Thế giới vượt 134 triệu ca Covid-19, Ấn Độ lập kỷ lục mới về số ca mắc mới

Theo Worldometers, ngày 8-4, thế giới ghi nhận 737.425 ca mắc mới và 13.827 ca tử vong. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia báo cáo nhiều ca mới nhất (131.893 ca). Đây là ngày thứ ba liên tiếp Ấn Độ xác lập kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát trong nước.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP Mumbai, Ấn Độ, ngày 5-4. (Ảnh: AP)

Theo Worldometers, ngày 8-4, thế giới ghi nhận 737.425 ca mắc mới và 13.827 ca tử vong. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia báo cáo nhiều ca mới nhất (131.893 ca). Đây là ngày thứ ba liên tiếp Ấn Độ xác lập kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát trong nước.

Đức ngày 7-4 đã đạt được số liều tiêm chủng cao kỷ lục trong một ngày nhờ sự tham gia chiến dịch tiêm chủng của hệ thống các phòng khám và bác sĩ gia đình trên cả nước. Cụ thể, với 656.357 liều được tiêm trong ngày 7-4, đây là con số cao kỷ lục được tiêm chủng trong một ngày kể từ khi chiến dịch tiêm chủng được bắt đầu từ cuối tháng 12-2020. Trong số này, có hơn 300.000 mũi là do các phòng khám và bác sĩ gia đình thực hiện, cao hơn khoảng 290.000 liều được tiêm một ngày trước đó.

Tính đến sáng 8-4, Đức đã tiêm chủng ít nhất một mũi cho 13,8% dân số, tương đương 11,5 triệu người, trong khi 4,7 triệu người (5,7%) đã được tiêm đủ hai mũi. Tổng số liều vaccine được tiêm cho tới nay là 16,26 triệu. Tuy nhiên, quy mô tiêm chủng rất khác nhau giữa các bang ở Đức, như Bremen ở vị trí đầu bảng khi đã tiêm được ít nhất một mũi cho 16,5% dân số, trong khi các bang Hessen và Saschen mới chỉ được khoảng 13% dân số, thậm chí bang Mecklenburg-Vorpommern ở mức thấp nhất khi mới triển khai được việc tiêm chủng cho 12,5% dân số bang.

Trong tuần đầu tiên có sự tham gia tiêm chủng của các phòng khám, những cơ sở này tiếp nhận 940.000 liều vaccine, trong đó mỗi cơ sở có trung bình 26 liều. Dự kiến trong tuần cuối tháng 4 này, các phòng khám có thể nâng năng lực tiêm chủng lên tới trên ba triệu liều.

Theo cuộc khảo sát công bố ngày 8-4, tiến độ triển khai nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở vùng England (Anh) đang bắt đầu cho kết quả tích cực, với tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong tháng 3.

Kết quả cuộc khảo sát mang tên REACT do các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London thực hiện, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tại England đã giảm gần 60% so với nghiên cứu mới đây nhất là vào tháng 2, với mức trung bình là chỉ có một người lây nhiễm trong số 500 người.

Giám đốc chương trình REACT Paul Elliott cho biết, đây là tin mừng và cho thấy vùng này đang đi đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19. Ông nêu rõ: "Tỷ lệ (lây nhiễm) rõ ràng thấp hơn ở nhóm được tiêm nhiều nhất mà theo dữ liệu của chúng tôi là nhóm ở độ tuổi từ 65-74 tuổi và từ 75 tuổi trở lên. Tôi cho rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến thành quả của công tác tiêm chủng".

Tỷ lệ lây nhiễm ở vùng England đã giảm từ 0,49% trong tháng 2 xuống 0,02% trong tháng 3. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng tốc độ giảm lây nhiễm đã bắt đầu chậm lại vào giữa tháng 3 và xu hướng này cần được theo dõi chặt chẽ.

Cuộc khảo sát REACT là một trong những cuộc khảo sát lớn nhất về dịch Covid-19 ở England, với hơn 140.000 tình nguyện viên tham gia xét nghiệm tại England trong vòng cuối từ ngày 11 đến 30-3.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết châu Phi đang ở "bên lề" nỗ lực tiêm phòng Covid-19 của thế giới, khi chỉ có 2% dân số châu lục này được tiêm chủng tính đến thời điểm hiện tại.

Tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc WHO phụ trách châu Phi, Matshidiso Moeti, cho biết, nguyên nhân làm chậm tiến độ tiêm chủng ở châu lục này là do thiếu nguồn cung vaccine, thiếu kinh phí và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cũng như những vấn đề về hậu cần. Bà đặc biệt lưu ý đến nguồn cung vaccine từ Ấn Độ cho châu Phi theo cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã bị chậm lại.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách khu vực đông và nam châu Phi của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Mohamed Malick Fall cho biết, hoạt động vận chuyển vaccine bị gián đoạn cũng như những khó khăn về hậu cần liên quan tới yêu cầu trữ đông vaccine cũng là những nguyên nhân làm chậm tiến độ tiêm chủng tại châu lục này.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 9-4 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 134.502.688 ca mắc, 2.914.220 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 31.717.404 ca mắc, 573.856 ca tử vong
2. Brazil: 13.286.324 ca mắc, 345.287 ca tử vong
3. Ấn Độ: 13.057.954 ca mắc, 167.694 ca tử vong
4. Pháp: 4.939.258 ca mắc, 98.065 ca tử vong
5. Nga: 4.614.834 ca mắc, 101.845 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.552.880 ca mắc, 42.227 ca tử vong
2. Philippines: 828.366 ca mắc, 14.119 ca tử vong
3. Malaysia: 355.753 ca mắc, 1.308 ca tử vong
4. Myanmar: 142.549 ca mắc, 3.206 ca tử vong
5. Singapore: 60.575 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 30.310 ca mắc, 95 ca tử vong
7. Campuchia: 3.028 ca mắc, 24 ca tử vong
8. Việt Nam: 2.669 ca mắc, 35 ca tử vong
9. Brunei: 216 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 41.098.035 ca mắc, 941.108 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 36.544.571 ca mắc, 831.656 ca tử vong
3. Châu Á: 30.336.827 ca mắc, 442.019 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 22.110.108 ca mắc, 583.043 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.353.356 ca mắc, 115.228 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 59.070 ca mắc, 1.151 ca tử vong

H.H (Theo Worldometers, TTXVN, Reuters)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/the-gioi-vuot-134-trieu-ca-covid-19-an-do-lap-ky-luc-moi-ve-so-ca-mac-moi-641400/