Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung 'căng' vụ bắt giám đốc Huawei, Pháp lại sôi sục biểu tình

Vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính đồng thời là con gái của nhân vật sáng lập tập đoàn Huawei (Trung Quốc) theo yêu cầu của Mỹ và biểu tình tiếp diễn tại Pháp là những vấn đề nổi cộm trong tuần vừa qua.

Sự vụ xôn xao về tập đoàn Huawei

Giới chức trách Canada đã bắt bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) vào ngày 1/12 tại Vancouver theo đề nghị của Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt khi đang quá cảnh tại Canada trong hành trình bay từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Mexico.

Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: The Straits Times

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ tại Argentina để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cùng đi đến quyết định “đình chiến”.

Thông tin về vụ bắt giữ này đã khiến thị trường chứng khoán xáo động trong khi chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối.

Tờ Time (Mỹ) nhận định rằng vụ việc của bà Mạnh Vãn Chu có thể không tác động tới việc đình chiếnthương mại Mỹ-Trung. Mặc dù Trung Quốc phản đối Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu nhưng vẫn khẳng định rằng các cuộc đối thoại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp diễn.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng khẳng định quốc gia này vẫn tự tin có thể đạt được thỏa thuận trong khoảng thời gian 90 ngày Tổng thống Trump đông ý ngưng kế hoạch tăng thuế nhập khẩu với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định vẫn có khả năng Trung Quốc đáp trả lại vụ việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ và nhắm đến các công ty Mỹ đang kinh doanh tại thị trường quốc gia này.

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu còn dấy lên tranh cãi về vấn đề Trung Quốc tận dụng công nghệ cao để nâng cấp ngành công nghệ số nhằm cạnh tranh với Mỹ.

Mặc dù lĩnh vực công nghệ Trung Quốc còn phụ thuộc khá nhiều vào linh kiện nhập khẩu từ Mỹ nhưng Bắc Kinh vẫn ấp ủ kế hoạch đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ.

Hiện tại Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng 2 vừa qua đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh tới người sử dụng, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty Trung Quốc này.

Mỹ có thời hạn 60 ngày để yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu. Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định liệu có dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu hay không. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thừa nhận qua Bộ Tư pháp Mỹ ông nắm được thông tin về việc Canada lên kế hoạch bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

Ngày 7/12, một đại diện của Huawei khẳng định tập đoàn này tự tin rằng hệ thống pháp luật Canada và Mỹ sẽ đi đến kết luận đúng đắn. Huawei đồng thời cho biết tập đoàn đã tuân thủ các luật trừng phạt và những quy định khác.

Việc Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu vi phạm lệnh trừng phạt Iran có liên quan tới công ty địa phương Skycom. Huawei coi Skycom là một trong những đối tác chính tại Iran. Từ năm 2016, Mỹ đã tiến hành điều tra xem liệu Huawei có vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran hay không.

Paris mịt mù hơi cay

Ngày 8/12, chính phủ Pháp đã chuẩn bị trước kỹ lưỡng cho khẳ năng diễn ra biểu tình bạo lực vào cuối tuần lần thứ 4 của phong trào Áo vàng với nhiều xe thiết giáp quân sự được điều động về thủ đô (video dưới, nguồn: RT).

Nhiều bảo tàng, cửa hàng và cả tháp Eiffel tại Paris đã đóng cửa trong khi 8.000 cảnh sát tỏa ra khắp các ngả đường tại Paris để giữ trật tự. 36 nhà ga tàu tại Paris đã đóng cửa cùng 50 tuyến xe buýt hạn chế hoặc ngừng hoạt động trong ngày 8/12.

Khoảng 1.500 người chủ yếu là nam giới đã tập trung tại Đại lộ Champs-Elysees vào 10 giờ sáng (giờ địa phương), họ mặc áo vàng, biểu tượng của phong trào biểu tình này. Cảnh sát Pháp ngày 8/12 đã bắt giữ 211 người biểu tình tại Paris đồng thời phóng hơi cay mịt mù trên đường phố để giải tán đám đông này.

Những cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 17/11 về thuế nhiên liệu đã biến chuyển thành phong trào phản đối chính sách kinh tế của chính phủ Pháp. Ngay cả học sinh Pháp cũng ra đường biểu tình yêu cầu thay đổi phương thức thi cử tại các trường trung học phổ thông và quá trình xét tuyển vào đại học.

Tình trạng này được coi là thử thách lớn nhất mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt kể từ khi lên cầm quyền.

Kể từ ngày 1/12 đến nay, nhà lãnh đạo Pháp Macron chưa từng phát biểu trước công chúng và "nhường" công việc này cho Thủ tướng Edouard Philippe. Theo văn phòng Tổng thống, ông Macron sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc vào đầu tuần tới. Tối 7/12, Tổng thống Macron đã tới thăm một nhóm sĩ quan cảnh sát ở ngoại ô Paris.

Hà Linh/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-mytrung-cang-vu-bat-giam-doc-huawei-phap-lai-soi-suc-bieu-tinh-20181208211736070.htm