Thế giới tuần qua: Những diễn biến đáng lo ngại

Virus corona chủng mới lây lan rất phức tạp tại một số khu vực trên thế giới; bùng phát bạo động chủng tộc ở Mỹ; mối quan hệ giữa Sudan và Ethiopia căng thẳng, đứng trên bờ vực xung đột vũ trang…là những tin tức quốc tế thu hút bạn đọc.

1. Thế giới vượt mốc 6 triệu người nhiễm Covid-19

Tính đến sáng 30-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 366.000 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là khoảng 2,66 triệu người.

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với gần 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 104.000 bệnh nhân tử vong. Trong tuần qua, Mỹ cũng trở thành quốc gia đầu tiên có số ca tử vong do Covid-19 vượt con số 100.000 người. Với cột mốc trên, Covid-19 đã chính thức đi vào lịch sử nước Mỹ như một trong những bệnh dịch khủng khiếp nhất kể từ khi lập quốc đến nay. Tuy nhiên, tốc độ lây lan dịch ở nước này có chiều hướng chững lại.

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh: The Pointer.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh: The Pointer.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá các quốc gia châu Mỹ là “tâm dịch mới” của đại dịch Covid-19. Brazil trở thành “điểm nóng mới”, khi ghi nhận tổng cộng hơn 468.000 ca mắc, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 27.000 người tử vong. Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) của Mỹ dự báo, số ca tử vong do Covid-19 tại Brazil có thể lên hơn 125.000 người vào đầu tháng 8 tới.

Mặt khác, nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2, thậm chí đỉnh dịch thứ 2 có thể trở thành hiện thực ở một số nơi trên thế giới khi chính quyền vội vã nới lỏng giãn cách xã hội để tái mở cửa nền kinh tế. Hậu quả là các nước phải tốn rất nhiều công sức để khoanh vùng, xử lý ổ dịch mới và không loại trừ phải áp dụng phong tỏa lần 2.

Italy là ví dụ cho tình trạng lây nhiễm tăng mạnh sau khi nới lỏng phong tỏa. Số ca mắc hằng ngày tại đất nước hình chiếc ủng luôn ở 3 con số và số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới (33.229), chỉ sau Mỹ và Anh. Biểu đồ lây nhiễm đi xuống nhưng nhanh chóng dựng đứng cũng đã diễn ra ở Mỹ sau khi nhiều bang tái mở cửa nền kinh tế.

Ở diễn biến khác, ngày 29-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với WHO do cho rằng tổ chức này không làm việc hiệu quả để chống lại sự lây lan của virus corona chủng mới trong giai đoạn đầu. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu.

2. Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Mỹ đã chính thức thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở - một trong những thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, bắt đầu quá trình 6 tháng trước khi chính thức rút khỏi thỏa thuận này.

Phái “diều hâu” quốc phòng đã kêu gọi Tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước này nhiều tháng trước đây, viện dẫn các vi phạm của Nga bao gồm việc giới hạn bay qua Kaliningrad và các khu vực gần biên giới nước này với các khu vực Nam Ossetia và Abkhazia ở Georgia.

Mỹ dùng máy bay OC-135B Open Skies để thực hiện các chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: US Air Force.

Hiệp ước Bầu trời mở được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002 nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. Theo hiệp ước, các quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi.

Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế về kiểm soát khí thải carbon toàn cầu, thỏa thuận hạt nhân với Iran và hiệp ước cấm triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung trên đất liền ở châu Âu.

Các thành viên NATO và một số nước Đông Âu nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận do lo ngại Nga sẽ rút khỏi hiệp ước để đáp trả, gây suy yếu an ninh trong khu vực. Quyết định của ông Trump cũng gây nghi ngờ về khả năng Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký với Nga năm 2010 và hết hạn vào tháng 2-2021.

3. Bùng nổ bạo động chủng tộc ở Mỹ

Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động dữ dội ở thành phố Minneapolis và nhiều nơi khác thuộc bang Minnesota của Mỹ liên quan đến cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu, khi bị cảnh sát da trắng bắt giữ ngày 25-5.

Gia đình Floyd và cộng đồng người da màu ở Minnesota đã thực sự bàng hoàng và tức giận khi xem đoạn video cho thấy Floyd bị còng tay, bị 4 cảnh sát vây quanh trong đó có một cảnh sát da trắng đè lên cổ, khiến nạn nhân tắc thở và tử vong. Sự tức giận đó cũng đang lan rộng ra khắp nước Mỹ.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình sau vụ việc trên. Ảnh: Chicago Tribune.

Những người biểu tình quá khích đã đụng độ với cảnh sát, cướp phá các cửa hàng và đốt nhiều ôtô, cửa hàng khác. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay và thiết lập chướng ngại vật người để ngăn người biểu tình.

Ngay sau sự cố, 4 sĩ quan cảnh sát Minneapolis đã bị sa thải. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết sẽ điều tra vụ việc trên. Đây là vụ bê bối mới nhất về tình trạng phân biệt chủng tộc của cảnh sát Mỹ đối với người Mỹ gốc Phi, từng phát sinh 6 năm trước với phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da màu cũng quý giá).

Người đứng đầu Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Michelle Bachelet hoan nghênh quyết định của cơ quan chức năng Mỹ mở cuộc điều tra vụ việc, nhưng bày tỏ lo ngại rằng, như trong nhiều trường hợp trước đây, cuộc điều tra sẽ đưa đến kết quả vụ giết người sẽ “được biện minh” trên những cơ sở “đáng ngờ”.

4. EC chuẩn bị cho kịch bản “Brexit cứng”

Ủy ban châu Âu (EC) mong muốn có sự bảo đảm cao hơn cho ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) trong dài hạn nhằm hỗ trợ EC vay mượn vốn, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế và coi đó như một biện pháp phòng vệ nhằm đối phó với kịch bản “Brexit cứng”.

Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1-2020, nhưng nước này vẫn còn nhiều nghĩa vụ về tài chính khác nhau đối với liên minh gồm 27 quốc gia và điều đó sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới đây.

Trụ sở của Ủy ban châu Âu (EC). Ảnh: World Atlas.

Theo Ủy viên Ngân sách EU, ông Julian Hahn, luật của EU hiện cho rằng mức đóng góp tối đa của mỗi quốc gia cho ngân sách EU là 1,2% tổng thu nhập quốc dân (GNI), mặc dù các khoản thanh toán thực tế thấp hơn.

Các nhà chức trách EU muốn tăng mức trần đó lên 1,4% GNI để đảm bảo khối này có đủ nguồn tài chính 750 tỷ Euro cho Quỹ Phục hồi kinh tế châu Âu để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế toàn khối sau đại dịch Covid-19.

Đề xuất của EC về việc vay mượn để bảo đảm ngân sách cho các chính phủ EU trong giai đoạn 2021-2027 sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận vào ngày 19-6 tới và có thể không được thông qua ngay lập tức vì một số quốc gia sẽ không chấp nhận có thêm rủi ro.

5. Sudan cảnh báo bùng nổ chiến tranh với Ethiopia

Quân đội Sudan ngày 29-5 tuyên bố, chính phủ nước này đang tham gia vào các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Ethiopia để ngăn chặn căng thẳng ở biên giới và cảnh báo về nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa hai nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Middle East Eye.

Người phát ngôn quân đội Sudan, Chuẩn tướng Amer Muhammad Al-Hassan cho biết, các cuộc tiếp xúc giữa Sudan và Ethiopia nhằm làm dịu tình hình ở dọc biên giới đang được thực hiện. Sudan muốn trao cơ hội ngoại giao trước khi tình hình căng thẳng giữa hai bên có thể bùng nổ chiến tranh.

Ông Al-Hassan giải thích rằng các cuộc tấn công gần đây vào vùng đất của Sudan bởi quân đội và dân quân Ethiopia là vi phạm các thỏa thuận đã ký giữa hai nước. Sudan kêu gọi phía Ethiopia thực hiện thỏa thuận đã ký, liên quan đến việc phân định biên giới giữa hai nước và triển khai lực lượng ở biên giới. Nước này cũng đã đưa quân tiếp tới gần biên giới với Ethiopia.

Trước đó, ngày 28-5, quân đội Sudan cho biết đụng độ ở biên giới với quân đội Ethiopia đã khiến 1 sĩ quan Sudan thiệt mạng và 7 binh sĩ bị thương. Hai nước cũng đang căng thẳng khi Ethiopia tiếp tục xây dựng và vận hành đập thủy điện Đại phục hưng trên sông Nile gần biên giới Sudan-Ethiopia.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-nhung-dien-bien-dang-lo-ngai-619279