Thế giới tuần qua: Căng thẳng song phương

Nhiều mối quan hệ song phương trên thế giới đang ngày càng căng thẳng, trong đó có vấn đề Anh và Iran đứng trước nguy cơ đối đầu ở vùng Vịnh, Ấn Độ và Pakistan đụng độ ở Kashmir, Pháp dự định đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ.

1. Anh sẽ điều thêm tàu chiến đến vùng Vịnh

Anh vừa tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Vịnh bằng việc triển khai tàu chiến thứ 2 đến khu vực này để đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại của nước này, trong bối cảnh căng thẳng với Tehran sau vụ tàu dầu Grace 1 của Iran bị bắt giữ trong vùng biển Gibraltar.

Như vậy, hai tàu chiến của Anh gồm tàu hộ vệ HMS Montrose và tàu khu trục HMS Duncan sẽ tạm thời cùng có mặt ở gần Iran trong ít ngày tới, chỉ vài ngày sau khi chính phủ Anh nâng cảnh báo ở vùng biển gần Iran lên mức cao nhất.

 Anh sẽ điều tàu khu trục HMS Duncan tới vùng Vịnh. Ảnh: Forces.

Anh sẽ điều tàu khu trục HMS Duncan tới vùng Vịnh. Ảnh: Forces.

Phía London cáo buộc 3 tàu thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cố cản trở tàu dầu British Heritage của công ty BP (Anh) lúc đang di chuyển qua eo biển Hormuz ở vùng Vịnh ngày 10-7. Theo đó, các tàu Iran chỉ rời đi sau khi tàu HMS Montrose phát cảnh báo. Chỉ một tuần trước đó, căng thẳng giữa Anh và Iran tăng nhiệt khi Anh bắt giữ tàu dầu Grace 1 của Iran trong vùng biển Gibraltar với lý do vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu.

Giữa lúc căng thẳng giữa Iran và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc triển khai lực lượng để thành lập một hạm đội chung, tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở eo biển Hormuz. Tuy vậy, Mỹ cũng quyết định không áp đặt lệnh cấm vận đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif vào thời điểm hiện nay. Điều này cho thấy Washington vẫn để ngỏ giải pháp ngoại giao.

2. Ấn Độ và Pakistan lại đụng độ ở Kashmir

Pháo kích đã nổ ra giữa lực lượng Ấn Độ và Pakistan dọc theo Đường kiểm soát (LoC) ở Kashmir – khu vực tranh chấp do Ấn Độ quản lý. Phía Ấn Độ cáo buộc Pakistan nổ súng trước, nhắm đến các tiền đồn và khu dân cư.

Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực Kashmir. Ảnh: Telegraphindia.

Vụ đấu pháo giữa lực lượng Ấn Độ và Pakistan diễn ra vào sáng 12-7 trên biên giới Ấn Độ - Pakistan. Tuy nhiên, chưa có thông tin về con số thương vong. Kể trừ ngày 6-7, đây đã là lần đấu pháo thứ 5 giữa quân đội 2 nước.

Ấn Độ cáo buộc Pakistan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tới 1.248 lần chỉ tính riêng trong năm 2019. Trước đó, vào năm 2003, New Delhi và Islamabad đã ký một thỏa thuận ngừng bắn tại LoC. Đây được xem là biện pháp xây dựng lòng tin lớn nhất giữa 2 nước.

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan vốn đã căng thẳng từ lâu vì cạnh tranh kiểm soát các vùng thuộc khu vực Kashmir, kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập từ năm 1947.

3. Pháp sẽ đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ

Việc quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các “ông lớn” công nghệ của Mỹ khiến nước này nổi giận và tuyên bố mở cuộc điều tra về dự luật mới này.

Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua vào ngày 4-7 và 11-7. Vì dự luật này nhắm đến những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu, chủ yếu đến từ Mỹ nên nó còn gọi được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu đầu tiên của bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).

Ảnh minh họa. Nguồn: Forbes.

Dự luật này nếu được thông qua sẽ đưa Pháp trở thành nước lớn đầu tiên trên thế giới áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các “ông lớn” trong ngành công nghệ. Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số (quảng cáo trực tuyến, dịch vụ kết nối, bán dữ liệu cá nhân...) cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hằng năm của họ tại Pháp.

Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hàng năm ít nhất 750 triệu EUR trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu EUR tại Pháp. Tiêu chí này sẽ khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu lọt vào tầm ngắm, chủ yếu là các công ty Mỹ và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha.

Tức giận trước động thái của Pháp, hôm 10-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ mở cuộc điều tra dự luật GAFA dựa trên điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974. Còn nhớ, chính cuộc điều tra dựa trên điều khoản này đã dẫn đến quyết định áp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hồi năm ngoái.

4. Nhật Bản và Hàn Quốc tranh cãi thương mại

Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang hiển hiện khi Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Biện pháp này của Nhật Bản được cho là sẽ ảnh hưởng đến các “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Samsung Electronics.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định biện pháp kinh tế này được đưa ra vì lý do an ninh, không phải để trả đũa Hàn Quốc trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Căng thẳng lại leo thang hơn khi 36.000 người Hàn Quốc ký đơn thỉnh cầu kêu gọi chính phủ có hành động trả đũa đối với Tokyo. Nhiều người Hàn Quốc cũng đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản trên truyền thông xã hội.

5. Hạ viện Mỹ ủng hộ chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên

Ngày 11-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua nội dung sửa đổi với dự luật về kêu gọi chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có động thái như vậy. Nội dung mới đã ghi nhận tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao trong việc đạt được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và cho rằng việc chính thức kết thúc chiến tranh là yếu tố then chốt hướng tới mục tiêu này.

Khu vực DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Nikkei.

Đã có dấu hiệu rõ ràng cho thấy người dân Mỹ muốn chấm dứt xung đột này và việc chấm dứt sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ bằng một thỏa thuận hòa bình là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Dư luận quốc tế đang kỳ vọng giới chức Mỹ và Triều Tiên sẽ nối lại đàm phán trong những ngày tới nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, để đổi lấy nhiều sự nhượng bộ, trong đó có việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên.

Về mặt lý thuyết, Bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc với một thỏa thuận đình chiến, không phải một hiệp định hòa bình.

6. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12.7 tuyên bố đã tiếp nhận hệ thống phòng không hiện đại của Nga, bất chấp cảnh báo liên tiếp từ đồng minh Mỹ về thương vụ này.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay S-400 đã được chuyển đến căn cứ không quân Murted ở ngoại ô thủ đô Ankara. Việc giao các bộ phận thuộc hệ thống trên sẽ được tiếp tục trong những ngày tới.

Ảnh: TASS.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống phòng không của Nga là một trong những vấn đề đe dọa qua hệ đồng minh giữa nước này và Mỹ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhằm gây sức ép để chính quyền Ankara hủy thỏa thuận với Nga, Mỹ đã ngừng thỏa thuận bán tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng trước, Lầu Năm Góc đã công bố các kế hoạch chấm dứt tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình phát triển F-35.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng miễn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp với Tổng thống Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật ngày 29-6, giới chức Mỹ cho biết nước này vẫn có kế hoạch áp lệnh trừng phạt nếu Ankara theo đuổi hợp đồng S-400.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-cang-thang-song-phuong-582303