Thế hệ 'rạch mặt' cuối cùng

Tục lệ rạch mặt từng phổ biến ở Nigeria trước lệnh cấm liên bang vào năm 2003. Những người mang vết sẹo đặc trưng trên mặt đang là thế hệ cuối cùng của tục lệ lâu đời này.

Tục rạch mặt từng phổ biến trên khắp Nigeria.

Những vết cứa sâu, thường ở hai bên má hoặc trán, được gia đình và cộng đồng khắc trên mặt trẻ em như một dấu vết nhận biết. Người Nigeria từng quan niệm vết cứa ấy chứa đựng những câu chuyện về nỗi đau, vẻ đẹp và sự tái sinh, theo BBC.

Tuy nhiên, tục lệ này đã không còn nữa kể từ khi luật liên bang cấm mọi hình thức cắt cứa trên cơ thể trẻ em vào năm 2003. Điều đó đồng nghĩa với việc những người mang vết sẹo trên mặt đang là thế hệ cuối cùng của tục lệ lâu đời này ở Nigeria.

Vết sẹo danh tính

Mười lăm vết sẹo trên khuôn mặt của Inaolaji Akeem là dấu hiệu thể hiện ông là người đến từ Vương quốc Owu ở bang Ogun, Tây Nam Nigeria. Ông tin vào sự linh thiêng của những vết sẹo và nghĩ rằng mọi người không nên cứa mặt chỉ để làm đẹp.

 Akeem có dòng dõi hoàng tộc, và điều đó được đánh dấu bằng những vết sẹo dài trên mặt. Ảnh: BBC.

Akeem có dòng dõi hoàng tộc, và điều đó được đánh dấu bằng những vết sẹo dài trên mặt. Ảnh: BBC.

Việc xác định danh tính một người thông qua các dấu vết trên khuôn mặt họ cũng diễn ra phổ biến ở miền Bắc Nigeria, đặc biệt với người Gobir ở bang Sokoto.

Trước đây, tổ tiên của ông Ibrahim Makkuwana, những người chăn thả gia súc, không có sẹo trên mặt. Tuy nhiên, khi di chuyển khắp nơi để tìm kiếm đất canh tác, "họ đã chiến đấu và chinh phục nhiều vùng đất", ông cho biết.

"Sau đó, họ quyết định tạo nên những dấu vết đặc biệt trên má, giống với dấu vết mà gia súc của họ có, điều này giúp họ xác định người thân của mình trong các trận chiến", ông Makkuwana kể.

Tuy nhiên, giữa những người Gobir cũng có các thông lệ khác biệt.

Những người có 6 vết sẹo trên má này và 7 vết sẹo trên má kia có cả cha lẫn mẹ là người hoàng tộc. Nhưng những người có 6 vết ở cả 2 bên thì chỉ có mẹ là người của hoàng gia.

Những người có một bên má mang 9 vết sẹo, còn má còn lại có 11 vết thì là con cái của người bán thịt. Trong khi những người có 5 và 6 vết sẹo ở 2 bên mang dòng dõi thợ săn.

Còn đối với ngư dân, họ có những vết sẹo kéo dài đến tai.

Vết sẹo tâm linh

Đối với dân tộc Yorubas và Igbos ở miền Nam Nigeria, một số vết sẹo còn tượng trưng cho sự sống và cái chết.

Nhiều người mẹ ở đây thường mất liên tiếp vài đứa con khi chúng còn nhỏ. Người Yoruba và Igbos cho rằng đó là cùng một đứa trẻ, đầu thai nhiều lần để làm khổ mẹ của chúng. Họ quan niệm rằng những đứa trẻ này đã được định sẵn số phận chết trước tuổi dậy thì và thuộc về một bầy quỷ sống trong những cây iroko và bao báp lớn.

Cư dân của dân tộc này sẽ khắc dấu lên mặt những đứa trẻ như vậy và tin rằng điều đó có thể khiến linh hồn của ma quỷ không thể nhận ra chúng, giúp chúng sống tiếp.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ca tử vong ở trẻ sơ sinh tại Nigeria được cho là do thiếu máu hồng cầu hình liềm, một chứng rối loạn di truyền phổ biến.

Bên cạnh việc bảo vệ trẻ em, đối với người dân nơi đây, những vết sẹo còn là để tưởng nhớ thành viên trong gia đình đã khuất.

Trước lệnh cấm năm 2003, trẻ con mới sinh ra ở các bộ lạc ở Nigeria thường được cha mẹ rạch những vết sẹo ở má. Ảnh: Ethioscoop.

Vết sẹo làm đẹp

Foluke Akinyemi có những vết sẹo từ khi còn là một đứa trẻ. Hai rãnh sâu trên đôi má của cô là "tác phẩm" của một người thợ cứa mặt tại địa phương.

"Cha tôi quyết định cứa mặt cho tôi một phần vì ông nghĩ nó đẹp. Nó làm tôi nổi bật và tôi biết ơn cha mẹ mình”, cô nói.

Câu chuyện của Akinyemi tương tự câu chuyện của Ramatu Ishyaku đến từ Bauchi, Đông Bắc Nigeria. Ishyaku cảm thấy tự hào về những vết rạch nhỏ như ria mép ở 2 bên miệng.

Khi còn là một cô gái, những dấu vết và hình xăm giống như râu ria rất phổ biến trong làng của cô. Vì vậy, Ishyaku và bạn bè quyết định đến tiệm cắt tóc địa phương để có được chúng.

Đối với nhiều phụ nữ ở một số bộ lạc Nigeria, việc rạch sẹo lên mặt là một cách để trở nên thu hút hơn. Ảnh: BBC.

Sự kết thúc của những vết sẹo

Khi chị gái sinh đôi của cô qua đời chỉ vài tuần sau khi sinh, Taiwo bị ốm và một thầy lang trong làng đã khuyên gia đình khắc dấu lên mặt Taiwo để cô không đi theo người chị song sinh của mình.

Sức khỏe của Taiwo tốt hơn sau vài ngày, nhưng điều đó không khiến cô yêu thích những vết hằn trên khuôn mặt mình.

"Nó làm cho bạn trông thật dị biệt. Tôi không muốn có bất kỳ dấu vết nào trên khuôn mặt của mình”, Taiwo nói.

Những vết sẹo thường được tạo ra bởi những người thợ cứa mặt hoặc thợ cắt tóc như anh Umar Wanzam qua lưỡi dao sắc bén. Anh Wanzam mô tả đó là một trải nghiệm đau đớn được thực hiện mà không có thuốc gây mê.

Anh anh Umar Wanzam và lưỡi dao dùng để thực hiện tục rạch mặt. Ảnh: BBC.

Đa số những người như ông Akeem, những người bị cứa mặt từ khi còn là trẻ em, đều đồng ý rằng việc ngừng tục lệ này là điều đúng đắn.

Ông đã không truyền lại tục lệ này cho con cái của mình ngay cả trước khi nó bị đặt ngoài vòng pháp luật.

“Tôi thích những vết sẹo, nhưng chúng đã thuộc về một thời đại khác”, ông nói.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuc-rach-mat-nigeria-post1320972.html