Thế giới tuần qua: COVID-19 hoành hành Nam Mỹ, chính quyền Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Việc Nam Mỹ trở thành điểm nóng COVID-19 mới và Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là vấn đề được quan tâm trong tuần qua.

COVID-19 sang giai đoạn mới

Lễ tang của một nạn nhân COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Reuters

Lễ tang của một nạn nhân COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Reuters

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 5 triệu trong ngày 20/5. Điều đáng chú ý là Nam Mỹ đã vượt Mỹ và châu Âu trở thành điểm nóng mới của COVID-19.

Hãng thông tấn AFP (Mỹ) coi đây là giai đoạn mới trong sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viên đường hô hấp cấp COVID-19. Sau khi lên đỉnh dịch tại Trung Quốc trong tháng 2, COVID-19 đã lây lan đến châu Âu, tiếp đó là Mỹ.

Hiện Mỹ Latinh chiếm 1/3 tổng số ca mới trong đầu tuần này, trong khi châu Âu và Mỹ chiếm hơn 20%.

Phần lớn số ca nhiễm mới bắt nguồn từ Brazil và nước này đã vượt cả Đức, Pháp và Anh để trở thành nước có số trường hợp mắc COVID-19 cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Tỷ lệ gia tăng ca mắc COVID-19 theo ngày tại Brazil đang ở mức cao thứ hai, sau Mỹ.

Ngày 10/1, Vũ Hán (Trung Quốc) ghi nhận 41 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đến 1/4, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 1 triệu. Kể từ thời điểm đó đến nay, cứ hai tuần lại có thêm 1 triệu ca mắc COVID-19.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến chiều 23/5 (giờ Việt Nam), toàn cầu có 340.230 trường hợp tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Các chuyên gia dự đoán số ca mắc COVID-19 trên thực tế cao hơn bởi xét nghiệm còn nhiều hạn chế và nhiều nước không tính những trường hợp tử vong bên ngoài bệnh viện.

Trong một diễn biến khác, đến cuối ngày 22/5, Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào. Đây là lần đầu tiên nước này không có ca nhiễm mới nào kể từ khi giới chức bắt đầu lưu trữ dữ liệu về COVID-19 từ tháng 1.

Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết có hai trường hợp nghi mắc COVID-19, bao gồm một người tại Thượng Hải và một người ở tỉnh Cát Lâm.

Số ca COVID-19 tại địa phương ở Trung Quốc đã giảm mạnh từ tháng 3 khi các biện pháp phong tỏa được thi hành giúp kiểm soát đại dịch.

Đã có nhiều quốc gia mở trường học, công sở sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Thị trường tài chính cũng tăng nhẹ bởi kết quả tiềm năng từ cuộc thử vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên người tại Mỹ.

Mỹ chủ trương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Máy bay không quân Nga tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: RT

Ngày 21/5, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với Nga với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước".

Việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ chính thức diễn ra trong vòng 6 tháng dựa trên các điều khoản của hiệp ước này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ có thể cân nhắc lại quyết định nếu Nga “tuân thủ hoàn toàn hiệp ước”.

Đảng Dân chủ Mỹ vào ngày 22/5 đã phản đối quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.

Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel cùng Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith cho biết việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở mà không tham vấn Quốc hội là vi phạm Điều 1234 của Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) tài khóa 2020.

Cả ông Engel và Smith đều phản đối quyết định rút khỏi hiệp ước bởi họ cho rằng điều này sẽ có “ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như mối quan hệ vượt Đại Tây Dương với các đồng minh và đối tác”.Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/5 cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời Mở. Tuy nhiên, điều này phải dựa trên quyền bình đẳng và hướng tới cân nhắc lợi ích, quan ngại chung.

Cả Mỹ và Nga đều cáo buộc phía còn lại không tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở. Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực từ năm 2002, tạo điều kiện để các bên tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát không có vũ khí tại lãnh thổ nước khác để thu thập dữ liệu về lực lượng vũ trang.

Hiệp ước Bầu trời Mở hướng tới mục tiêu xây dựng niềm tin đối với các bên. Hơn 1.500 chuyến bay của Hiệp ước Bầu trời Mở đã diễn ra từ khi hiệp ước này có hiệu lực vào 2002.

Các chuyên gia đánh giá rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở có thể khiến các đồng minh châu Âu của nước này lo ngại. Ngày 22/5, có 10 quốc gia châu Âu đưa ra tuyên bố chung thể hiện lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi hiệp ước của Mỹ. Theo đó, 10 quốc gia châu Âu này khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành Hiệp ước Bầu trời Mở vốn tăng giá trị cho cấu trúc kiểm soát vũ khí và an ninh chung của chúng tôi”.

Năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Về phần mình, ngày 21/5, Nga lên án kế hoạch của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, khẳng định rằng việc này sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu và ảnh hưởng đến chính lợi ích các đồng minh của Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 22/5 tuyên bố Nga sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở chừng nào thỏa thuận này còn hiệu lực.

Ông Grushko cũng cho biết Nga vẫn đang "hành động trên cơ sở tất cả các nước khác cũng sẽ hành xử tương tự", nhấn mạnh Moskva sẽ có "cách tiếp cận tận tâm đối với những nghĩa vụ của các bên tham gia hiệp ước này".

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-covid19-hoanh-hanh-nam-my-chinh-quyen-my-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo-20200523164933100.htm