Thế giới xoay sở hóa giải đòn thuế của Trump

Cuộc vận động sắp xếp lại hệ thống thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump đang tăng tốc. Trước các lời đe dọa áp thuế của Trump, các đối tác lớn của Mỹ gồm Canada, Mexico, Hàn Quốc mới đây phải ký kết các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ bao gồm các điều khoản nhượng bộ cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, sau Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản cũng đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thương mại với Mỹ, theo Financial Times.

Tổng thống Donald Trump họp báo công bố kết quả đàm phán Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) ở Nhà Trắng hôm 1-10. Ảnh: AP

Các đối tác thương mại của Mỹ xuống nước

Nửa đêm 30-9, đúng vào thời hạn chót do Tổng thống Donald Trump đặt ra, các nhà đàm phán của ba nước Mỹ, Canada và Mexico đã nhất trí một thỏa thuận thương mại mới có tên gọi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế cho Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vốn bị Tổng thống Trump chỉ trích là “thảm họa”, gây bất lợi lớn cho Mỹ.

USMCA mở cửa một phần thị trường bơ sữa Canada cho các nông dân nuôi bò sữa Mỹ. USMCA cũng yêu cầu ô tô từ Canada và Mexico xuất khẩu sang Mỹ phải có tối thiểu 75% linh kiện được sản xuất tại các khu vực ở Mỹ, Canada hoặc Mexico có mức lương của người lao động tối thiểu 16 đô la/giờ. Điều khoản này chủ yếu nhằm ngăn chặn các tập đoàn ô tô toàn cầu xây dựng nhà máy lắp ráp ở Mexico để tận dụng nhân công giá rẻ, rồi xuất khẩu ô tô sang Mỹ.

Đổi lại, Mỹ chấp nhận miễn thuế nhập khẩu tối đa 2,6 triệu ô tô mỗi năm cho Canada và Mexico trong trường hợp Tổng thống Donald Trump quyết định đánh thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô từ các nước trên toàn cầu.

Hôm 24-9, tại New York, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã ký kết hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương sửa đổi. Theo đó, Hàn Quốc chấp nhận tăng hạn ngạch xe nhập khẩu từ Mỹ từ 25.000 lên 50.000 chiếc cho mỗi hãng xe. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đồng ý hạn ngạch xuất khẩu thép sang Mỹ mỗi năm dựa vào mức trung bình sản lượng thép Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn 2014-2017.

Đổi lại, Hàn Quốc sẽ được Mỹ miễn áp thuế nhập khẩu thép 25% và thuế nhập khẩu nhôm 10%.

Nhật Bản đã cố gắng cứu vãn tinh thần chủ nghĩa đa phương và dẫn đầu nỗ lực để hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, vì lo sợ Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu 25% nhằm vào ô tô và linh kiện ô tô từ Nhật Bản, hôm 26-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo nhất trí đàm phán thương mại song phương với Washington, điều mà trước đây Nhật Bản cự tuyệt vì e ngại Mỹ sẽ đòi hỏi các nhượng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp vốn rất nhạy cảm về mặt chính trị ở Nhật Bản.

Trong số các đối tác thương mại lớn của Mỹ, chỉ có duy nhất Trung Quốc từ chối nhượng bộ bất chấp Mỹ liên tiếp thực hiện các vòng áp thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Chiến lược chia rẽ để áp đảo

Sau khi quyết định rời bỏ TPP với 12 thành viên, Tổng thống Trump thực hiện chiến lược tách riêng từng đối tác thương mại trên thế giới để đàm phán với thế mạnh, yêu cầu họ phải chấp nhận nhiều nhượng bộ bằng các đòn áp thuế nhôm, thép và đe dọa áp thuế với ô tô.

USMCA là kết quả của một tiến trình đàm phán qua nhiều giai đoạn. Ban đầu, Mexico và Canada không chấp nhận tái đàm phán NAFTA với Mỹ trong tình cảnh bị đe dọa áp thuế. Rốt cục, cả hai nước này đã bị Mỹ áp thuế thép và nhôm. Sau đó, Mỹ đe dọa áp thuế ô tô và tách riêng Mexico ra để đàm phán và thành công. Hồi cuối tháng 8, cả hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương.

Với việc đàm phán riêng với Mỹ và chấp nhận nhiều nhượng bộ, Mexico đã phá vỡ cam kết với Canada rằng hai nước này sẽ đứng chung một mặt trận trong nỗ lực tái đàm phán NAFTA. Động thái này khiến Canada đứng trước sự lựa chọn hoặc là chấp nhận sửa đổi các điều khoản thương mại theo yêu cầu của Mỹ hoặc sẽ bị gạt ra khỏi NAFTA (nay có tên gọi mới là USMCA). Cuối cùng, Canada cũng xuống nước để tham gia USMCA.

Hồi cuối tháng 7, EU đã nhất trí đàm phán với Mỹ để hướng đến mục tiêu giảm thuế về zero, gỡ bỏ hết các hàng rào phi thuế quan và các chính sách trợ giá đối với hàng hóa mỗi bên ngoại trừ ô tô. EU cam kết tăng nhập khẩu đậu nành và khí đốt của Mỹ. Hai bên cũng nhất trí xem xét lại các mức thuế nhập khẩu 25% và 10% mà Mỹ đánh vào các sản phẩm sắt thép và nhôm từ EU cũng như các đòn thuế trả đũa của EU.

Động thái này là một sự nhượng bộ của EU để tránh nguy cơ ngành công nghiệp ô tô đồ sộ của khu vực này dính đòn thuế của Mỹ vì trước đó, EU yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ thuế nhôm, thép trước rồi mới đồng ý đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279563/the-gioi-xoay-so-hoa-giai-don-thue-cua-trump.html