Thế giới tuần qua: Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV diễn biến phức tạp

Lo lắng trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, dư luận thế giới tuần qua tiếp tục đổ dồn về Trung Quốc. WHO nhận định, dịch bệnh đang ở giữa một đợt bùng phát dữ dội với 3.700 ca nhiễm được xác nhận trong một ngày.

1. Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV: Tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh

Tân Hoa xã ngày 7-2 đưa tin, kết quả một nghiên cứu mới nhất cho thấy tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.

Theo đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam tại thành phố Quảng Châu đã giải mã hơn 1.000 mẫu trình tự gien của các loài động vật hoang dã. Dựa trên phát hiện sinh học phân tử ban đầu cho thấy tỷ lệ dương tính Betacoronavirus ở tê tê là 70%, các nhà nghiên cứu đã phân lập và quan sát virus này dưới kính hiển vi điện tử, qua đó phát hiện chuỗi gien của chủng virus corona này trùng khớp tới 99% chuỗi gien thu được trên người nhiễm 2019-nCoV.

 Đồ họa virus corona chủng mới. Ảnh: WHO.

Đồ họa virus corona chủng mới. Ảnh: WHO.

Phát hiện mới này có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh do virus 2019-nCoV gây ra đang diễn biến phức tạp hiện nay. Các nhà nghiên cứu đã loại trừ khả năng con người nhiễm bệnh trực tiếp từ dơi vì người ta không thấy ai bán cũng như không tìm thấy loài vật này ở chợ Huanan. Chưa kể vào thời điểm bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, hầu hết các loài dơi đều trong giai đoạn ngủ đông.

Về tình hình dịch bệnh, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 16 giờ 00 ngày 7-2--2020, thế giới đã ghi nhận 31.507 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ (31.187 trường hợp mắc tại Trung Quốc), trong đó có 639 trường hợp tử vong (637 trường hợp tại Trung Quốc, 1 trường hợp tại Hồng Kông (Trung Quốc) và 1 trường hợp tử vong tại Philippines).

Trên thế giới đã ghi nhận 320 trường hợp mắc tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài lục địa Trung Quốc. Theo WHO, thế giới vẫn đang ở giữa một đợt bùng phát dữ dội, 3.700 trường hợp nhiễm virus Corona được xác nhận trong một ngày.

2. Xung đột tại Syria: các mục tiêu dân sự bị tấn công

Những ngày qua, đụng độ giữa các lực lượng quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib của Syria tiếp tục gia tăng đồng thời xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố. Xung đột leo thang đã dẫn đến những vụ giết hại bừa bãi hàng trăm thường dân và các bên xung đột đã tấn công vào các mục tiêu dân sự ở những khu vực đông dân cư, các cơ sở y tế và các trung tâm tiếp nhận người di cư.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Nguồn: Al Jazeera.

Theo các tổ chức giám sát nhân quyền, 8 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và một số dân thường đã thiệt mạng sau khi quân chính phủ Syria nã pháo tại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả vụ tấn công trên, khiến 13 binh lính Syria thiệt mạng. Đây là vụ giao tranh đẫm máu nhất xảy ra kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới Syria hồi năm 2016. Theo như tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những diễn biến ở khu vực Idlib, Tây Bắc Syria, đã trở nên “không thể kiểm soát được”. Hiện có khoảng gần 1 triệu người ở Idlib đang đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2018, Nga, đồng minh chính của Chính phủ Syria, đã cùng Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường một vùng phi quân sự ở Idlib. Tuy nhiên, những điều khoản trong thỏa thuận liên tục bị vi phạm và gây áp lực cho hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập 12 trạm quan sát quân sự tại tỉnh Idlib để ngăn chặn các lực lượng Syria tấn công vào tỉnh này.

3. Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tiếp tục bị phản đối

Ngày 4-2, Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ nhiều phần của bản kế hoạch hòa bình mới của Mỹ cho khu vực Trung Đông, khẳng định rằng văn bản này vi phạm "các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí", và việc Israel sáp nhập đất đai của người Palestine sẽ vấp phải sự phản đối.

Kế hoạch hòa bình của Mỹ liệu có phải con đường đưa Israel-Palestine đến bàn đàm phán? Ảnh:vov.vn.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết: "Để xây dựng một nền hòa bình đúng đắn và vĩnh cửu, các vấn đề quy chế cuối cùng còn tồn đọng phải được quyết định thông qua các cuộc đàm phán giữa hai bên". Các vấn đề đó gồm biên giới của một nhà nước Palestine và quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem.

Về phía Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký Antonio Guterres ngày 4-2 nhấn mạnh vai trò của LHQ là “người bảo vệ” luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột Israel-Palestine; đồng thời tuyên bố hoàn toàn ủng hộ giải pháp 2 nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ, và trên cơ sở các đường biên giới năm 1967.

Trong khí đó, Palestine ngày 4-2 đã trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ chỉ trích kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ "vi phạm luật pháp quốc tế" và các nghị quyết của LHQ. Dự thảo "nhấn mạnh tính bất hợp pháp của hành động sáp nhập bất cứ khu vực nào thuộc các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng", đồng thời nhấn mạnh "các quyền không thể nhượng bộ và nguyện vọng dân tộc của người Palestin, bao gồm quyền tự quyết và độc lập".

Hôm 28-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi. Văn kiện dài 80 trang này kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song thừa nhận Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel.

4. Luận tội Tổng thống Mỹ: Thượng viện Mỹ tuyên ông Trump vô tội

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-2 đã được Thượng viện nước này tuyên vô tội trong phiên tòa luận tội Tổng thống sau khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu bác bỏ cả 2 điều khoản luận tội ông Trump lạm quyền và cản trở Quốc hội.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản thảo bài phát biểu của ông Trump. Ảnh: AP.

Ông Trump được tuyên bố trắng án trong điều khoản luận tội đầu tiên về cáo buộc lạm quyền, với tỷ lệ 52 phiếu chống và 48 phiếu ủng hộ và điều khoản luận tội thứ hai là cản trở Quốc hội với 53 phiếu chống và 47 phiếu ủng hộ. Kết quả này đã chính thức chấm dứt những nỗ lực của Hạ viện trong thời gian qua nhằm phế truất Tổng thống Trump ra khỏi Nhà Trắng thông qua luận tội.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đọc thông điệp liên bang nhấn mạnh sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại và nêu bật thành tích về kinh tế. Ngoài ra, ông Trump kêu gọi sự hợp tác và đoàn kết của Quốc hội trong việc thúc đẩy các mục tiêu của nước Mỹ. Ông Trump cũng đề cập tới vấn đề siết chặt tình trạng nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm các quy định, thúc đẩy cải cách hệ thống an sinh xã hội, y tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng, giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời cam kết về một triển vọng tích cực và lạc quan về tương lai của nước Mỹ.

Thông điệp của Tổng thống Donald Trump đã nhận được những phản ứng trái chiều cả trong và ngoài tòa nhà Quốc hội. Trước khi phát biểu, ông Trump đã từ chối bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Bà Pelosi đáp trả bằng cách xé bản sao bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ và cho đó là "cách lịch sự nhất".

5. Đàm phám hòa bình về vấn đề Libya đạt nhiều tiến bộ

Ngày 6-2, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Libya, ông Ghassan Salame cho biết các cuộc đàm phán giữa đại diện của các bên tham chiến tại Libya nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, trong đó bao gồm nhất trí về mặt nguyên tắc kéo dài thỏa thuận ngừng bắn hiện nay.

Người dân Lybia hy vọng một giải pháp hòa bình sau Hội nghị Berlin. Ảnh: PRI.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau các cuộc đàm phán ở Geneva, Thụy Sĩ, ông Salame khẳng định dù chưa họp bàn cùng nhau, nhưng các phe đối địch tại Libya vẫn tham gia vào ngoại giao con thoi trong các cuộc họp riêng rẽ. Về việc giám sát lệnh ngừng bắn, ông cho biết cả hai bên chấp thuận việc Ủy ban quân sự chung sẽ tham gia giám sát lệnh ngừng bắn tại Libya dưới sự bảo trợ của LHQ.

Hồi cuối tháng 1, một hội nghị quốc tế về Libya đã được tổ chức tại Berlin, với sự tham gia của các bên liên quan xung đột, đại diện của các cường quốc cũng như các nước trong khu vực. Hội nghị đã nhất trí về việc tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Libya, kêu gọi các nước bên ngoài chấm dứt can thiệp, cũng như tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí mà LHQ đã áp đặt với Libya.

VŨ TRUNG KIÊN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov-dien-bien-phuc-tap-609534