Thế giới tuyên chiến với bệnh lao - 'đại dịch lây lan nguy hiểm'

Cộng đồng thế giới lần đầu tiên tỏ rõ quyết tâm đẩy lùi bệnh lao khi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này đang được coi như một 'đại dịch lây lan nguy hiểm' khiến thêm hàng chục triệu người nhiễm bệnh mỗi năm.

Trẻ em Ấn Độ kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao khi căn bệnh này đã trở thành một đại dịch lây lan nguy hiểm trên thế giới

Trẻ em Ấn Độ kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao khi căn bệnh này đã trở thành một đại dịch lây lan nguy hiểm trên thế giới

Lần đầu tiên một hội nghị bệnh lao toàn cầu đã được tổ chức bên lề Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 diễn ra ở New York (Mỹ) khi dịch bệnh truyền nhiễm này là một nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe cũng như các vấn đề xã hội, hòa bình và an ninh trên thế giới. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed nhấn mạnh, bệnh lao là “đại dịch lây lan nguy hiểm” truyền nhiễm cho khoảng 10,4 triệu người trên khắp thế giới và thủ phạm gây bệnh là đói nghèo, mất bình đẳng, di cư và xung đột.

Trước thềm hội nghị, trong báo cáo mới nhất về bệnh lao toàn cầu 2018 công bố ngày 18-9 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất dù cả cộng đồng toàn cầu đã nỗ lực không ngừng để giúp ngăn chặn 54 triệu ca tử vong vì căn bệnh này kể từ năm 2000. Theo đó, các ca nhiễm bệnh đã giảm 2% trong năm 2017 so với năm trước, song vẫn còn hơn 10 triệu người mắc căn bệnh này và 1,6 triệu người tử vong, trong đó có khoảng 300.000 người mắc HIV.

Dù giảm nhẹ, song tình trạng chẩn đoán chưa chính xác hoặc không phát hiện kịp thời các ca nhiễm bệnh vẫn tồn tại như một thách thức lớn đối với công tác phòng và chữa căn bệnh nguy hiểm này. Trong số 10 triệu ca phát hiện mắc mới trong năm 2017 thì chỉ có 6,4 triệu ca được ghi chép chính thức trong các hệ thống quản lý quốc gia, trong khi 3,6 triệu ca khác hoặc là không được chẩn đoán, hoặc là đã phát hiện ra nhưng không báo cáo.

Đáng chú ý, trong số 1 triệu trẻ em nhiễm lao năm ngoái thì chưa đến 500.000 ca được báo cáo chính thức. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân được chữa trị cũng còn thấp với chỉ 64% ca nhiễm bệnh, trong khi để có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030, thì từ nay tới năm 2025, phải có ít nhất 90% các ca nhiễm bệnh được điều trị.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc chiến chống bệnh lao trên toàn thế giới chưa hiệu quả là do thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng, khoảng 13 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, WHO cũng cho rằng các quốc gia hiện vẫn chưa hành động đủ mạnh mẽ để có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030.

WHO đã kêu gọi khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự kỳ họp cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về bệnh lao, dự kiến diễn ra trong tuần tới, cam kết hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu này. Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, WHO sẽ đi đầu những nỗ lực của toàn Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các chính phủ, hợp tác với xã hội dân sự và tất cả các đối tác để đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đại diện cho Chính phủ nước ta tham dự hội nghị cấp cao về bệnh lao sau khi nêu rõ Việt Nam đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm bệnh lao, song cho biết vẫn còn 126.000 người mắc bệnh và tới 13.000 người tử vong trong năm 2017, một con số không thể chấp nhận được. Việt Nam mỗi năm phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao, đạt tỷ lệ 81% số mắc mới hàng năm (con số này trên toàn cầu là 61%) và tỷ lệ khỏi bệnh cao với trên 90% trong số mới mắc lần đầu.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra cam kết sẽ thực hiện thành công Chương trình chấm dứt bệnh lao, vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Việt Nam cũng cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong cuộc chiến nhằm “xóa sổ” bệnh lao trên toàn cầu vào năm 2030.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/the-gioi-tuyen-chien-voi-benh-lao-dai-dich-lay-lan-nguy-hiem/784485.antd