thẩm tra qua cấp ủy và không ít các đồng chí làm công tác tổ chức cán bộ rơi vào “cái bẫy quan tham” nên dẫn tới tình hình như hiện nay.

Ví dụ như, ở Quảng Nam, bố làm lãnh đạo tỉnh đưa con trai lên làm giám đốc sở, hay như ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh đưa một cô tạp vụ lên thành Trưởng phòng, quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở rồi Đảng ủy, đủ mọi thứ. Do vậy, tôi thấy rằng công tác lựa chọn cán bộ, không chỉ dựa vào cấp ủy, dựa vào ban tổ chức các cấp mà phải dựa vào các tầng lớp nhân dân. Mà các tầng lớp nhân dân thì có thể kiểm tra thông qua các tổ chức chính trị xã hội, lựa chọn.

- Tức là phải quan tâm hơn nữa đến cơ chế giám sát cán bộ đảng viên thưa ông?

Đúng vậy. Cần đẩy mạnh cơ chế dân chủ trong công tác cán bộ và phải khắc phục câu nói đang lan truyền trong dân: Thứ 1 là tiền tệ, thứ 2 là hậu duệ, thứ 3 là quan hệ, thứ 4 rồi mới đến trí tuệ. Không phải những câu nói trong dân là không có căn cứ, nó thực chất đã thể hiện rõ trong một loạt trường hợp mà chúng ta đã xử lý kỷ luật.

Do vậy, cần phải đẩy mạnh việc phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt chi bộ, phải nhận rõ phê bình, kiểm điểm là để giúp đỡ nhau tiến bộ để tránh tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng không đúng phẩm chất đạo đức như thời gian qua.

Tôi thấy rằng cuộc đấu tranh trong nội bộ, đấu tranh chống tham nhũng hay còn gọi là “nội xâm” không đơn giản, do vậy cần phải có những bước đi phù hợp và làm quyết liệt để lấy lại niềm tin của nhân dân vào đảng, góp phần làm trong sạch Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/the-hien-khong-co-vung-cam-trong-xu-ly-can-bo-dang-vien-582053.ldo