Thế giới tuần qua: Nỗ lực vì mục tiêu chung

Thế giới tiếp tục trải qua một tuần cảnh giác cao độ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. WHO đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus corona (SARS-nCoV-2) lên mức 'rất cao'. Những biện pháp quyết liệt đã được chính phủ nhiều nước áp dụng nhằm ứng phó với dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho người dân.

1. Dịch Covid-19 ở “giai đoạn bước ngoặt”: Thế giới đẩy mạnh các biện pháp ứng phó

Tuần qua, ddịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi có thêm 7 nước xác nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Hà Lan, Nigeria, Lítva, Belarus, New Zealand, Azerbaijan và Mexico.

Như vậy, tính đến ngày 28-2, sau khi khởi phát tại Trung Quốc đại lục hồi tháng 12-2019, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 84.000 người nhiễm và hơn 2.870 người tử vong trên toàn thế giới. Đến hết ngày 27-2, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục từ khi bùng phát dịch đến nay là 78.824 ca và số ca tử vong là 2.788 ca. Ngoài Trung Quốc, thế giới đã xuất hiện ba ổ dịch mới là Hàn Quốc (2.337 ca), Iran (388 ca) và Italy (650 ca).

Trước tình hình đó, ngày 28-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus corona (SARS-nCoV-2) lên mức “rất cao”, cho rằng việc tiếp tục gia tăng số ca nhiễm virus và số quốc gia ghi nhận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do SARS-nCoV-2 gây ra là “mối quan ngại rõ ràng”.

 Một khu chợ ở TP Daegu đóng cửa từ ngày 23-2 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. (Ảnh: Yonhap)

Một khu chợ ở TP Daegu đóng cửa từ ngày 23-2 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. (Ảnh: Yonhap)

Toàn thế giới đều đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hàn Quốc đã nâng cảnh báo về dịch Covid-19 lên mức cao nhất (mức đỏ), đồng thời huy động quân đội tham gia công tác kiểm dịch. Saudi Arabia đã quyết định tạm thời đóng cửa đối với hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi đổ về thánh địa Mecca nhân dịp lễ hành hương Oumra. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu tạm thời đóng cửa toàn bộ các trường học công trên khắp cả nước.

Trong khi đó, chính phủ Italy đã phân bổ thêm 20 triệu euro (21,6 triệu USD) để ứng phó với dịch bệnh. Quân đội và lực lượng an ninh nước này cũng tiến hành kiểm soát 8 lối vào khu vực điểm nóng ghi nhận dịch bệnh, trong đó có cách ly 11 thành phố ở miền Bắc. Iran đóng cửa toàn bộ trường học ở nước này trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29-2. Trong khi đó, kể từ ngày 28-2, Malaysia bắt đầu tạm cấm nhập cảnh các du khách đến từ hai địa phương đang là tâm điểm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Chính phủ Kyrgyzstan cũng thông báo cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy kể từ ngày 1-3 tới. Nhiều nước châu Phi cũng bắt đầu gấp rút tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Còn tại Mỹ, Bộ Y tế và dịch vụ con người nước này đã yêu cầu một ủy ban Thượng viện phê chuẩn ngân sách 2,5 tỷ USD để chống dịch. Số tiền trên sẽ giúp Mỹ mở rộng hệ thống giám sát, hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương, giúp phát triển vaccine và các liệu pháp điều trị cũng như mở rộng kho dự trữ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang.

Các nhà khoa học cũng đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc đặc trị COVID-19. Mới đây, Công ty công nghệ sinh học Moderna Therapeutics, trụ sở tại Massachusett, Mỹ đã xuất xưởng những lô vaccine COVID-19 đầu tiên và sẽ sớm được đưa ra thử nghiệm trên người vào đầu tháng 4 tới.

Ngoài ra, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng đã bắt đầu thử nghiệm một loại thuốc chống virus mang tên remdesivir trên một bệnh nhân nhiễm COVID-19. Loại thuốc này trước đó được phát triển cho bệnh nhân nhiễm Ebola.

2. Ấn Độ-Mỹ cam kết tăng cường quan hệ đối tác

Ngày 24 và 25-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến công du tới Ấn Độ và trao đổi với Thủ tướng Narendra Modi nhiều vấn đề.

Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ-Mỹ, dựa trên tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung, thiện chí và sự tham gia mạnh mẽ của người dân hai nước. Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng và an ninh; chống tội phạm quốc tế; nhất trí sớm kết thúc các cuộc đàm phán đang diễn ra, đồng thời công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khía cạnh thương mại và đầu tư trong mối quan hệ Ấn-Mỹ và nhu cầu ổn định thương mại lâu dài mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Trump ngày 24-2-2020. Ảnh: Getty

Liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuyên bố chung nhấn mạnh, quan hệ đối tác thân cận giữa Ấn Độ và Mỹ là trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng. Quan hệ hợp tác này được duy trì bằng việc công nhận tính trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); tuân thủ luật pháp quốc tế và quản trị tốt; ủng hộ an toàn và tự do hàng hải, hàng không và quyền sử dụng hợp pháp khác đối với các vùng biển; thương mại hợp pháp không bị cản trở; thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Trong vấn đề Biển Đông, Ấn Độ và Mỹ ghi nhận những nỗ lực hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa ở Biển Đông và nghiêm túc kêu gọi tài liệu này không làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia chiểu theo luật pháp quốc tế.

Chuyến thăm của ông Trump đã đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương đồng thời phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hội tụ ngày càng lớn các lợi ích chung thực chất của Mỹ và Ấn Độ tại khu vực và trên thế giới.

3. Syria: Chiến sự leo thang, thảm họa nhân đạo cận kề

Trong cuộc họp ngày 27-2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ quan ngại về thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Tây Bắc Syria, trong bối cảnh Chính phủ Syria gia tăng tấn công truy quét lực lượng khủng bố tại Idlib và leo thang căng thẳng quân sự giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại đây.

Phát hàng cứu trợ cho người dân Syria ở Abu Duhur, tỉnh Idlib. Ảnh: AFP/TTXVN

LHQ ước tích, có khoảng 2,8 triệu người tại vùng Tây Bắc của Syria đang cần sự hỗ trợ nhân đạo. Khoảng 950 ngàn người mất nơi cư trú, trong đó có khoảng 500 ngàn trẻ em. Điều kiện sống tại các trại tị nạn đặc biệt khó khăn và thiếu thốn.

Trong khi đó, tình hình tại khu vực Idlib của Syria tiếp tục căng thẳng sau khi xảy ra các cuộc giao tranh dữ dội gây nhiều thương vong. Nga tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho lực lượng nổi dậy tại Idlib tên lửa vác vai để bắn vào các máy bay của quân đội Nga và Syria. Ngày 28-2, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quân đội sẽ nã pháo vào những mục tiêu quân chính phủ Syria nhằm trả đũa cho việc hàng chục binh sĩ nước này ở Idlib thiệt mạng trong một cuộc không kích.

Theo tổ chức giám sát có trụ sở tại Anh, hiện quân đội Syria đang tiếp tục tiến vào khu vực nông thôn tỉnh Hama ở miền Trung Syria và khu vực miền Nam tỉnh Idlib. Lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã chiếm Saraqeb và cắt đứt tuyến đường cao tốc M5 nối thủ đô Damascus với thành phố cổ Aleppo ở miền Bắc Syria.

4. Cảnh báo về tình trạng nước biển dâng ở nhiều nước châu Á

Ngày 27-2, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nhiều thành phố lớn của các nước châu Á như thủ đô Tokyo (Nhật Bản), thủ đô Jakarta (Indonesia), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Thượng Hải (Trung Quốc), là những nơi có nguy cơ cao nhất chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.

TP Hồ Chí Minh đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng. Ảnh: baotintuc.vn

Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh đã tiến hành phân tích 500 thành phố có hơn 1 triệu dân trên khắp thế giới và xác định những nơi có nguy cơ chìm trong nước biển dâng cao từ 67 cm đến 2 m vào năm 2100.

Cảnh báo này phù hợp với các tính toán khoa học nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên với tốc độ hiện nay. Theo kết quả phân tích trên, 11 trong số 15 thành phố có nguy cơ cao nhất là ở châu Á.

Theo ông Rory Clisby, chuyên gia phân tích về biến đổi khí hậu thuộc Verisk Maplecroft, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều nguồn lực để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do lũ lụt, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia lại hạn chế hơn trong ứng phó với những thách thức do tình trạng nước biển dâng.

5. Ấn Độ: Biểu tình bạo lực leo thang liên quan luật quốc tịch sửa đổi

Làn sóng bạo lực bùng phát ở một số khu vực phía Đông Bắc thủ đô New Delhi của Ấn Độ từ đầu tuần tới nay sau các cuộc đụng độ giữa người người ủng hộ và phản đối Luật quốc tịch sửa đổi (CAA), đã gây tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại nước này.

Nạn nhân bị thương trong đụng độ bùng phát trong biểu tình ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-2-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Những người biểu tình từ cả hai phía ném đá vào nhau và xung đột bằng gậy gộc, thậm chí là súng và kiếm. Lực lượng an ninh đã cố gắng giải tán đám đông song bị áp đảo về số lượng. Tính đến ngày 28-2, ít nhất 39 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, nhiều nhà cửa, hàng quán và phương tiện bị đốt phá.

Luật Quốc tịch sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Ấn Độ thông qua ngày 11-12-2019, cho phép nhập quốc tịch đối với những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số của Pakistan, Afghanistan và Bangladesh nhập cư trái phép vào Ấn Độ trước ngày 31-12-2014. Tuy nhiên, người Hồi giáo không nằm trong diện này.

Đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát tình hình, ngăn chặn bạo lực và đảm bảo khôi phục lòng tin. Các cuộc biểu tình phản đối đạo luật trên đã biến thành bạo lực và lan sang nhiều trường đại học trên toàn Ấn Độ khi các sinh viên và người dân xuống đường phản đối chính phủ. Những người phản đối cho rằng đạo luật này vi hiến. Đây là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập niên tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này

5. Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 "bủa vây" Trung Quốc và Nam Á

Các nghiên cứu được công bố ngày 25-2 cho thấy gần 90% trong 200 thành phố ô nhiễm không khí do bụi mịn đường kính nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM2.5) ở mức cao nhất thế giới được ghi nhận tại Trung Quốc và Ấn Độ. Phần lớn các thành phố trong 10% còn lại là tại Pakistan và Indonesia.

Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dựa vào dữ liệu thu thập từ gần 5.000 thành phố trên toàn cầu, báo cáo chỉ ra rằng trong số các thành phố lớn từ 10 triệu dân trở lên, thủ đô New Delhi của Ấn Độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nhất thế giới trong năm 2019. Sau đó là Lahore của Pakistan, thủ đô Dhaka của Bangladesh, thành phố Kolkata (Ấn Độ), thị trấn Lâm Nghị và Thiên Tân, Vũ Hán của Trung Quốc, thủ đô Jakarta của Indonesia.

Bụi mịn PM2.5 là loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5micromet, chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc của người. Loại bụi này chủ yếu sản sinh ra từ khí thải giao thông (các loại xe cơ giới chạy bằng dầu diesel thông thường), hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, cháy rừng... Dù chỉ một lượng bụi nhỏ xâm nhập vào máu qua hệ hô hấp cũng có nguy cơ gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi và các bệnh về tim.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-no-luc-vi-muc-tieu-chung-611115