Thế giới tuần qua: 'Sập cửa' vì Covid-19

Nhiều nước bắt đầu thông báo đóng cửa biên giới nhằm tập trung tối đa nguồn lực để chống lại sự lây lan của dịch Covid-19. Ngoài ra, việc NATO hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hay Iran muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đều là những thông tin được quan tâm.

1. Đóng cửa biên giới, tuyên chiến với Covid-19

Phong tỏa không còn là điều bất ngờ lúc này. Lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 trước tiên diễn ra ở Trung Quốc, gây nên những đảo luộn cho cuộc sống. Thế giới đang căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, dường như người ta vẫn cảm thấy chút bàng hoàng khi từ đầu tuần này, các “bức tường” được dựng lên trên khắp thế giới, toàn bộ xã hội đã bị cách ly và hàng tỷ người nhận ra rằng họ đã bước qua một ranh giới phân chia giữa cuộc sống trước và sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

 Binh sĩ Italy gác tại quảng trường Duomo tại thành phố Milan. Ảnh: The Guardian.

Binh sĩ Italy gác tại quảng trường Duomo tại thành phố Milan. Ảnh: The Guardian.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, thế giới đang phải đối mặt với một kẻ thù chung, đó là virus SARS-CoV-2, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay và thực hiện một phản ứng khẩn cấp và phối hợp với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Châu Âu vẫn là điểm nóng của dịch Covid-19. Italy ghi nhận số người chết trong một ngày cao kỷ lục, 627, tự phá kỷ lục trước đó một ngày là 475 người. Số trường hợp dương tính được xác nhận ở Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tuần lên gần 20.000 người.

Trong khi đó, Tại Trung Quốc đại lục, nơi các trường hợp nhiễm đầu tiên được ghi nhận, đánh dấu ngày 18-3 là ngày đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, không có trường hợp truyền bệnh mới nào từ nội bộ nước này.

Tính đến 8 giờ 00 ngày 21-3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 257.000 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có trên 11.000 ca tử vong và 87.000 người bình phục.

2. NATO hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Các thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ sự hỗ trợ cần thiết trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Sự hỗ trợ tại thời điểm này tập trung vào việc phát triển một chiến lược cho tình hình ở phía Tây Bắc của Cộng hòa Ả Rập, trong đó không loại trừ khả năng NATO có thể can thiệp vào cuộc xung đột ở hai tỉnh Idlib và Aleppo.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ảnh: Gulf Today.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực và Tây Ban Nha cũng đang xem xét hỗ trợ Ankara tăng cường hệ thống phòng không.

Ông Stoltenberg đồng thời “lên án các cuộc tấn công tùy tiện của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn”, và kêu gọi hai quốc gia này ủng hộ các nỗ lực do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm thiết lập một giải pháp chính trị và đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng như trên toàn lãnh thổ Syria.

Theo các chuyên gia, lý do NATO hỗ trợ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Syria liên quan đến tình trạng người tị nạn ở biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng trong thực tế, các nước châu Âu khó có thể đưa quân đội của họ đến Idlib và Aleppo khi nhận thức rõ về những mất mát trong cuộc đối đầu với Nga và Syria.

3. Ngày “Siêu thứ Ba” của ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến gần hơn đến vị trí đại diện đảng Dân chủ để đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Theo đó, ông đã giành chiến thắng trước ông Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ngày 17-3 hay còn gọi là ngày “Siêu thứ Ba” tại tại 3 bang Florida, Illinois và Arizona.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Vox.

Tại Florida, ông Biden dẫn đầu với 62% số phiếu, giữ khoảng cách xa trước đối thủ Sanders với 23%. Còn tại Illinois, cựu phó tổng thống giành được 59% số phiếu so với 36% của ông Sanders. Trong đợt bầu cử ngày 17-3, bang Florida là nơi quan trọng nhất khi có tới 219 phiếu đại biểu, tiếp đến là Illinois với 155 phiếu.

Như vậy, ông Biden hiện đã nhận được hơn một nửa số phiếu đại biểu cần thiết để được Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, công bố trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng này trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại Florida và Illinois, nắm chắc quyền đại diện đảng Cộng hòa ra chạy đua vào Nhà Trắng.

4. Iran kêu gọi thế giới thúc giục Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt

Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc tuyên bố, Iran đề nghị cộng đồng thế giới kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngăn chặn Tehran chống lại dịch Covid-19.

Báo cáo nhấn mạnh, bây giờ các lệnh trừng phạt của Mỹ không chỉ gây tổn hại đến lợi ích thương mại và kinh tế của các quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân của những nước này.

Nhân viên y tế tại Iran phun thuốc khử trùng. Ảnh: Reuters.

Theo thông báo mới nhất từ chính phủ Iran, một cơ chế đặc biệt cho phép Iran nhập khẩu thuốc men, nhưng điều này không đáp ứng nhu cầu của đất nước trong tình hình hiện tại và nó không khả thi do vướng phải những trở ngại khác liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tính đến nay, Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Bộ Y tế Iran ngày 20/3 thông báo, có 1.284 người tử vong và 18.407 ca mắc Covid-19.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-2 cho biết, Mỹ sẵn sàng cử các chuyên gia y tế đến để giúp đỡ Iran đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng điều đầu tiên Iran cần làm là phải đưa ra lời đề nghị.

5. Đuốc Olympic 2020 đến Nhật Bản

Trưa 20-3, ngọn lửa Olympic đã về tới Nhật Bản sau khi rời Hy Lạp, bắt đầu hành trình vòng quanh đất nước kéo dài 121 ngày trước khi Thế vận hội diễn ra.

Hai cựu VĐV nổi tiếng của Nhật Bản là Saori Yoshida và Tadahiro Nomura đã đón chiếc đuốc từ máy bay trước khi cùng nhau thắp sáng đài lửa được thiết kế cách điệu từ hình ảnh hoa anh đào.

Lễ đón đuốc Olympic 2020 đến Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News.

Chiếc đuốc sẽ được trưng bày tại vùng Tohoku, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất sóng thần năm 2011, để chia sẻ thông điệp về sự phục hồi và tiếp sức hy vọng mở đường cho Olympic 2020.

Nhiều trang tin quốc tế sử dụng cụm từ "lặng lẽ" để mô buổi lễ khi chỉ có một số ít khán giả được trực tiếp theo dõi sự kiện này. Ban đầu, khoảng 200 trẻ em địa phương dự kiến sẽ góp mặt trong buổi lễ. Tuy nhiên, ban tổ chức đã quyết định thay đổi kế hoạch vào phút chót do tác động của dịch Covid-19.

Tokyo liên tục khẳng định Olympic 2020 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến, từ ngày 24-7 đến ngày 9-8, với sự tham dự của khoảng 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù vậy, sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 làm dấy lên những nghi vấn về việc liệu Thế vận hội mùa hè có thể tổ chức theo như kế hoạch.

6. Iraq có tân Thủ tướng

Tổng thống Iraq Barham Salih hôm 17-3 đã đề cử ông Adnan al-Zurfi, cựu Thị trưởng thành phố Najaf, làm Thủ tướng mới của nước này. Ông Zurfi có 30 ngày để thành lập chính phủ.

Tổng thống Iraq Barham Salih (trái) gặp tân Thủ tướng Adnan al-Zurfi tại Baghdad. Ảnh: Reuters.

Chính trường Iraq lâm vào bế tắc sau khi làn sóng cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra buộc Thủ tướng Adel Abdul Mahdi phải từ chức hồi tháng 11-2019. Cựu Bộ trưởng Truyền thông Mohammed Allawi sau đó đã được chỉ định thay thế, nhưng buộc phải rút lui sau khi Quốc hội không thông qua nội các do ông đề cử vì bất đồng phe phái về các vị trí bộ trưởng.

Ông Zurfi đã phác thảo chương trình cho chính phủ mới của mình. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc bầu cử mới tự do và công bằng cho phép người Iraq quyết định tương lai của chính họ, đẩy lùi bùng phát dịch Covid-19 và thúc đẩy Quốc hội thông qua ngân sách...

Nhiệm vụ của tân Thủ tướng Zurfi là vô cùng khó khăn. Ngoài việc thành lập chính phủ đoàn kết được sự chấp thuận của các phe phái chính trị, ông Zurfi còn phải tìm cách đưa Baghdad ra khỏi thế kẹt giữa cuộc đối đầu của Mỹ và Iran ngay tại nước này.

Tuy nhiên, kế hoạch hành động của ông Zurfi rất giống với kế hoạch do người tiền nhiệm Allawi đặt ra chỉ vài tuần trước. Ông Allawi cũng đã cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới, đảm bảo ngân sách và bảo vệ người biểu tình. Dường như, chính sách của ông Zurfi không có gì đảm bảo sẽ thành công.

MINH NGÂN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-sap-cua-vi-covid-19-612883