Thế hệ người Mỹ nợ nần chồng chất

Những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) ở Mỹ đang ngồi trong một vũng lầy kinh tế, với nhiều tác động xấu có thể xảy đến với họ cho đến khi nghỉ hưu.

Danielle Smith và gia đình từng nghĩ rằng cuối cùng họ cũng thoát khỏi vòng quay chi tiêu dè xẻn, lương tháng nào đủ sống trong tháng đó. Họ đã tiết kiệm kha khá trong lúc ở yên trong nhà vì dịch bệnh và dùng tới gói trợ cấp để thanh toán dần khoản nợ 20.000 USD trong thẻ tín dụng và được miễn thanh toán hàng tháng cho khoản vay sinh viên trị giá 160.000 USD.

Gần đây, cả gia đình liên tục có thêm những khoản chi phí phát sinh. Kết thúc năm ngoái, khoản nợ thẻ tín dụng của họ đã tăng gấp đôi, lên đến 40.000 USD.

Vợ chồng Smith có thu nhập hộ gia đình khoảng 80.000 USD/năm. “Đó như trò đuổi bắt không bao giờ kết thúc”, Smith nói.

Thế hệ Millennials trong độ tuổi 30-40 tại Mỹ như vợ chồng Smith đang bị bủa vây bởi một loạt khó khăn kinh tế, theo Business Insider.

 Gánh nặng tổng thể lên nhóm người Mỹ ở độ tuổi 30 đang chồng chất nhiều hơn so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Ảnh: Insider.

Gánh nặng tổng thể lên nhóm người Mỹ ở độ tuổi 30 đang chồng chất nhiều hơn so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Ảnh: Insider.

Nợ nần chồng chất

Những tác động có từ đại dịch, chẳng hạn như chi phí chăm sóc trẻ em khi trường học đóng cửa, vẫn đang ảnh hưởng xấu đến các bậc cha mẹ nhóm Millennials.

Về lâu dài, quỹ hưu trí của thế hệ này cũng có thể bị ảnh hưởng nếu trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm. Thêm vào đó, họ đang tích lũy nợ với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo một phân tích gần đây của Wall Street Journal dựa trên dữ liệu của Fed New York.

Theo đó, tổng số nợ của những người từ 30 đến 39 tuổi đang khoảng 3,800 nghìn tỷ USD, tính đến quý IV năm 2022, tăng khoảng 140 tỷ USD so với quý trước đó và tăng 27% so với cuối năm 2019. Lần cuối cùng khoản nợ của những người ở độ tuổi 30 tăng nhanh như vậy là giai đoạn 2005-2008.

Charlotte Principato, nhà phân tích dịch vụ tài chính tại công ty nghiên cứu Morning Consult, người phụ trách mảng người tiêu dùng trẻ tuổi, cho biết: “Đối với thế hệ Millennials, họ cảm thấy như bị tấn công từ mọi phía vì khó kiếm được sự ổn định cho tài chính của mình".

Nghiên cứu của Fed New York cho thấy "thế hệ Millennials đang nợ tín dụng và các khoản thanh toán vay mua ôtô với lãi suất ngày càng tăng".

Stacey Coquelin, cùng con gái Giselle (12 tuổi), cho biết ước muốn chuyển tới nhà mới đã phải gác lại một bên. Ảnh: WSJ.

Theo công ty báo cáo tín dụng TransUnion, những người trong độ tuổi 30-40 chậm thanh toán thẻ tín dụng hơn so với những năm trước đại dịch. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm của hầu hết người vay lớn tuổi trong tình trạng quá hạn thẻ tín dụng đã giảm so với cùng kỳ.

Silvio Tavares, giám đốc điều hành của VantageScore, nói: “Khoảng cách tín dụng đang xuất hiện, theo nghĩa là những người vay trẻ tuổi, ít giàu có hơn đang phải chịu áp lực tài chính do chi phí sinh hoạt cao hơn và lạm phát vượt xa mức thu nhập của họ, điều không thấy ở những người đi vay lớn tuổi và giàu có hơn".

Stacey Coquelin (31 tuổi, Miami), gần như đã sẵn sàng mua căn nhà đầu tiên của mình trước khi Covid-19 xảy ra. Sau hai năm sống với cha mẹ, Coquelin đã tiết kiệm đủ để trả trước một khoản, giúp giảm nợ thẻ tín dụng.

Khi các trường học đóng cửa, Coquelin dự phòng số dư trong thẻ tín dụng để trang trải hóa đơn chăm sóc trẻ tốn khoảng 1.200 USD/tháng cho hai đứa con của mình. Sau đó, lạm phát bắt đầu siết chặt ngân sách của cô, trong khi lãi suất cao hơn khiến việc vay mượn khó khăn.

Coquelin phải mở thẻ tín dụng mới và "lẹm" vào phần tiền tiết kiệm. Hiện tại, cô vẫn nợ 20.000 USD nợ thẻ tín dụng. "Mọi thứ đều đắt hơn, từ nhỏ nhặt như dầu gội đầu. Bây giờ, chuyện mua nhà chẳng đi đến đâu cả", bà mẹ nói.

Con cái lớn dần, các khoản chi cho việc chăm sóc, nuôi dạy của Coquelin cũng tăng lên. Ảnh: WSJ.

Vũng lầy kinh tế

Dựa trên dữ liệu tỷ lệ việc làm trên dân số từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ người từ 35 đến 44 tuổi có việc làm đã giảm nghiêm trọng trong 3 năm qua, từ 81,2% vào tháng 2/2020 xuống còn 71,8% vào tháng 4/2022.

Những người trên 30 tuổi, với đông trong số đó đang nuôi con nhỏ, đã chịu "cú đánh" từ các vấn đề chăm sóc trẻ em trong thời kỳ dịch bệnh, nhất là tình trạng thiếu dịch vụ chăm nom. Nhiều bậc cha mẹ buộc phải nghỉ việc để trông con vì mẫu giáo, trung tâm trông giữ đóng cửa.

Hơn một nửa số gia đình có con nhỏ - dưới 5 tuổi - đã chứng kiến thu nhập hộ gia đình của họ giảm khi không có dịch vụ chăm sóc trẻ, theo một nghiên cứu tại The Century Foundation năm ngoái. Hiện nay, mức việc làm của ngành này phục hồi ở mức thấp, cùng với chi phí cho dịch vụ tốn kém.

Hơn nữa, hoàn cảnh nghỉ hưu trong tương lai của thế hệ Millennials có thể khác với hai thế hệ đi trước, theo chiều hướng xấu.

Các tác giả của báo cáo vào năm 2021 từ Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí tại Đại học Boston cho biết rằng trong khi thế hệ Millennials "đang bắt kịp thị trường lao động và kết hôn, mua nhà", thì họ lại đang tụt hậu so với các thế hệ trước về khoản tiết kiệm.

"Họ đang tiết kiệm để nghỉ hưu với tốc độ của các thế hệ trước, nhưng nợ sinh viên là một lực cản liên tục", trích báo cáo.

Ngoài ra, mạng lưới an toàn hưu trí của thế hệ Millennials có thể bị ảnh hưởng nếu họ không thể nhận được đầy đủ các khoản trợ cấp an sinh xã hội.

Một báo cáo từ HealthView Services cho biết: "Nếu lợi ích bị giảm 20%, một người 35 tuổi trung bình kiếm được 50.000 USD vào năm 2022 sẽ nhận được ít hơn 13.500 USD thu nhập an sinh xã hội hàng năm trong năm đầu tiên nghỉ hưu và ít hơn 365.000 USD trọn đời". Với những người lương 6 chữ số, tức 100.000 USD trở lên, mức giảm lên tới 563.000 USD.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-nguoi-my-no-nan-chong-chat-post1410364.html