Thế giới tuần qua: Diễn biến khó lường

Mỹ không kích các mục tiêu ở miền Đông Syria, mâu thuẫn giữa Nga, Venezuela với EU tăng cao, Iran cảnh báo hủy thỏa thuận với IAEA... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

1. Động thái quân sự đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-2 (giờ Hà Nội) đã bất ngờ chỉ đạo thực hiện vụ không kích trả đũa nhắm vào nhóm dân quân Syria thân Iran tại khu vực biên giới với Iraq.

Xác nhận thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, cuộc không kích đã phá hủy hàng loạt cấu trúc hạ tầng nằm dưới sự kiểm soát của một số nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn. Đây là động thái quân sự đầu tiên của Mỹ dưới thời chính quyền mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tarun Mitra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tarun Mitra.

Mục đích tiến hành không kích ở Syria là trả đũa việc nhiều cơ sở của Mỹ và lực lượng do nước này dẫn đầu ở Iraq bị nã tên lửa dồn dập trong các đợt tấn công gần đây, đồng thời nhằm khẳng định, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ lực lượng Mỹ và liên quân.

Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng cuộc không kích không phản ánh Nhà Trắng mở rộng sự can dự của quân đội ở quốc gia Trung Ðông. Lý do là bởi hành động của Washington có tính toán và được thực hiện song song các biện pháp ngoại giao để tránh nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột lớn trong khu vực.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án cuộc không kích của Mỹ. “Vụ tấn công được phát động trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được”, Sputnik trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

2. Nga và Venezuela phát sinh mâu thuẫn với EU

Ngày 22-2, Liên minh châu Âu (EU) quyết định trừng phạt Nga với lý do từ chối yêu cầu thả tự do cho nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Quyết định này là bước đi tiếp theo trong chiến lược kiềm chế Nga của EU, sau các quyết định trừng phạt Moscow liên quan đến xung đột ở miền Đông Ukraine, Nga sáp nhập bán đảo Crimea (2014); các vụ đầu độc cựu điệp viên Alexander Litvinenko (2006), Sergei Skripal (2018) và Alexei Navalny (2020).

Ảnh minh họa. Nguồn: Euro News.

Việc cô lập tuy gây ra cho Moscow nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Nga được đánh giá là vẫn đứng vững. Ngược lại, cấm vận cũng tác động tiêu cực trở lại đối với nhiều nước EU. Trên thực tế, Pháp, Đức và một số nước kêu gọi tiếp cận có mục tiêu hơn, mang tính chính trị chứ không tập trung vào kinh tế.

Trong khi đó, quan hệ giữa EU và Venezuela cũng gia tăng căng thẳng khi ngày 24-2, Caracas thông báo quyết định trục xuất Đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại nước này Isabel Brilhante Pedrosa, như một biện pháp đáp trả việc EU mở rộng lệnh trừng phạt đối với các quan chức Venezuela với cáo buộc “phá hoại dân chủ”.

Căng thẳng giữa Venezuela và EU đã tồn tại từ lâu khi nhiều nước châu Âu không công nhận kết quả cuộc bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ hồi tháng 12-2020, theo đó Tổng thống Maduro nắm thế kiểm soát đa số đối với quốc hội. Quyết định trục xuất Đại sứ Brilhante của Venezuela được đưa ra hai ngày sau khi các ngoại trưởng EU nhất trí áp đặt trừng phạt đối với 19 quan chức cấp cao của quốc gia Nam Mỹ này

3. Iran dọa hủy thỏa thuận với IAEA

Ngày 21-2, Iran đã đạt một thỏa thuận tạm thời với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho phép cơ quan thuộc Liên hợp quốc tiếp tục giám sát các cơ sở hạt nhân của Tehran thêm 3 tháng nữa.

Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo trong tuần này đã thu hẹp phạm vi hợp tác với IAEA, chấm dứt việc hỗ trợ các biện pháp thanh sát bổ sung theo thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký kết năm 2015 với các cường quốc. Đây là động thái mới nhất của Iran nhằm trả đũa việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Các thanh sát viên của IAEA giám sát một nhà máy hạt nhân tại Iran. Ảnh: IAEA.

Trong một tài liệu riêng gửi các nước thành viên khác trước cuộc họp hàng quý của Hội đồng thống đốc của IAEA vào tuần tới, Mỹ cho biết họ muốn có một nghị quyết “bày tỏ quan ngại sâu sắc của hội đồng về sự hợp tác của Iran với IAEA”. Mỹ cũng yêu cầu hội đồng kêu gọi Iran đảo ngược việc vi phạm thỏa thuận và hợp tác với IAEA nhằm lý giải tại sao các hạt uranium lại được tìm thấy tại những cơ sở hạt nhân cũ, chưa được khai báo ở nước này.

Đáp trả, Iran gọi động thái của Mỹ là “phá hoại”, đồng thời đe dọa nếu IAEA tán thành những nỗ lực này của Mỹ, đó sẽ là “dấu chấm hết” cho thỏa thuận đạt được hồi cuối tuần trước giữa Tehran với Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi. Trong văn bản gửi các nước khác, Iran cũng cảnh báo hậu quả về “sự phức tạp hóa hơn nữa thỏa thuận JCPOA”.

Các nhà ngoại giao cho hay, hiện vẫn chưa rõ liệu Hội đồng thống đốc của cơ quan giám sát hạt nhân LHQ có thông qua một nghị quyết như Mỹ đề xuất hay không.

4. Ấn Độ, Pakistan nhất trí ngừng bắn tại Kashmir

Ngày 25-2, quân đội Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý lệnh ngừng bắn ở biên giới vùng tranh chấp Kashmir, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước trong những tháng gần đây.

Lãnh đạo quân đội cấp cao Ấn Độ và Pakistan đã có cuộc đàm thoại vào sáng cùng ngày. Hai bên cùng bày tỏ sự quan ngại xung đột có thể gây xáo trộn, dẫn đến bạo lực ở khu vực Himalaya, đồng thời thống nhất ngừng bắn ở tại đường ranh giới kiểm soát (LoC) phân chia giữa hai nước.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra khu vực hàng rào biên giới với Pakistan. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đã hoan nghênh động thái này, khẳng định rằng đây là một bước đi tích cực hướng tới nền hòa bình và ổn định lớn hơn ở Nam Á.

Động thái này diễn ra vào thời điểm quân đội Ấn Độ chủ yếu tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Ladakh của Đường kiểm soát thực tế (LAC), xuất hiện vào tháng 5-2020.

Kể từ năm 1947 đến nay, khu vực Kashmir vẫn bị chia cắt thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia.

5. Trung Quốc tiếp tục miễn trừ thuế với hàng hóa Mỹ

Ngày 26-2, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiếp tục miễn thuế bổ sung đối với một số hàng hóa của Mỹ cho đến ngày 16-9-2021.

Sản phẩm hạnh nhân của Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: EPA.

Vào tháng 2-2020, Trung Quốc đã công bố danh sách 65 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ được loại khỏi vòng đáp trả thuế quan thứ hai liên quan các biện pháp trong Mục 301 của Mỹ, có hiệu lực đến ngày 27-2-2021.

Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden mới đây cho biết Washington không dỡ bỏ những loại thuế thương mại nhằm vào hàng hóa Trung Quốc được áp dụng dưới thời Tổng thống Donald Trump cho đến khi tiến hành “đánh giá và tham vấn kỹ lưỡng” với các đồng minh.

Tháng trước, Nhà Trắng cho biết sẽ đánh giá lại tất cả các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia mà cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, bao gồm cả thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-dien-bien-kho-luong-652733