Thế giới tuần qua: 'Quá nhanh, quá nguy hiểm'

Dịch Covid-19 đã lây lan 'quá nhanh, quá nguy hiểm', trở thành đại dịch toàn cầu và không chừa một ai. Nguyên thủ, chính khách một số nước cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước tình hình đó, tất cả các nước cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.

1. Đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11-3 đã chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu.

 Covid-19 đã lan rộng ra mọi châu lục. Nguồn: ECDC.

Covid-19 đã lan rộng ra mọi châu lục. Nguồn: ECDC.

Trên thực tế, khi người đứng đầu WHO Ghebreyesus tuyên bố Covid-19 là một đại dịch, thế giới đã ghi nhận 139.630 người nhiễm bệnh (tính đến 22 giờ 30 phút ngày 13-3), số ca tử vong đã vượt con số 5.000 người. Dịch bệnh đã lây lan từ Trung Quốc đại lục sang 132 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện 3 nước có số ca tử vong do bệnh Covid-19 cao nhất trên thế giới gồm Trung Quốc đại lục với 3.176 ca, sau đó là Italy với 1.016 ca và Iran với 514 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục, Italy và Iran lần lượt là 80.815, 15.113 và 11.364 người. Diễn biến tích cực đáng ghi nhận tại Trung Quốc là số ca nhiễm mới và tử vong tại Trung Quốc đại lục thấp nhất kể từ giữa tháng 1 vừa qua, 64.111 ca bình phục hoàn toàn.

Trước bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng và tâm lý lo ngại một cuộc suy thoái toàn cầu bao trùm các nhà đầu tư kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, tới Mỹ trong vòng một tháng để chống đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục lao dốc.

Tại Mỹ, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán phố Wall đã tê liệt ngay khi bắt đầu phiên giao dịch sáng 12-3. Chỉ số S&P 500 giảm tới 7% xuống mức 2.549,05 khiến cơ chế tự động tạm ngưng thị trường trong vòng 15 phút được kích hoạt. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng lao dốc 7,2% xuống mức 21.856,91 trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm sâu 7% xuống mức 7.393,25.

Thị trường chứng khoán Sydney của Australia cũng giảm tới 7,4% trong phiên giao dịch "đen tối nhất" kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thị trường chứng khoán Tokyo, Hong Kong và Thượng Hải của Trung Quốc cũng lao dốc thê thảm. Tại vùng Vịnh, chứng khoán Saudi giảm 3%, Dubai giảm 8% và Qatar giảm 4,5%. "Virus giảm điểm" cũng lan sang thị trường châu Âu bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 135 tỷ USD.

2. Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan

Ngày 9-3, Mỹ đã bắt đầu rút binh sĩ khỏi Afghanistan, một phần của thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Taliban hôm 29-2. Theo đó, Mỹ đã cam kết cắt giảm quân số từ mức hơn 12.000 binh sĩ hiện nay xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận.

Tù nhân Taliban tại Afghanistan. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, người phát ngôn các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, Đại tá Sonny Leggett cho biết, bất chấp hoạt động cắt giảm trên, các lực lượng Mỹ vẫn duy trì tất cả những phương tiện quân sự và thẩm quyền để hoàn thành các mục tiêu của Mỹ, trong đó có việc thực hiện các chiến dịch chống khủng bố nhằm vào mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant (ISIS-K), đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cho Các lực lượng Quốc phòng và Anh ninh của Afghanistan.

Trong bối cảnh đó, ngày 11-3, Chính phủ Afghanistan Ashraf Ghani cho biết sẽ phóng thích 5.000 tù binh Taliban, nếu lực lượng phiến quân hạn chế đáng kể bạo lực, qua đó mở đường cho cuộc hòa đàm giữa 2 bên sau khi Mỹ ký thỏa thuận rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á. Quyết định này cũng được cho là nỗ lực nhằm giải quyết một trong những bất đồng chính giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.

3. Biểu tình đòi bình đẳng giới tại nhiều nước trên thế giới

Bất chấp việc lo ngại các cuộc tụ họp đông người có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây lan, tuần qua, hàng nghìn phụ nữ trên khắp Tây Ban Nha đã tiến hành các cuộc tuần hành lớn trên khắp đất nước để đấu tranh chống lại tình trạng bất bình đẳng giới.

Phong trào bảo vệ quyền của phụ nữ tại Tây Ban Nha đã nổi lên như một lực lượng chính trị kể từ sau vụ năm người đàn ông bị phạt tù vào năm 2016 tại nước này vì tội lạm dụng tình dục và hãm hiếp một phụ nữ trẻ tại lễ hội bò rượt Pamplona.

Quang cảnh cuộc biểu tình tại Madrid. Nguồn: Reuters.

Tại Mexico, hàng trăm nghìn phụ nữ đã tiến hành một cuộc đình công toàn quốc quy mô lớn chưa từng thấy nhằm phản đối một làn sóng bạo lực đang gia tăng chống lại phụ nữ. Nhiều cửa hiệu do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý đã đóng cửa. Người ta thấy rất ít phụ nữ đi bộ hoặc lái xe trên các tuyến phố chính ở thủ đô. Các nữ phục vụ bàn tại các quán cà phê và nhà hàng, hay các cô giáo cũng như các nữ nhân viên văn phòng đều ở nhà. Hầu hết các trường học phổ thông và đại học phải ngừng hoạt động. Các xe buýt hầu như không có khách. Thủ đô vắng bóng người.

Ngoài yêu cầu chấm dứt bạo lực nhằm vào phụ nữ, các nhóm nữ quyền cũng biểu tình đòi giảm khoảng cách về lương giữa hai giới, và chấm dứt tình trạng quấy rối tại nơi làm việc.

Các cuộc biểu tình khác của phụ nữ cũng được tổ chức ở khắp các nước Mỹ Latinh. Khoảng 3.000 người tham gia đình công ở thủ đô Santiago của Chile, đụng độ đã xảy ra với cảnh sát, và cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Tại Bolivia, 2.000 phụ nữ tuần hành suốt 12km từ El Alto đến La Paz để đòi công lý cho các nạn nhân của tình trạng giết hại phụ nữ và hợp pháp hóa việc phá thai. Hàng trăm phụ nữ đã biểu tình tại thủ đô Tegucigalpa của Honduras nhằm yêu cầu chấm dứt tình trạng giết hại phụ nữ.

4. Dòng người di cư tiếp tục vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu

Tình hình tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp tiếp tục căng thẳng sau khi Ankara tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm đường đến châu Âu. Hàng trăm nghìn người di cư đã đổ về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp nhằm tìm cách đến châu Âu.

Người di cư tại khu vực tỉnh Edirne, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp ngày 3-3-2020. Ảnh: THX/ TTXVN.

Hy Lạp và EU đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề người di cư nhằm gây áp lực với EU để liên minh này chi thêm tiền hoặc ủng hộ các mục đích địa chính trị của Ankara trong cuộc xung đột ở Syria. Hy Lạp đã tuyên bố sẽ trục xuất những người di cư mới đến nước này một cách trái phép từ ngày 1-3. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ triển khai 1.000 cảnh sát dọc biên giới với Hy Lạp, không cho phép người di cư quay trở lại lãnh thổ nước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẽ vẫn mở cửa biên giới cho đến khi EU đáp ứng mọi yêu cầu của nước này về việc tự do đi lại, tăng cường liên minh hải quan và hỗ trợ tài chính.

Theo thỏa thuận di cư năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngăn chặn dòng người di cư để đổi lấy 6 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) tiền hỗ trợ từ phía EU. Tuy nhiên, Ankara cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền trên, trong khi các cam kết khác, trong đó có các quy định thương mại và thị thực, cũng không được thực thi.

5. Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí cơ bản về nội dung chi tiết thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-3 đưa tin, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã phần lớn nhất trí với một thỏa thuận về nội dung chi tiết lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, trong cuộc đàm phán ở thủ đô Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Mặc dù vậy, một ngày trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố nước này sẽ không kiềm chế các hành động quân sự, thậm chí còn thực hiện mạnh mẽ hơn tại Idlib nếu những cam kết về lệnh ngừng bắn vừa đạt được với Nga không được thực thi. Ông khẳng định ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là bảo đảm an toàn cho 12 trạm giám sát mà Ankara thiết lập trong khu vực. Do đó, nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào dù là nhỏ nhất nhằm vào các mục tiêu trên, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ sẵn sàng đáp trả mà còn đáp trả một cách mạnh mẽ.

Theo thông tin mới nhất, cuối tuần này, binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cuộc tuần tra chung dọc đường cao tốc M4. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thiết lập các trung tâm phối hợp chung có nhiệm vụ cùng xử lý tình hình.

Tình hình tại Idlib gần đây leo thang nghiêm trọng, khi Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự chống quân đội chính quyền Syria được Nga ủng hộ sau khi hàng chục binh sĩ nước này thiệt mạng trong các vụ không kích hồi cuối tháng 2, mà Ankara quy trách nhiệm cho Damascus. Căng thẳng leo thang làm dấy lên nguy cơ xảy ra đụng độ toàn diện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-qua-nhanh-qua-nguy-hiem-612251