Thế giới vượt qua năm 2020

Và, tình hình hiện nay đã xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi nhất định, song cách thức các nước ổn định tỷ lệ đòn bẩy, giảm thiểu sự biến động của thị trường và quay trở lại quỹ đạo toàn cầu hóa sẽ là chìa khóa mở ra con đường phục hồi.

Cho dù nhìn từ góc độ nào thì 2020 cũng là một năm đặc biệt. Dường như không một quốc gia nào có thể thoát khỏi tác động đột ngột của đại dịch COVID-19. Mặc dù các nhà kinh tế vẫn chưa gọi cú sốc này là “khủng hoảng kinh tế” nhưng các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đều phải sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế mới có thể giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính.

Cần một nỗ lực chung

Khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều nước đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch khiến cho các hoạt động kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư... đều suy giảm. Chẳng hạn như ở khu vực châu Âu, tuy ngành sản xuất đã phục hồi đôi chút, song tình hình của ngành dịch vụ lại không mấy sáng sủa. Dưới tác động của dịch bệnh, tình trạng “hôn mê” này có lẽ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Làn sóng đóng cửa trong ngành bán lẻ đang lan rộng. Thất nghiệp tăng nhanh, tất cả đều kéo lùi bước đi phục hồi trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 đã xáo trộn cơ bản hoạt động của thế giới năm 2020.

Đại dịch COVID-19 đã xáo trộn cơ bản hoạt động của thế giới năm 2020.

Theo thống kê thị trường toàn cầu của S&P, tính đến giữa tháng 11-2020, có 49 doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ phá sản, trong đó có nhiều nhà bán lẻ có tên tuổi. Đây được ghi nhận là đợt phá sản có số lượng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Còn số liệu thống kê trong một báo cáo được hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Mỹ Coresight Research công bố vào tháng 12-2020 cho thấy từ đầu năm đến nay đã có 8.401 cửa hàng bị đóng cửa. Mặc dù công tác tiêm chủng vaccine đang được triển khai nhưng các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng trước khi tình hình chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp bán lẻ phá sản có lẽ sẽ còn gia tăng.

Tình hình ở châu Âu cũng tương tự. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (IFO), thiệt hại về giá trị gia tăng do một bộ phận ngành bán lẻ nước này đóng cửa gây nên sẽ lên đến 1,15 tỷ euro trong quý IV-2020 và khoảng 550 triệu euro trong quý I-2021, khiến GDP quý IV sụt giảm thêm 0,15 điểm phần trăm. Đồng thời, IFO cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 của Đức sẽ tăng lên 5,9% từ mức 5% của năm 2019.

Thương mại toàn cầu cũng rơi vào trạng thái đóng băng. Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 5,6% so với năm 2019, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009 nhưng khả quan hơn mức suy giảm 9% được dự báo trước đó mấy tuần. Trong khi đó, kim ngạch thương mại dịch vụ được dự đoán sẽ giảm mạnh hơn, với mức giảm lên đến 15,4% so với năm 2019, mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 1990.

Các tổ chức quốc tế mà đứng đầu là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, do tác động của dịch bệnh, kinh tế thế giới năm 2020 sẽ suy giảm trên 4%. Cùng với triển vọng tươi sáng của việc nghiên cứu và điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, năm 2021 kinh tế thế giới có thể phục hồi tăng trưởng tương đối mạnh, ở mức 5,2%. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng sở dĩ có sự tăng vọt như vậy phần nhiều là do tác động của hiệu ứng cơ sở sau đợt suy thoái sâu của kinh tế thế giới trong năm 2020. Để nền kinh tế phục hồi bền vững thì cần phải mất nhiều thời gian hơn và nỗ lực hơn nữa.

Hợp tác tạo động lực

Từ đầu năm đến nay, nhiều nền kinh tế đã thông qua chính sách kích thích để bơm mạnh thanh khoản vào thị trường. Do vậy, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên tăng cường kích thích tài khóa sẽ trở thành lựa chọn của các nước trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù ở mức độ nào đó, chính sách kích thích quy mô lớn đã giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế nhưng lại khiến cho thâm hụt ngân sách của nhiều nước tăng vọt, dẫn tới bong bóng tài sản. Ngay cả khi vaccine có thể giúp khống chế dịch bệnh trong năm 2021 thì kinh tế toàn cầu cũng sẽ phục hồi chật vật trong điều kiện nợ công ở mức cao. Trong bối cảnh đó, việc giải tỏa sức ép chi phí sản xuất và sinh hoạt cũng như vận hành nền kinh tế thực đúng cách sẽ trở thành vấn đề được các nước quan tâm.

Các chỉ số kinh tế, thương mại đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2020, trên toàn thế giới đã có hơn 50 ngân hàng trung ương hạ lãi suất một hoặc nhiều lần, trên 60% các nền kinh tế trên toàn cầu có mức lãi suất chưa đến 1%, một số khu vực và quốc gia áp dụng chính sách lãi suất âm. Theo báo cáo mới nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), ước tính đến cuối năm 2020, quy mô nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 277.000 tỷ USD. Trong đó, các nước phát triển chiếm gần 1/2 số nợ tăng mới, tỷ lệ tổng nợ/GDP của các nước phát triển đã tăng mạnh lên mức 43% trong quý III-2020. Thanh khoản quy mô lớn khó tránh khỏi việc kích hoạt bong bóng tài sản trên thị trường, để lại những rủi ro tiềm ẩn trong việc vận hành ổn định nền kinh tế thực.

Do sự thúc đẩy liên tục về thanh khoản của các nước, thị trường chứng khoán Mỹ cũng nhiều lần đạt mức cao mới trong 6 tháng cuối năm nhưng do số người mắc COVID-19 liên tục tăng mạnh, phạm vi phong tỏa không ngừng mở rộng nên cũng gây ra tâm lý lo ngại không nhỏ, tác động đến tính ổn định của thị trường. Ngoài ra, thanh khoản dư thừa còn kích thích vốn đầu tư chảy vào thị trường tiền kỹ thuật số, thúc đẩy các đồng tiền kỹ thuật số tăng trưởng kỷ lục mà tiêu biểu là đồng Bitcoin.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng, chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước và khu vực đã trỗi dậy. Đây là mối lo ngại bởi trong thời gian tới, việc đảm bảo sự phục hồi thông suốt của dòng chảy vốn, công nghệ, hàng hóa, sản xuất và nhân lực sẽ là nền tảng để đảm bảo toàn cầu hóa đi đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để kinh tế toàn cầu phục hồi.

Tuy nhiên, chỉ số kết nối toàn cầu (GCI) năm 2020 do DHL và Viện kinh doanh Leonard N. Stern của Đại học New York phối hợp công bố gần đây cho thấy dù dịch bệnh đã tạm thời làm thay đổi phương thức kết nối giữa các nước nhưng toàn cầu hóa không sụp đổ. Hiện nay, thế giới cần phải xử lý một số rủi ro của cái gọi là làn sóng đảo ngược toàn cầu hóa để đón nhận mô hình phát triển mới của toàn cầu hóa.

Dòng chảy dữ liệu quốc tế thậm chí còn được đẩy mạnh trong điều kiện dịch bệnh, bởi sự trao đổi giữa con người và giao lưu xuyên biên giới đã chuyển sang địa hạt kỹ thuật số. Giới kinh doanh cho rằng động lực chính của số hóa toàn cầu trong năm 2020 là sự gia tăng mạnh về lưu lượng sử dụng dữ liệu mạng, điện thoại, hội nghị trực tuyến và thương mại điện tử. Trong hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, các nước đã chú trọng chủ nghĩa đa phương thời kỳ hậu đại dịch, hợp lực thúc đẩy toàn cầu hóa phát triển, thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi.

Trong bài phát biểu sau hội nghị đối thoai bàn tròn “1+6” lần thứ 5 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra, không có biện pháp nào khác ngoài hợp tác”. Bà Georgieva cũng cho rằng lãnh đạo các nước trên thế giới nên tăng cường hợp tác trong việc ứng phó với các vấn đề như nợ, thương mại và biến đổi khí hậu, vốn đang là những tồn tại cấp thiết hiện nay.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/the-gioi-vuot-qua-nam-2020-626153/