Thế hệ trẻ Việt ngày càng lười yêu, ngại tương tác

Người trẻ lười yêu xuất phát từ nhiều lý do. Tình trạng ngại giao tiếp, hài lòng với cuộc sống độc thân ngày càng phổ biến.

Trong góc cà phê quen thuộc, B.L đang dán mắt vào màn hình máy tính, đôi lúc cầm điện thoại kiểm tra tin nhắn. Thỉnh thoảng, B.L cau mày, di chuyển người trên chiếc ghế khi nghe tiếng ồn trò chuyện từ những bàn xung quanh.

"Người yêu? Tôi không có và cũng không muốn có", B.L nhìn thẳng chúng tôi, khẽ cau mày, sau đó mỉm cười. Anh tiếp tục gõ bàn phím, thuần thục và nhanh nhẹn.

B.L, 24 tuổi, nhân viên văn phòng, quê Vĩnh Long, sinh sống và làm việc tại TP.HCM, là một thanh niên đẹp trai, cao 1,75 m nhưng chưa có người yêu.

"Tổn thương tình cảm ở tuổi mới lớn là nguyên nhân khiến tôi sống khép kín”, B.L gật gù, mí mắt chùng xuống. Giọng nói anh nhỏ dần. B.L tiếp tục gõ bàn phím máy tính.

Những câu chuyện như B.L đang ngày càng phổ biến. Các chuyên gia Việt Nam đang lo ngại giới trẻ Việt đi theo vết xe đổ của Nhật Bản nơi có thế hệ thanh niên lười yêu, ngại kết hôn và hài lòng với cuộc sống độc thân.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, việc ngại yêu, ngại kết hôn của giới trẻ xuất phát từ định hướng giá trị bản thân.

"Khi bản thân chọn lựa các giá trị sống hướng về chính mình, hướng đến sự thoải mái thì chắc chắn việc ngại yêu, ngại kết hôn là điều có thể xảy ra", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ với Zing.vn.

"Cuộc tọa đàm của chúng tôi với 351 bạn trẻ vào cuối năm 2016 cho thấy tỷ lệ phân vân và không muốn kết hôn đã lên đến 18%; tỷ lệ giới trẻ không muốn yêu hoặc ngại có thêm mối quan hệ nữa gần 10%...", ông Huỳnh Văn Sơn nói thêm.

Tình trạng ngại kết hôn của người trẻ Việt Nam được PGS. TS Huỳnh Văn Sơn đề cập đã xuất hiện từ lâu ở Nhật Bản, đất nước có cơ cấu dân số già, hệ lụy của việc ngại yêu và ngại kết hôn.

Một khảo sát trên 7.000 thanh niên Nhật độ tuổi từ 20-30 cho thấy có 40% số người độc thân không chủ động tìm kiếm quan hệ.

Họ nghĩ yêu đương rất phiền toái, việc đắm mình trong các thú vui của bản thân đáng được ưu tiên hơn nhiều.

Ở Việt Nam, tình trạng này chưa đáng báo động như Nhật Bản, nhưng việc ngại yêu của một số bạn trẻ được nhiều chuyên gia tâm lý bàn luận.

Trong hội thảo bàn về vấn đề Nâng cao chất lượng hôn nhân gia đình diễn ra tại Hà Nội năm 2017, PGS. TS Phạm Ngọc Trung, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Hà Nội, cho rằng hiện nay xuất hiện bộ phận giới trẻ chỉ thích sống một mình, không thích lấy vợ, lấy chồng.

"Đặc biệt có những thanh niên 20-30 tuổi tôn thờ lối sống độc thân, tự do, thoải mái, hoàn toàn sống theo ý thích của mình muốn làm gì thì làm. Thử nhìn lại xung quanh hàng xóm, trong gia đình, họ hàng, con cháu chúng ta đều có những người tuyên ngôn sống như vậy", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn trung bình ở cả nam và nữ đang tăng. Tuổi kết hôn trung bình của nam hiện là 26,2 và 23 đối với nữ, so với năm 2005, độ tuổi này là 25,4 và 22,8.

Một cuộc khảo sát bỏ túi Zing.vn thực hiện trên 100 người, chủ yếu là sinh viên, người mới đi làm trên địa bàn TP.HCM, cho thấy kết quả tương đối chênh lệch về việc ưu tiên các mối quan hệ trong xã hội.

Chỉ có 6% đối tượng trong bài khảo sát ưu tiên thời gian cho tình yêu, công việc là ưu tiên hàng đầu với 47%. Lý do ngại yêu được đưa ra nhiều nhất là Sợ gặp phiền phức khi bước vào mối quan hệ nghiêm túc (chiếm 35% trong số người được khảo sát).

Zing.vn đã liên hệ, trò chuyện trực tiếp với 20 bạn trẻ, phát hiện các nhân vật có câu chuyện điển hình cho những cá nhân ngại yêu trong xã hội.

Chuyện của B.L là trường hợp tiêu biểu của thế hệ trẻ cô đơn, ngại yêu và không thích xây dựng quan hệ nghiêm túc.

B.L lớn lên cùng những đứa trẻ ở nhà thờ gần nhà. Không có cơ hội chơi trò trốn tìm, những trò bắn bi, đánh trận trong trí nhớ của B.L là một mớ hỗn độn.

Lớn hơn chút nữa, ba mẹ đi làm, B.L đi học rồi về nhà, lủi thủi bên đống đồ chơi không người bên cạnh.

"Tôi không biết chia sẻ với ai, từ chuyện học hành đến những buồn vui trong cuộc sống". Tay B.L vân vê quai túi xách, ánh mắt nhìn xa xăm hướng ban công quán cà phê.

Dừng lại hồi lâu, B.L tiếp tục chia sẻ câu chuyện, ánh nhìn vẫn cứ xa xăm như ban đầu. Như bao người khác, B.L đã biết yêu, dù đó là rung động đầu đời của thanh niên mới lớn. Nhưng, tình yêu của tuổi 18 chỉ kéo dài... 3 tháng.

“Cô ấy cho rằng tôi trẻ con nên nói lời chia tay”, B.L cười khẽ, chuyển ánh mắt xuống ly cà phê trên bàn, tay mân mê ly nước trong vô thức. Ánh mắt anh không chuyển động, tay khẽ dừng trên ly nước uống dở. "Tôi không có can đảm, cũng có lẽ vì tôi quen rồi!".

Đã bao lâu B.L chưa có mối quan hệ yêu đương nghiêm túc? 1 tháng, 1 năm hay 2 năm... chính anh cũng không nhớ rõ.

Trường hợp của Huỳnh Thức (27 tuổi), nhân viên ngân hàng, sinh sống và làm việc tại TP.HCM, lại ngại yêu chỉ vì... không có thời gian.

Thức là đại diện tiêu biểu của một nhân viên văn phòng: Anh làm việc theo giờ hành chính, mỗi ngày có mặt ở công ty từ 7h30 đến 17h.

Buổi tối, anh không dành thời gian cho bạn bè, yêu đương mà lại đến phòng gym. Đúng 18h, Thức tắt tất cả mạng xã hội, theo đuổi đam mê thể hình.

"Mình muốn tập trung việc tập luyện thể hình, không bận tâm đến bất cứ thứ gì, kể cả tin nhắn trên mạng xã hội. Vì vậy, mình có rất ít bạn bè", Huỳnh Thức nói.

Hai ngày cuối tuần, Thức vẫn không có thời gian gặp gỡ bạn bè và hẹn hò. Thời gian rảnh, anh lại đến phòng gym. Đây là đam mê khiến anh giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc.

Khác với B.L, Thức cũng muốn yêu nhưng đó không là mục đích lớn nhất mà anh đeo đuổi. Anh muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thể hình nhiều hơn là một người sống hết mình với tình yêu.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, trường hợp ngại yêu như B.L và Huỳnh Thức không hiếm gặp. Điều này xuất hiện như sự diễn tiến của một xã hội mà con người đang muốn tôn trọng chính mình.

Tuy nhiên, suy nghĩ, lựa chọn này mang tính cá nhân nên bất kỳ sự phán xét nào cũng chưa thỏa đáng.

"Điều này vẫn cần nhìn nhận từ hệ lụy phát sinh: con người khi yêu thương chính mình thái quá, dễ mất cân bằng trong cuộc sống; cái tôi phát triển quá mạnh dẫn đến những ứng xử thiếu tính tương tác; con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo và dần đánh rơi các giá trị thật...", ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Chuyện của Văn Huy, 24 tuổi, chuyên viên công chứng, sinh sống làm việc tại TP.HCM, thì không có tình yêu đơn giản vì "tham công tiếc việc".

Chuyện tình yêu từ lâu bị anh bỏ quên lại được nhắc đến "một cách tình cờ và thú vị". "Bạn không nói chắc mình cũng không nhớ bao lâu rồi mình chưa yêu", Huy đưa tay lên gãi đầu, nhìn người bạn đối diện cười tít mắt.

Huy không ngại yêu, nhưng anh nói không muốn xây dựng mối quan hệ nghiêm túc vào lúc này. "Gần 3 năm nay mình chưa yêu ai, mối tình dài nhất trong quá khứ chỉ được 5 tháng. Mình quan niệm tình yêu phải đến từ hai phía, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm".

Đối với Huy, công việc là ưu tiên hàng đầu. Công việc hiện chưa ổn định, anh không nghĩ đến chuyện yêu. Một lý do khác, anh không đủ thời gian quan tâm đến việc để ý người khác giới.

Với Văn Huy, việc ở cơ quan đã đủ mệt mỏi, buổi tối anh muốn dành thời gian cho công việc và bạn bè.

Bà Vũ Nguyệt Ánh, CEO và Founder của dịch vụ mai mối hẹn hò cho biết chuyện giới trẻ "tham công tiếc việc" dẫn đến ngại yêu đang trở nên phổ biến.

"Họ quá bận rộn và áp lực với guồng quay công việc, say sưa trên hành trình khẳng định bản thân nên không ưu tiên dành thời gian để tìm kiếm “một nửa”, thậm chí dù chỉ là hẹn hò, yêu đương", bà Ánh khẳng định.

Ngoài ra, cuộc sống còn nhiều thứ đáng để trải nghiệm. Thế hệ trẻ muốn tận hưởng cuộc sống theo cách mà mình thích và thấy rất “lười” khi phải nghĩ đến việc phải hẹn hò?

"Yêu đương vướng vào nhiều thứ 'rắc rối' phát sinh. Chuỗi sự việc nối dài sau đó là kết hôn, sinh con, nuôi con, chăm sóc con… sẽ chấm dứt thanh xuân của họ vĩnh viễn. Họ đang muốn chơi nốt, tận hưởng nốt cuộc sống trước khi bước vào mối quan hệ nghiêm túc", bà Vũ Nguyệt Ánh bổ sung.

Cả B.L, Văn Huy chưa biết có nên yêu hay không vì bức tường tách biệt họ với những lời yêu quá lớn.

Còn Huỳnh Thức, anh nói "sẽ cố gắng làm điều đó trong tương lai". Tương lai ở đây là bao giờ? Một ngày, một tháng, hai tháng hay một năm? Chính anh cũng không xác định được, mông lung và đầy nghi vấn.

Một thế hệ trẻ lười yêu, nghe có vẻ hài hước, nhưng là sự thật! Họ không lười vận động, làm việc mà là lười yêu...

Trọng Huy - Bảo Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-he-tre-viet-ngay-cang-luoi-yeu-ngai-tuong-tac-post888275.html