Thế giới 'xoay mòng' với trò chơi thay hình đổi dạng của Triều Tiên

Triều Tiên không ngừng tìm cách vượt qua các kẽ hở trong các lệnh trừng phạt quốc tế và thu tiền về cho đất nước.

Theo Bloomberg, trong khi Washington và Seoul đang cố gắng duy trì một “mặt trận thống nhất” gây sức ép lên Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng không ngừng ra sức tìm những khe hở để “luồn lách” giữa các lệnh trừng phạt quốc tế mà nước này đang phải đối mặt.

Một trong những minh chứng điển hình nhất, là trường hợp hai chiếc tàu chở hàng của Triều Tiên đã nhiều lần thay tên và đổi chủ nhằm qua mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc.

Trong 9 tháng đầu năm ngoái, Triều Tiên được cho là đã thu về gần 200 triệu USD từ việc xuất khẩu các hàng hóa bị cấm. Một báo cáo của Liên hợp quốc đánh giá, đây cũng là nguồn cung ngoại tệ chủ yếu cho quốc gia châu Á. Các tác giả của báo cáo trên cho rằng, Bình Nhưỡng đã vận chuyển than tới các cảng ở Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… bằng cách sử dụng giấy tờ giả và các công ty “vỏ bọc” che giấu nguồn gốc của số than xuất đi.

Các hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Triều Tiên được vận chuyển trên các con tàu treo cờ các nước châu Âu, Caribbean và Hong Kong. Các tàu từng bị cấm vận được mang thân phận mới với việc trang bị cờ khác và tạo ra các công ty sở hữu mới. Và sau đó, chúng tiếp tục hành trình trên chính các tuyến đường cũ. Đây chính là trường hợp của hai con tàu, Jin Teng và Jin Tai 7.

Trò chơi đổi tên: chơi mãi không biết chán

Bloomberg dẫn nguồn Kharon, một công ty tại Los Angeles chuyên nhận dạng nguy cơ cấm vận cho các ngân hàng và tập đoàn cho biết, tàu Jin Teng bị Mỹ cấm vận vào tháng 3/2016, sau đó đã trở thành Shen Da 8 và sau đó là Hang Yu 1 vào tháng 11 năm ngoái. Tàu Jin Tai 7 cũng bị cấm vận cùng thời điểm với Jin Teng, đổi tên thành Sheng da 6 chỉ hai tháng sau đó, và Bothwin 7 vào tháng 11/2017. Mọi việc xảy ra trước khi Liên hợp quốc áp dụng vòng trừng phạt mới cho Triều Tiên vào tháng 12/2017. Cả hai con tàu vẫn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ bất chấp những lần đổi tên.

Tàu Bothwin 7 cập bến Liên Vân Cảng, Trung Quốc vào tháng 1/2018 – cùng thời điểm tàu Hang Yu 1 dừng chân tại cảng Ninh Ba – Chu San, cũng ở Trung Quốc. Theo Kharon, hai con tàu này trước đây nằm trong đội tàu của công ty Quản lý Hàng hải đại dương tại Bình Nhưỡng; và đã bị Bộ Tài chính Mỹ và Liên hợp quốc cấm vận. Tuy nhiên, giờ đây chúng đã thay đổi tên để tránh bị phát hiện.

“Các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên chủ yếu là những động thái mang tính biểu tượng cho sự không đồng tình, và nó không có khả năng thay đổi lập trường chính trị của chính quyền ông Kim,” Robert Huish, Phó Giáo sư tại Đại học Dalhousie ở Halifax, Canada, nói.

Việc thực thi các lệnh trừng phạt là thách thức lớn nhất cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin công bố bản dự thảo các lệnh trừng phạt mới áp dụng cho 27 công ty và 28 tàu. Ông Mnuchin cho rằng, các lệnh trừng phạt mới sẽ “cản trở mạnh mẽ khả năng Triều Tiên tiến hành các hành động hàng hải luồn lách để vận chuyển than và nhiên liệu trái phép, và giới hạn việc chính quyền Bình Nhưỡng chuyên chở hàng hóa trên lãnh hải quốc tế”.

Tuy nhiên việc tìm kiếm và theo dõi các công ty liên doanh và các mối quan hệ bị che giấu của Triều Tiên, là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho các điều tra viên của Mỹ và Liên hợp quốc.

“Một trong những khía cạnh thú vị trong những nỗ lực của chính quyền Triều Tiên để vượt qua các lệnh trừng phạt và kiếm tìm lợi nhuận, là các mối quan hệ thương mại đa dạng của nước này với bên ngoài,” Ben Davis, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ và hiện đang đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty Kharon, nhận định. “Một vài trong các công ty đối tác [của Triều Tiên] đang duy trì các lợi ích thương mại và chuỗi cung cấp đáng kể với các tập đoàn tại châu Âu và châu Á”.

Các điều tra viên của LHQ phàn nàn rằng, nhiều quốc gia đã tỏ ra thờ ơ trước những lời cáo buộc và chứng cứ về việc vi phạm các lệnh trừng phạt của quốc tế với Triều Tiên. Một số quốc gia do có hệ thống luật pháp còn yếu kém, hoặc vì các ưu tiên chính trị khác…, mà bỏ qua công ty và cá nhân vi phạm lệnh cấm vận.

Một tàu chở hàng của Triều Tiên lại mang cờ của Sierra Leone bị giữ lại tại Philippines (ảnh: Chosun Ilbo)

Thương mại với Trung Quốc: vẫn quan trọng và không phải là duy nhất

Mặc dù Trung Quốc đã giảm bớt thương mại với Triều Tiên, nước này vẫn là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng. Bloomberg đánh giá, viện trợ, thương mại và đầu tư đến từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của xã hội và kinh tế, cũng là nguồn cung công nghệ và tiền mặt chủ yếu cho Triều Tiên. Mặc dù Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên và các công ty liên doanh Trung-Triều ngừng hoạt động, giới chức Mỹ cho rằng, Bắc Kinh vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để các lệnh trừng phạt Triều Tiên được hiệu quả.

Các chuyên gia nhận định, việc tìm kiếm các kết nối giữa những công ty Trung Quốc và Triều Tiên là vấn đề “khó nhằn” nhất. Tháng 8/2017, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt công ty than Trung Quốc Dandong Zhicheng vì đã bán than do Triều Tiên sản xuất, cũng như sử dụng lợi nhuận thu được để mua các vật liệu khác, bao gồm cả những thiết bị phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Thú vị là, Bộ Tài chính Mỹ đang thông qua các công ty Trung Quốc để gửi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo nước này là, không có một thực thể nào được an toàn,” George Lopez, một chuyên gia về cấm vận và giáo sư danh dự tại Đại học Notre Dame nói. “Chính quyền Mỹ đang đặt cược rằng, họ sẽ khiến Trung Quốc lo lắng về việc thực hiện lệnh trừng phạt theo cách mà Bắc Kinh chưa từng làm trong quá khứ”.

Tuy nhiên, một lần nữa phải lưu ý rằng, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tiến hành thương mại với Triều Tiên.

Bản báo cáo của LHQ chỉ ra, OCN (Singapore) Pte Ltd, một công ty đặt tại Singapore và chuyên bán buôn các thiết bị điện tử và hàng hóa xa xỉ, cũng có liên hệ với Bình Nhưỡng thông qua xuất khẩu các xa xỉ phẩm bị cấm vận tới Triều Tiên và thiết lập các mối quan hệ tài chính không hợp pháp với nước này.

Tháng 7/2017, Giám đốc OCN Leo Ng nói với tờ Strait Times rằng, các cáo buộc công ty xuất khẩu hàng cấm tới Triều Tiên là “hoàn toàn sai sự thật”. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Mỹ, OCN có quan hệ với Office 39, “một cơ quan bí mật của chính quyền Triều Tiên có liên quan tới các hoạt động kinh tế bất hợp pháp…”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/the-gioi-xoay-mong-voi-tro-choi-thay-hinh-doi-dang-cua-trieu-tien-282369.html