Thế giới tuần qua: Hướng đi mới tháo gỡ bất đồng

Sau thời gian bất đồng căng thẳng kéo dài, các bên đã tìm ra được hướng đi mới khai thông bế tắc, nhen nhóm hy vọng 'hạ nhiệt' nhiều điểm nóng. Tuần qua, vấn đề Brexit, đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều tiên, giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine… có nhiều điểm tích cực.

1. Anh đề xuất hướng đi mới cho cuộc “ly hôn” với EU

Ngày 2-10, Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch "ra đi" mới trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Động thái trên của Anh diễn ra trong bối cảnh Kế hoạch Brexit đang lâm vào bế tắc do những mâu thuẫn về thỏa thuận “chốt chặn” và tranh cãi về thời hạn ra đi gây chia rẽ chính trường nước Anh dẫn tới nguy cơ Thủ tướng Boris Johnson sẽ bị thay thế bởi lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, nếu không vượt qua được đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện.

Trong kế hoạch gửi tới EU, London đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và EU để tránh việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa hai bên thời hậu Brexit. Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU.

Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới. London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp "đáng tin cậy". Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của CH Ireland với vùng Bắc Ireland.

Đánh giá về kế hoạch mới của London, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng có một số điểm tích cực, nhưng vẫn còn những vấn đề cần xem xét trong những ngày tới, đặc biệt là về các nội dung liên quan đến việc quản lý "chốt chặn".

Kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson liệu có được chấp nhận cần phải chờ vài ngày tới sau cuộc gặp giữa các nhà đàm phán hai bên. Nhưng với tuyên bố cứng rắn rằng nước Anh, một là kế hoạch này, hai là Brexit không thỏa thuận, ông Boris Johnson đã quyết tâm thực hiện Brexit bằng mọi giá vào ngày 31-10 tới dù có hay không một thỏa thuận với Brussels và bất chấp phải đối đầu với nhiều nghị sĩ tại Hạ viện, những người đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận.

2. Cơ hội hòa bình cho miền Đông Ukraine

Ngày 1-10, tại cuộc họp thường kỳ ở thủ đô Minsk của Belarus, Nhóm Tiếp xúc ba bên giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) đã đạt được nhất trí về cơ chế "Công thức Steinmeier" về giải quyết tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine suốt 5 năm qua. Tuy còn phải chờ Quốc hội Ukraine thông qua, nhưng đây được cho là kết quả mang tính đột phá nhất trong tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và buộc hơn 1 triệu người khác tại rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ năm 2014 đến nay. Theo đó, các vùng đòi độc lập sẽ được trao quy chế đặc biệt, rút quân khỏi vùng xung đột, thực hiện Thỏa thuận Misnk.

Miền đông Ukraine. Ảnh: Opendemocracy.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã xác nhận việc nhất trí với công thức này, nhưng cũng khẳng định trong luật sẽ không có "giới hạn đỏ", do đó cũng sẽ không có việc "đầu hàng" (mất lãnh thổ) như dư luận tại Ukraine đang chỉ trích chính quyền.

Đại diện hai vùng đòi độc lập hoan nghênh quyết định của Nhóm Tiếp xúc, coi đây là sự công nhận quyền tự xác định số phận mình của người dân hai vùng. Hai vùng Donetsk và Lugansk sẽ tiếp tục đàm phán trong định dạng Minsk để đạt được "quyền tự quyết và tự xác định hoàn toàn".

Cũng trong ngày 1-10, Chính phủ Ukraine đã ký một thỏa thuận với lực lượng vũ trang đối lập ở miền Đông nước này cùng với đại diện của Nga và các quan sát viên châu Âu về việc nhất trí có thể tổ chức một cuộc bầu cử tại địa phương tại khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát, qua đó mở đường cho tiến trình hòa đàm với Moskva. Theo thỏa thuận vừa đạt được, Ukraine nhất trí tổ chức bầu cử địa phương trước thời hạn ở miền Đông, hiện do lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát. Ngoài ra, lãnh đạo lực lượng vũ trang đối lập và chính phủ Ukraine cũng cam kết sẽ rút quân khỏi hai khu vực ở vùng Donetsk và Luhansk từ đầu tuần tới.

3. Mỹ - Triều nối lại đàm phán cấp chuyên viên

Đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên ở cấp chuyên viên đã được nối lại vào ngày 5-10, sau khoảng thời gian bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua.

Vụ thử tên lửa đạn đạo kiểu mới Pukguksong-3 từ tàu ngầm của Triều Tiên ở ngoài khơi Vịnh Wonsan ngày 2-10-2019. Ảnh: TTXVN

Trước cuộc gặp này, cả 2 bên đều kêu gọi nhau tạo ra những bước thay đổi lớn trong lập trường, “bạo dạn hơn” để đạt được mục tiêu cuối cùng. Triều Tiên kêu gọi Mỹ tiến đến đàm phán hạt nhân bằng những đề xuất mới mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh đó, ngày 3-10, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thành công trong vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) mới. Đây là vụ phóng thứ 11 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-10 vẫn khẳng định, các cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch, ông cho rằng không thấy có bất cứ vấn đề gì với hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên trước đó. Đây là thông tin tích cực, bởi trước đó, cả Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích không cần thiết và không có lợi cho các nỗ lực ngoại giao.

Giới chuyên gia cho rằng, trong lần đàm phán này cần có sự linh hoạt về quy mô phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng cũng như các nhượng bộ kinh tế và chính trị từ phía Washington. Theo Yonhap, ông Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định nhiều vấn đề đã được đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, do đó hai bên chỉ cần đưa ra giải pháp nào đó về phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt.

4. Houthi đề xuất ngừng bắn tại Yemen, Saudi Arabia phản hồi tích cực

Ngày 4-10, Saudi Arabia đã có phản hồi tích cực trước đề xuất của lực lượng Houthi tại Yemen về một lệnh ngừng bắn và kêu gọi đối phương nhanh chóng thực thi kế hoạch này.

Nhóm phiến quân Houthi. Ảnh: ibtimes.com.

Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Hoàng tử Khalid bin Salman cho biết, Riyadh đánh giá tích cực về lệnh ngừng bắn tại Yemen bởi đây là điều mà nước này vẫn luôn tìm kiếm. Saudi Arabia hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi hiệu quả.

Trước đó, lực lượng Houthi tuyên bố họ sẵn sàng tạo dựng hòa bình với Riyadh và sau đó đề xuất một lệnh ngừng bắn mặc dù liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen vẫn tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi. Mới đây, ngày 30-9, Houthi đã trả tự do cho 290 tù nhân theo khuôn khổ thỏa thuận trao đổi tù nhân đã được nhất trí ở Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 12-2018.

Đây là tín hiệu tích cực cho cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với hơn 24 triệu người - 2/3 dân số nước này - cần được viện trợ khẩn cấp.

5. Facebook chịu "đòn" pháp lý của EU

Ngày 3-10, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết rằng các tòa án cấp quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) có quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội dỡ bỏ các nội dung mang tính phỉ báng, thù địch trên toàn thế giới. Phán quyết trên được cho là một đòn giáng mạnh vào mạng xã hội có hàng tỷ người dùng trên toàn cầu Facebook.

Ảnh minh họạ : Reuters

Trong phán quyết, ECJ cho biết pháp luật EU "không ngăn cản" các tòa án quốc gia yêu cầu "dỡ bỏ các thông tin hoặc ngăn chặn quyền truy cập trên toàn thế giới". Phán quyết trên được xem là một chiến thắng đối với các nhà quản lý EU, muốn thấy các "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ phải tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu liên quan đến các phát ngôn thù địch và các nội dung mang tính công kích.

Trong một diễn biến khác, giới chức Mỹ, Anh, Australia đã yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch mã hóa đầu-cuối (end-to-end encryption) trong các dịch vụ tin nhắn của mạng này nếu không có cách để các cơ quan luật pháp tiếp cận nội dụng tin nhắn trong trường hợp cần thiết để bảo vệ người dân. Sự việc làm nóng trở lại tranh cãi giữa các công ty công nghệ và các cơ quan chính phủ. Một bên muốn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách mã hóa các tin nhắn trong khi bên còn lại lo ngại việc mã hóa có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu che đậy âm mưu.

6. Tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh

Ngày 1-10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu của năm nay xuống còn một nửa so với mức đưa ra trước đó với lý do căng thẳng thương mại leo thang, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và sự bất ổn xung quanh tiến trình Brexit của nước Anh rời khỏi Liên EU.

Ảnh minh họa: Nikkei

Theo dự báo, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm nay, giảm hơn một nửa so với mức dự báo 2,6% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua và yếu hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng ghi nhận hồi năm ngoái là 3%. Đối với năm 2020, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,7%, giảm so với mức 3% được dự báo trước đó.

Đối với thương mại nói chung, WTO đã đưa ra một phạm vi dự báo cho tăng trưởng cho hoạt động này trong năm nay từ 0,5 - 1,6% và cho năm 2020 là 1,7 - 3,7%, đồng thời lưu ý rằng giới hạn trên của các số liệu vừa nêu có thể đạt được nếu căng thẳng thương mại “hạ nhiệt”.

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-huong-di-moi-thao-go-bat-dong-592794