Thế giới tuần qua: Indonesia nỗ lực tìm kiếm máy bay rơi xuống biển

Máy bay Indonesia chở 189 người rơi xuống biển, tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến tích cực, lãnh đạo Mỹ-Trung điện đàm, lần đầu tiên Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe diễn ra ở Thụy Sĩ, Australia phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Tai nạn máy bay thảm khốc tại Indonesia, 189 người thiệt mạng

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát công tác tìm kiếm, cứu hộsau khi máy bay JT610 rơi xuống biển (Ảnh: The Jakarta Post)

Sáng 29/10, một chiếc máy bay của hãng Lion Air (Indonesia) chở 189 người đã rơi xuống biển sau khi cất cánh gần thủ đô Jakarta. Người phát ngôn của Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho xác nhận, chiếc máy bay gặp nạn ở gần bờ biển Bekasi, Tây Java vào sáng 29/10.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air cất cánh lúc 6 giờ 20 phút sáng 29/10 và mất liên lạc sau đó 13 phút. Hành trình của chiếc máy bay dự kiến sẽ đáp xuống sân bay Depati Amir ở Pangkal Pinang, một hòn đảo ngoài khơi Sumatra vào lúc 7 giờ 10 phút cùng ngày. Trên chiếc máy bay gặp nạn có 2 phi công, 6 thành viên phi hành đoàn và 181 hành khách (trong đó có 2 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh).

Sau khi nhận được tin xảy ra vụ việc, giới chức Indonesia đã nỗ lực tiến hành chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn. Hàng trăm người thuộc nhiều đơn vị đã được huy động để phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân. Sáng 1/11 kênh truyền hình Kompas TV của Indonesia đưa tin, hộp đen của máy bay JT610 đã được tìm thấy và điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định nguyên nhân chiếc máy bay gặp nạn. Ngày 3/11, người đứng đầu lực lượng tìm kiếm, cứu hộ Indonesia thông báo đã tìm thấy phần thân và động cơ máy bay JT610 ở đáy biển, trong khi hệ thống định vị thu được tín hiệu có khả năng phát ra từ bộ thu âm buồng lái. Hiện một số thi thể được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn máy bay đã được mang đi nhận dạng.

Tổng thống Hàn Quốc thúc đẩy tiến trình thiết lập hòa bình với Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trước Quốc hội, ngày 1/11 (Ảnh: Yonhap)

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, ngày 1/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi sự ủng hộ từ cơ quan lập pháp nước này trước những nỗ lực nhằm thiết lập một nền tảng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo quan điểm của ông Moon Jae-in thì tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên chính là một “cơ hội đến như một phép màu” và không bao giờ nên bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng lên tiếng cảnh báo rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ quay trở lại thời kỳ khủng hoảng nếu như các bên không nắm bắt cơ hội này. Chính vì thế, ông Moon Jae-in mạnh mẽ kêu gọi sự hợp tác từ phía Quốc hội Hàn Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng ta phải cùng phối hợp sức mạnh để tiếp sinh lực cho cơ hội này” – ông Moon Jae-in nói.

Trước đó, ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã nhận định lạc quan về khả năng tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, ngay cả khi các vòng đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chỉ đạt được ít tiến triển. “Chúng tôi đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa ra lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh vào cuối năm nay… Dựa trên tình hình thực tại, tôi cho rằng kịch bản này có thể trở thành sự thật” – ông Cho Myoung-gyon nhấn mạnh.

Thông điệp trên được các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đang đón nhận những tín hiệu cải thiện tích cực và tiếp tục củng cố triển vọng thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này.

Australia chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo Australia chính thức thông qua CPTPP. (Ảnh: AFP)

Ngày 30/10, Australia đã trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Như vậy, với việc Australia thông qua Hiệp định này, CPTPP đã có sự phê chuẩn của 6 thành viên và đủ điều kiện để có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Trước Australia, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada đã phê chuẩn CPTPP. Australia cho biết, CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp của nước này, trị giá hơn 36 tỷ USD.

Hiệp định CPTPP đang được coi là điểm sáng về tự do hóa thương mại toàn cầu hiện nay, trong bối cảnh căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiệp định này sẽ cắt giảm 98% thuế quan đối với các mặt hàng của 11 nước thành viên khiến cho việc giao lưu thương mại giữa các nước thành viên với tổng số 500 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội lên tới 13.800 tỷ AUD được thuận lợi hơn nhiều.

Tiến độ phê chuẩn CPTPP đang được các nước thành viên đẩy nhanh, với việc đã có thêm 3 nước phê chuẩn hiệp định chỉ trong vòng 1 tuần qua. Peru dự kiến phê chuẩn CPTPP trước năm 2019.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 2/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình trước Quốc hội về việc thông qua CPTPP. Quốc hội sẽ dành thời gian để các đại biểu thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định này. Ngày 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về thông qua CPTPP.

Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm về bất đồng thương mại và tình hình Triều Tiên

Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc gặp vào tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters/Jonathan Ernst)

Tổng thống Mỹ Donnald Trump ngày 1/11 cho biết ông đã có cuộc điện đàm “kéo dài và rất tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một số vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và tình hình Triều Tiên.

Ngoài thông tin trên, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, cuộc gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đang được giới chức hai nước “lên kế hoạch” tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Buenos Aires (Argentina).

Cùng ngày, hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc cũng nhấn mạnh tới một nội dung được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập trong cuộc điện đàm này là nhằm “khẳng định tầm quan trọng” của việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống D.Trump. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình đã tỏ ý sẵn sàng gặp gỡ ông D.Trump trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina và tiếp tục trao đổi quan điểm về các mối quan hệ song phương Trung-Mỹ, cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa ông D.Trump và ông Tập Cận Bình diễn ra trong vòng 6 tháng qua và được hy vọng sẽ mang lại cơ hội để Mỹ và Trung Quốc cùng thu hẹp những bất đồng còn tồn tại để xích lại gần nhau hơn trong những vấn đề quốc tế quan trọng.

Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe

Khói mù ô nhiễm bao phủ thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/10/2018 (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 30/10, lần đầu tiên Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ. Đây được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người đứng đầu các tổ chức liên chính phủ cam kết hành động chống lại mối đe dọa nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần 7 triệu người mỗi năm.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, WHO kêu gọi ngành y tế phải thực hiện các biện pháp thông tin, giáo dục, cung cấp phương tiện cho các chuyên gia y tế và tham gia vào việc phát triển các chính sách liên ngành.

WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia phải nỗ lực thực hiện các nguyên tắc toàn cầu về đảm bảo chất lượng không khí do WHO khuyến cáo, nhằm cải thiện sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần áp dụng các biện pháp như giảm sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch trong gói năng lượng toàn cầu, đầu tư để cải thiện hiệu quả năng lượng và tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo.

Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt cấm vận của Mỹ đối với Cuba

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc,
tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trong hai ngày 31/10 và 1/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 73 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng - bà María Fernanda Espinosa Garcés đã tổ chức phiên họp toàn thể, thảo luận và bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết số A/73/L.3 về “Sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba".

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, thay mặt Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu, nhấn mạnh những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Cuba vài năm trước đây đang dần mất đi khi các biện pháp cấm vận và trừng phạt được chính quyền Tổng thống Donald Trump tái củng cố và gia tăng kể từ tháng 4/2017; khẳng định chính sách này của Mỹ là bước thụt lùi và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Kết thúc hai ngày thảo luận, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận áp đảo, 189 trên 193 phiếu thuận kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận nhiều thập kỷ qua đối với Cuba. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống còn Ukraine và Moldova là hai nước không tham gia bỏ phiếu. Tổ chức gồm 193 nước thành viên này cũng bác bỏ việc Mỹ chỉ trích Cuba vi phạm nhân quyền.

Đây là lần thứ 27 liên tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Mỹ đã áp đặt với Cuba kể từ năm 1962. Tuy nhiên, nghị quyết này không có tính ràng buộc./.

PV (tổng hợp)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-indonesia-no-luc-tim-kiem-may-bay-roi-xuong-bien-503587.html