Thế hệ Quang Hải thống trị bóng đá Đông Nam Á

Vô địch AFF Cup 2018 không chỉ giúp tuyển Việt Nam bước lên đỉnh cao Đông Nam Á. Đó có thể còn là điểm khởi đầu cho một chu kỳ thống trị của bóng đá Việt Nam ở sân chơi khu vực.

Bàn thắng tuyệt đẹp của Anh Đức đã đưa tuyển Việt Nam tới chức vô địch AFF Cup 2018. Đó là khoảnh khắc mà cả triệu người hâm mộ đã chờ đợi, là lần thứ hai trong lịch sử, bóng đá Việt Nam ngự trị trên đỉnh cao Đông Nam Á. Từ Thường Châu tuyết trắng tới đêm Mỹ Đình rực lửa, bóng đá Việt Nam vẫn đang sống trong một giấc mơ chưa có hồi kết.

Đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo không chỉ vô địch, họ còn chiến thắng một cách thuyết phục và hứa hẹn mở ra một chu kỳ thống trị mới của bóng đá Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.

Sau 26 trận đấu kéo dài gần 1 tháng rưỡi, trải dài trên 10 quốc gia khắp Đông Nam Á, AFF Cup 2018 - giải vô địch Đông Nam Á phiên bản mở rộng lớn nhất, dài nhất, có thể thức phức tạp nhất trong lịch sử đã khép lại. Đội tuyển Việt Nam lần thứ hai bước lên ngôi vương, đồng thời trở thành đội tuyển giàu thành tích thứ ba trong lịch sử Đông Nam Á (sau Thái Lan và Singapore).

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã chiến đấu và chiến thắng theo cách thuyết phục nhất. Sau 8 trận, tuyển Việt Nam là hàng thủ mạnh nhất giải với chỉ 4 bàn thua. Trung bình 2 trận một lần, Văn Lâm mới phải vào lưới nhặt bóng. Hàng công tuyển Việt Nam mạnh thứ hai với 15 bàn, chỉ xếp sau Thái Lan (17 bàn) - đội tuyển mà 7 bàn đầu tiên được ghi trước Timor-Leste.

Quế Ngọc Hải và đồng đội là những người bất bại duy nhất. Đội bóng áo đỏ chỉ để hòa 2 trận, thắng tới 6 lần trên hành trình chinh phục ngôi vương. Đặng Văn Lâm không chỉ là thủ môn hay nhất mà còn phá kỷ lục giữ sạch lưới lâu nhất lịch sử với 405 phút, nhiều hơn một người Việt Nam khác là Trần Tiến Anh với 399 phút tại AFF Cup 1998.

7 tuyển thủ Việt Nam đã ghi bàn từ đầu giải, nhiều hơn tất cả đội bóng khác. HLV Park Hang-seo chứng minh mình không cần một Adisak Kraisorn để khiến các đối thủ khiếp sợ. Không có những chân sút như Lê Công Vinh và Lê Huỳnh Đức, hàng công áo đỏ vẫn làm nên chuyện bằng sự đa dạng và tỏa sáng tập thể.

Dù lấy phòng ngự làm lối chơi chủ đạo, đoàn quân của ông Park vẫn chỉ nhận 15 thẻ vàng, không một lần bị đuổi người. Ở bên kia chiến tuyến, Malaysia luôn tự hào với thứ bóng đá tấn công phóng khoáng đã nhận 19 thẻ vàng trong đó có 2 thẻ đỏ.

Trừ trận chung kết, tuyển Việt Nam luôn là đội dứt điểm nhiều hơn đối thủ bất chấp tỷ lệ kiểm soát bóng nghiêng về bên nào. Nghĩa là nguy hiểm hơn, hiệu quả và đáng sợ hơn.

Chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo tại AFF Cup 2018 là đoạn kết tất yếu cho một năm đẹp như mơ của bóng đá Việt Nam. Một năm ấy, U23 Việt Nam vào tới chung kết U23 châu Á, Olympic Việt Nam có mặt ở bán kết ASIAD, chỉ chịu thua nhà vô địch Hàn Quốc.

Thành tích ấy, không đội tuyển nào ở Đông Nam Á làm được. Thái Lan bị loại từ vòng bảng hai giải châu lục. Malaysia dừng lại ở tứ kết U23 châu Á, chủ nhà Indonesia không qua được vòng 16 đội Á vận hội. Cùng với Philippines và Thái Lan, Việt Nam cũng là một trong ba đội tuyển Đông Nam Á giành vé dự Asian Cup 2019.

Nếu thế hệ chiến thắng ấy thất bại tại AFF Cup, đó mới là điều nghịch lý.

10 năm trước, đội tuyển của Henrique Calisto đã lần đầu giúp bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh cao khu vực. Ngày ấy, chiến thắng của Công Vinh, Như Thành, Tấn Tài được xem là bất ngờ lớn.

Đội tuyển Việt Nam của Calisto bước vào giải với hành trang là 10 trận giao hữu không thắng. Họ bị xem thường, bị đánh giá thấp. Nói như Việt Thắng, đội tuyển năm ấy được xem là “Việt Nam yếu nhất trong lịch sử”.

Với đoàn quân của HLV Calisto, mỗi trận đấu là một trận chung kết, mỗi lần vào sân là một lần thót tim. Họ chết đi sống lại trước Malaysia ở vòng bảng và Singapore ở bán kết, thua trắng Thái Lan ngày ra quân trước khi đăng quang nhờ... một trận hòa tại Mỹ Đình.

10 năm sau, những người đàn em của họ đã tạo nên một chiến công còn kỳ vĩ hơn.

Đội tuyển của HLV Park Hang-seo được đánh giá là ứng viên hàng đầu nhiều tháng trước khi giải khởi tranh. Họ là đội cửa trên, đến giải sau những chiến công vang dội ở tầm châu lục. Họ vô địch sau hành trình bất bại với 6 trong 8 trận có tỷ số thắng.

Quang Hải và đồng đội đè bẹp Malaysia ở Mỹ Đình, trên cơ Philippines trong cả hai lượt bán kết và chỉ thực sự phải khổ chiến khi tái ngộ người Mã ở Bukit Jalil.

10 năm trước, Công Vinh đưa Việt Nam lên ngai vàng nhờ một pha dàn xếp mà sau này, họ đã thừa nhận đấy là tình huống “lỗi”. 10 năm sau, thế hệ Quang Hải không cần may mắn nào. Họ thắng cách biệt 4-2 chung cuộc tại bán kết, bất bại trong cả 3 lần gặp Malaysia.

10 năm trước, nền bóng đá mới gượng dậy sau đại án Bacolod, vừa vào tứ kết Asian Cup trên sân nhà. 10 năm sau, đội tuyển của HLV Park Hang-seo trẻ trung, tươi mới, được nâng đỡ bởi một thập kỷ đào tạo trẻ bài bản và những ngôi sao mới chưa tròn 23 tuổi.

Chiến thắng của thế hệ 2008 thật vĩ đại. Nhưng đó là chiến thắng của một đội bóng cửa dưới trước những đối thủ mạnh hơn, là chiến công phi thường nhưng bất ngờ ngoài dự đoán. 10 năm sau, chiến thắng của lứa Quang Hải đã thuyết phục tất cả, khiến những người khó tính nhất cũng phải gật đầu thừa nhận.

Chức vô địch 2008 của HLV Henrique Calisto và danh hiệu mới đây của ông Park Hang-seo cũng là lời giải cho câu hỏi mà nền bóng đá luôn trăn trở: đâu là triết lý phù hợp cho đội tuyển Việt Nam?

Xuyên suốt từ Calisto tới Park Hang-seo, qua hai lần bước lên đỉnh cao AFF Cup, đội tuyển Việt Nam đều đã thành công với lối đá phòng ngự phản công. Họ đều lấy hàng thủ làm nền tảng, không để thủng lưới trước làm ưu tiên. Với những cầu thủ nhỏ con, khéo léo, cả Calisto và Park Hang-seo đều xây dựng lối đá phản công tốc độ với vai trò quan trọng nơi các tiền vệ cánh.

AFF Cup 2008, Dương Hồng Sơn là cầu thủ hay nhất giải trước khi giành Quả bóng vàng Việt Nam. 4 trận knock-out, đội bóng của Calisto chỉ 2 lần để thủng lưới. 10 năm đã qua, vẫn một phong cách ấy đưa tuyển Việt Nam tới chiến công.

Phải thừa nhận, HLV Park Hang-seo đã đúng khi được lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công cho các đội tuyển Việt Nam. Trước thầy Park, những người làm bóng đá Việt Nam từng chia rẽ nghiêm trọng, tranh cãi quyết liệt khi lựa chọn lối đá cho đội tuyển.

HLV Toshiya Miura - người có phong cách khá gần HLV Park, bị chính Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức chỉ trích không ngừng. Nhưng sau đấy, HLV Hữu Thắng áp dụng lối chơi kiểm soát bóng cho đội tuyển Việt Nam và nhận lấy hàng loạt thất bại.

Bài học Miura và thất bại của Hữu Thắng đã tác động mạnh tới tư tưởng của giới bóng đá. Đấy là nền tảng căn bản để ông Park có thể nắm quyền và tự do thi triển lối chơi ông đã chọn. Không sai khi nói, bóng đá Việt Nam phải cảm ơn HLV Miura.

Dưới triết lý phòng ngự phản công ấy, mọi chuyển động khác của đội tuyển quốc gia đều phải nương theo nó. Một năm trước ngày ông Park tới Việt Nam, HAGL áp đảo các đội tuyển quốc gia và từng có thời gian chiếm nửa đội hình xuất phát. Tới giải U23 châu Á, chỉ còn 3 cầu thủ Gia Lai đá chính. Đến AFF Cup này, không còn một cái tên nào từ phố núi trong đội hình xuất phát.

Xuân Trường và Công Phượng là hai cầu thủ Gia Lai được vào sân nhiều nhất. Nhưng Trường đã mất vai trò tổ chức vào tay Quang Hải, còn Phượng chỉ được xem là một phương án đột biến từ ghế dự bị. Vị trí cũ của Phượng giờ do Phan Văn Đức đảm nhiệm.

Lịch sử và những danh hiệu đã chứng minh sự đúng đắn của Henrique Calisto cùng với Park Hang-seo. Lựa chọn của họ có lẽ cũng là lựa chọn phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam.

Nhiều người nói rằng chức vô địch AFF Cup 2018 chưa mang tới cho họ niềm vui trọn vẹn vì tuyển Việt Nam chưa đánh bại Thái Lan.

Đội bóng của HLV Milovan Rajevac dự giải mà không có trong đội hình bốn ngôi sao lớn nhất. Vắng họ, tuyển Thái bị Philippines áp đảo trong thế thắng ở Bacolod, để Malaysia cầm hòa tại Bukit Jalil trước khi bị loại ngay trên thánh địa Rajamangala.

Quan trọng hơn, thế hệ kế cận của Thái Lan có dấu hiệu yếu đuối về tâm lý, thiếu đi sức bật và sự lạnh lùng cần thiết trước các đối thủ cùng đẳng cấp. Cú đá phạt đền hỏng ăn của Adisak Kraisorn ở trận gặp Malaysia là bằng chứng thép cho điều đó.

Ngôi sao lớn nhất của tuyển Thái, người đã ghi 6 bàn vào lưới Timor-Leste, trong thời khắc quyết định trên chấm phạt đền, thậm chí không thể đưa bóng vào trúng khung thành.

Hãy chú ý, Kraisorn không hề trẻ nữa. Anh sinh năm 1991 và sẽ tròn 28 tuổi vào tháng 2 tới. Bao năm qua, Kraisorn vẫn chỉ là phương án dự phòng cho Teerasil Dangda. Bốn siêu sao của tuyển Thái tài năng và xuất chúng. Nhưng sau lưng họ, người Thái có vẻ không còn những quái kiệt.

Đó là tín hiệu báo động cho bóng đá Thái Lan. Bởi ngoài Chanathip Songkrasin (25 tuổi), ba người còn lại gồm Kawin Thamsatchanan (28), Theerathon Bunmathan (28) và Teerasil Dangda (30) đều đang bước tới giai đoạn sau của sự nghiệp. Phụ thuộc vào họ, thất bại khi vắng họ là bằng chứng cho thấy bóng đá Thái Lan đang gặp vấn đề.

Trước đấy, với lứa ngôi sao này, người Thái đã thiết lập thời kỳ thống trị của mình ở Đông Nam Á và bước đầu vươn ra châu Á. Lấy SEA Games 2013 làm mốc, Thái Lan đã vơ vét tất cả những danh hiệu quan trọng của lứa U23 và tuyển quốc gia tại Đông Nam Á trong 5 năm kế tiếp.

5 năm cũng là khoảng thời gian tương đương với một chu kỳ đỉnh cao của bóng đá hiện đại. Ai cũng biết sau đỉnh cao thường là thoái trào. Có tình cờ không khi Thái Lan đã thất bại ở vòng bảng cả hai giải châu lục và mất ngôi vương AFF Cup cùng trong năm 2018 - thời điểm tương ứng với đoạn kết chu kỳ 5 năm?

Ở bên kia chiến tuyến, HLV Park Hang-seo mới có hơn 1 năm ở Việt Nam. Lứa Công Phượng, Duy Mạnh, Đình Trọng chưa tròn 23 tuổi, Quang Hải vừa bước sang tuổi 21 - hơn Chanathip thời điểm vô địch SEA Games 2013 đúng 1 tuổi. Khi chu kỳ của bóng đá Thái Lan đang đi tới hồi kết, chu kỳ của Việt Nam chỉ vừa bắt đầu và đã bắt đầu theo cách rực rỡ nhất.

Lịch sử bóng đá Đông Nam Á đã sang trang khi thầy trò HLV Park Hang-seo lần thứ hai đưa Việt Nam tới đỉnh cao khu vực. Nhưng chiến công ấy có thể chỉ là trang mở đầu của một chương mới - nơi màu đỏ sẽ thay thế sắc xanh thống trị bóng đá khu vực.

Minh Chiến
Ảnh: Thuận Thắng - Minh Chiến - Hoàng Hà Đồ họa: Nguyên Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-he-quang-hai-thong-tri-bong-da-dong-nam-a-post900865.html