Thế giới tuần qua: Căng thẳng và bế tắc

Dư luận quốc tế tuần qua đặc biệt quan tâm đến các thông tin về việc Nga và Mỹ cùng tuyên bố ngừng tuân thủ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Pháp-Italy gia tăng căng thẳng ngoại giao, và những bế tắc trong tiến trình Brexit…

1. Nga, Mỹ ngừng tuân thủ Hiệp ước INF

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tạm ngừng thực hiện các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-2 và bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp ước INF dự kiến hoàn tất sau 6 tháng, nếu Nga không có động thái nào nhằm quay trở lại thực hiện hiệp ước.

Đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này cũng quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước INF; đồng thời tuyên bố nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh. Ông Putin còn chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Ảnh minh họa. Nguồn: sputniknews.com

Trong một động thái nhắm xoa dịu tình hình, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông muốn tổ chức các cuộc đối thoại nhằm xây dựng một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Nga sẽ áp dụng các giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo an ninh nếu Mỹ rời Hiệp ước INF. Tuy nhiên, Moscow vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại nếu Washington trở lại tuân thủ hiệp ước.

Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí đặc biệt lo ngại trước quyết định của Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu Chiến tranh Lạnh, dẫn tới bất ổn ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

Mỹ đã ký Hiệp ước INF với Liên Xô (cũ) vào năm 1987 và từng nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước này.

2. Căng thẳng ngoại giao Pháp-Italy

Ngày 7-2, sau hàng loạt các căng thẳng ngoại giao, Bộ Ngoại giao Pháp đã thông báo triệu hồi Đại sứ tại Italy - một bước đi được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Quyết định được đưa ra nhằm phản ứng việc hai Phó thủ tướng của Italy là Luigi Di Maio và Matteo Salvini đưa ra hàng loạt chỉ trích nhằm vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Phong trào biểu tình "áo khoác vàng" chống Tổng thống Pháp Emmannuel Macron đã diễn ra trong nhiều tháng. Ảnh: Reuters.

Quan hệ giữa Rome và Paris trở nên căng thẳng hơn sau khi ông Di Maio, cũng là lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S), ngày 5-2 đã gặp gỡ đại diện phong trào biểu tình “Áo vàng” - phong trào đang làm nước Pháp rối loạn suốt nhiều tháng qua - ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp.

Căng thẳng giữa Pháp và Italy bùng phát kể từ sau khi liên minh giữa đảng M5S và đảng League lên nắm quyền hồi tháng 6 năm ngoái. Ông Di Maio từng khiến Paris giận dữ khi cáo buộc Pháp làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu bằng việc tiếp tục "thực dân hóa" châu Phi. Pháp đã triệu tập Đại sứ Italy để phản đối.

Lần gần nhất mà Pháp không có Đại sứ tại Italy đã xảy ra cách đây gần 80 năm, trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II.

3. Chưa có tiến triển về vấn đề Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến làm việc tại Bỉ nhằm thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về giải pháp kịp thời cho tiến trình Brexit vốn đang gặp bế tắc. Tuy nhiên, các cuộc gặp không đạt được bất kỳ đột phá nào.

Hai bên chỉ nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận. Với kết quả này, chuyến đi châu Âu của bà May dường như đã “xôi hỏng bỏng không”.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: CNBC

Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp Thủ tướng May, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tái khẳng định lập trường của EU về việc không đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” mà hai bên đạt được hồi tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk tiết lộ vẫn không có đột phá nào sau cuộc gặp Thủ tướng May, song khẳng định các cuộc đối thoại vẫn tiếp tục.

Về phía Anh, Thủ tướng Anh cũng thừa nhận việc phá vỡ bế tắc là không dễ dàng, song bà và lãnh đạo EU đã nhất trí khởi động các cuộc đối thoại từ bây giờ nhằm tìm ra giải pháp cho tất cả. Bà cũng cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận với EU để đảm bảo Anh sẽ rời khỏi liên minh theo đúng kế hoạch vào ngày 29-3 tới.

Theo đánh giá của giới phân tích, bất chấp việc Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định rằng xứ sở sương mù sẽ tách khỏi ngôi nhà chung đúng hạn, những tuyên bố cứng rắn của Liên minh châu Âu cho thấy, nhiều khả năng thời hạn chót cho Brexit sẽ phải lùi lại để mang lại lợi ích chung.

4. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-2 công bố cuộc gặp lần hai giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra rại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28-2. Dù vậy, Triều Tiên vẫn chưa có phản hồi chính thức.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6-2 đã lên tiếng hoan nghênh lãnh đạo hai nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bắt tay trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore. Ảnh: foreignpolicy.com

Tiếp đó, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae Hyun cho biết Seoul hy vọng hội nghị sắp tới giữa ông Trump và ông Kim sẽ tạo ra bước tiến cụ thể, mở đường cho những thỏa thuận liên Triều lớn hơn trong tương lai.

Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp sẽ được tổ chức tại thành phố nào ở Việt Nam. Hội nghị lần thứ hai này được kỳ vọng có thể khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra vào tháng 6-2018 tại Singapore. Sau cuộc gặp lịch sử này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song các cuộc đàm phán hạt nhân sau đó không có tiến bộ nào đáng kể.

5. Ukraine thông qua sửa đổi Hiến pháp, tiến tới gia nhập EU, NATO

Quốc hội Ukraine ngày 7-2 đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp, theo đó xác định rõ mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của nước này.

Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp Ukraine sửa đổi, Tổng thống Petro Poroshenko nhấn mạnh, việc sửa đổi này là một quyết định quan trọng và đây là ngày lịch sử của đất nước.

Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội Ukraine. Ảnh: president.gov.ua.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Andriy Parubiy cũng hoan nghênh việc sửa đổi hiến pháp, cho rằng đây là sự lựa chọn không thể đảo ngược của nước này, đồng thời hy vọng Kiev sẽ sớm có được tư cách thành viên đầy đủ của 2 khối liên minh này.

Ukraine đã thúc đẩy việc gia nhập NATO trong nhiều năm qua, trong đó, Tổng thống Poroshenko tuyên bố sẽ tổ cuộc trưng cầu ý dân về gia nhập NATO trước năm 2020.

6. Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria vào cuối tháng 4 năm nay

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho hay, quân đội nước này đã ấn định thời điểm rút quân hoàn toàn khỏi Syria là vào cuối tháng 4-2019.

Binh sĩ Mỹ tại Syria. Ảnh: wsj.com.

Trước đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Washington nói với các phóng viên rằng khu vực Al-Tanf của Syria sẽ là địa điểm cuối cùng mà quân đội Mỹ sẽ rút quân theo kế hoạch đã định sẵn. Đồng thời, viên quan chức này cũng khẳng định bước đi tiếp theo của Mỹ sẽ là thực hiện viện trợ nhân đạo tại Syria.

Vào tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các lực lượng quân sự Mỹ sẽ sớm rời khỏi Syria, nhấn mạnh rằng nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại khỏi quốc gia Trung Đông này.

Việc quân đội Mỹ rút khỏi Syria làm dấy lên những lo ngại về một "khoảng trống" tiềm tàng. Trên thực tế, cuộc chiến chống IS của Mỹ ở Syria vẫn tiếp tục cho tới thời điểm hiện tại, với các lực lượng sở tại do Washington hậu thuẫn, chủ yếu là các tay súng người Arab và người Kurd.

KHÁNH NGÂN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-cang-thang-va-be-tac-566093