Thế giới tuần qua: Trắc trở nhiều ngã rẽ

Thế giới tuần qua chứng chứng kiến ngã rẽ của nhiều vấn đề cam go và đầy trắc trở như: Thủ lĩnh tối cao IS bị tiêu diệt; EU lần thứ 3 gia hạn Brexit; Mỹ đưa quân quay lại Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt đầu tuần tra chung tại miền Bắc quốc gia Trung Đông này.

1. Thủ lĩnh tối cao của IS bị tiêu diệt

Ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận thủ lĩnh khét tiếng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân đội Mỹ tại tỉnh Idlib, Syria. Đây được xem là một bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung. Đối với Mỹ, diễn biến này đặc biệt có ý nghĩa, trong bối cảnh Washington dường như đang "thất thế" ở Syria khiến Tổng thống Trump phải hứng chịu nhiều chỉ trích, cũng như gây ra nhiều mối lo ngại về cuộc chiến chống IS.

 Thủ lĩnh tối cao IS Baghdadi. Ảnh: Zuma Press.

Thủ lĩnh tối cao IS Baghdadi. Ảnh: Zuma Press.

Trước đó, Newsweek đưa tin thủ lĩnh IS đã bị tiêu diệt vào ngày 26-10 trong một chiến dịch đặc biệt được thực hiện bởi Bộ tư lệnh tác chiến phối hợp đặc biệt Mỹ (JSOC). Vào thời điểm đặc nhiệm Mỹ tiến hành đột kích, nhiều thành viên gia đình của thủ lĩnh IS có mặt trong khu nhà. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết không có thương vong là trẻ em. Tuy nhiên, hai người vợ của tên trùm khủng bố đã thiệt mạng trong vụ nổ. Lực lượng Mỹ đã tiến hành thủy táng al-Baghdadi với các nghi thức của người Hồi giáo và không kích san phẳng khu vực ẩn náu của Baghdadi cùng gia đình ẩn náu để ngăn chặn địa điểm này trở thành đền thờ cho thủ lĩnh tối cao IS.

Ngày 31-10, IS xác nhận về cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi, đồng thời thông báo đã lựa chọn Ibrahim al-Quraishi làm thủ lĩnh mới của tổ chức này. Tổ chức này đồng thời đe dọa sẽ trả thù Mỹ.

Thông tin thủ lĩnh Baghdadi bị tiêu diệt trước mắt có thể làm suy yếu IS trong ngắn hạn, bởi sự hiện diện của nhân vật này luôn mang tính biểu tượng cao đối với IS. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định rằng cái chết của thủ lĩnh IS không đồng nghĩa với cuộc chiến chống IS đã đi đến hồi kết. Theo thống kê của các cơ sở dữ liệu về chống khủng bố trên toàn thế giới, khoảng 40.000 phần tử IS tại hơn 100 quốc gia đang hoạt động ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

2. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đụng độ ở biên giới

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, ngày 29-10 các lực lượng của Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ lần đầu tiên ở biên giới kể từ khi chính quyền Ankara phát động chiến dịch tấn công ở Đông Bắc Syria cách đây 3 tuần.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Syria. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Lực lượng người Kurd trong thành phần Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới từ ngày 27-10 theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, các tay súng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng nòng cốt trong SDF, phải rút lui khỏi “khu vực an toàn” mà Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Đông Bắc Syria trong vòng 150 giờ. Hiện Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tuần tra chung tại khu vực này.

Cũng theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại London (Anh) cho biết các đoàn xe quân sự Mỹ từ Iraq quay lại Syria. Động thái này trái ngược với tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút tất cả binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria. Theo nguồn tin, hơn 500 binh sĩ Mỹ cùng với trang thiết bị hậu cần, quân sự đã tới một căn cứ trên đường cao tốc M4, chạy song song biên giới phía với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 31-10, các lực lượng của Mỹ đã bắt đầu tuần tra ở phần biên giới của Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, địa bàn hoạt động của họ trước khi Washington ra lệnh rút quân. Washington đồng thời tuyên bố sẽ vẫn duy trì binh lính bảo vệ các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria.

Trong một diễn biến khác, ngày 30-10, Ủy ban Hiến pháp của Syria, bao gồm 150 thành viên trong chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự, đã tiến hành cuộc họp "lịch sử" đầu tiên Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ít hy vọng tiến trình này có thể đạt đột phá trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã làm hơn 370.000 người thiệt mạng trong 8 năm qua.

3. Tiến trình Brexit lần thứ ba phải gia hạn

Bất chấp còn khá nhiều tranh cãi, 27 quốc gia thành viên EU cuối cùng đã đồng ý thêm một lần nữa hoãn Brexit đến 31-1 năm tới. EU đồng thời cũng để ngỏ khả năng Vương quốc Anh có thể "ra đi" ngay trong năm nay, vào ngày 30-11 hoặc 31-12 trong trường hợp thỏa thuận được quốc hội nước này phê chuẩn. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Donald Tusk cũng cảnh báo 31-1-2020 là lần gia hạn cuối cùng.

Với quyết định gia hạn Brexit lần thứ ba này, EU đang cố ngăn chặn một cuộc chia ly không thỏa thuận chắc chắn làm đảo lộn tình hình kinh tế của liên minh cũng như của Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Financial Times

Còn trong nội bộ nước Anh, ngày 29-10, sau nhiều nỗ lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thuyết phục được hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới. Tại cuộc bầu cử này, ông Johnson hy vọng giành được đủ số ghế tại hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm. Hiện đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Johnson đã mất thế đa số. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, các đảng đối lập có thể sẽ liên minh và cản trở tiến trình Brexit. Vì vậy, tương lai Brexit sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới.

Chính trường Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6-2016 vẫn chia rẽ, các chính trị gia Anh liên tục tranh cãi về việc làm thế nào và khi nào "ly hôn", hoặc thậm chí liệu có nên "ly hôn" hay không, còn EU thì dường như quá mệt mỏi với những tính toán và lựa chọn, vốn ban đầu được cho có thể giúp tháo gỡ bế tắc, song cuối cùng chưa đi tới đâu.

4. Chile hủy bỏ tổ chức APEC và COP 25 do khủng hoảng chính trị

Trước tình hình cuộc khủng hoảng chính trị trong nước ngày càng nghiêm trọng, ngày 30-10, Tổng thống Chile Sebastian Pinẽra đã tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25) sắp tới.

Một người biểu tình phản đối chính phủ tại Chile. Ảnh: Straitstimes

Trong một tuyên bố, Tổng thống Pinera nhấn mạnh sau khi biểu tình kéo dài hơn 10 ngày, Chile đã quyết định rằng nước này không còn phù hợp để tổ chức APEC và COP 25. Tổng thống Chile cũng đa thay 8 lãnh đạo Bộ, ngành để xoa dịu các cuộc biểu tình

Chile đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinẽra quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, tạo cớ để các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.

Các cuộc biểu tình đã kéo dài 11 ngày, kèm theo bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Việc Chile hủy bỏ tổ chức Hội nghị APEC khiến giới chuyên gia thương mại lo ngại có thể gây cản trở cho khả năng ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị APEC tại Chile. Theo thông tin mới nhất, hãng tin Pháp AFP đưa tin, Liên hợp quốc thông báo Tây Ban Nha sẽ là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP25

5. Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về các thủ tục điều tra luận tội đối với Tổng thống

Chính trường nước Mỹ tiếp tục dậy sóng khi ngày 31-10, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về các thủ tục điều tra luận tội đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây được coi là bước đi chính thức đầu tiên trong nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm khiến ông chủ Nhà Trắng trở thành vị tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với điều tra luận tội.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Với 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, nghị quyết trên thiết lập các quy tắc cho các phiên điều trần mở và việc thẩm vấn của các thành viên và nhân viên của các ủy ban điều tra đối với các nhân chứng.

Phản ứng trước động thái trên, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử của Mỹ". Trong khi đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham trong một tuyên bố cho rằng cuộc bỏ phiếu cho thấy những ám ảnh điên rồ của đảng dân chủ đối với tiến trình luận tội bất hợp pháp này.

Cuộc điều tra luận tội của Hạ viện xoay quanh vấn đề liệu Tổng thống Trump có trì hoãn viện trợ cho Ukraine để thúc ép quốc gia Đông Âu này tiến hành cuộc điều tra đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ nặng ký của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-trac-tro-nhieu-nga-re-598863